Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vận động gây Quỹ khuyến học:
Chung tay vì sự nghiệp giáo dục
Thứ bảy: 05:46 ngày 11/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chương trình văn nghệ nhằm tuyên truyền, vận động, cổ vũ toàn xã hội về công tác khuyến học, khuyến tài, qua đó huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, ấp Giồng Cà, xã Bình Minh, TP. Tây Ninh - ngôi trường được xây từ nguồn vốn xã hội hoá.

Tối nay, 11.8.2018, tại hội trường Tỉnh uỷ diễn ra chương trình văn nghệ vận động gây Quỹ khuyến học, khuyến tài tỉnh Tây Ninh năm 2018. Chương trình văn nghệ nhằm tuyên truyền, vận động, cổ vũ toàn xã hội về công tác khuyến học, khuyến tài, qua đó huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Nhân sự kiện này, chúng ta cùng nhìn lại công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Xã Bình Minh (thành phố Tây Ninh), xã Phước Trạch (Gò Dầu) đã được công nhận danh hiệu cộng đồng học tập cấp xã; ấp Giữa thuộc xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu và ấp Ninh Hưng 2 thuộc xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu được công nhận danh hiệu cộng đồng học tập cấp ấp.

Ngày 13.4.2007, Bộ Chính trị khoá X  ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trong hơn 10 năm qua, Tây Ninh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị số 11.

UBND các huyện, thành phố triển khai, quán triệt nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập như xoá mù chữ, phổ cập giáo dục, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài đến các ban chỉ đạo phổ cập giáo dục các huyện, thành phố trong tỉnh.

Năm 2007, toàn tỉnh có 95/95 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Năm 2012, tỉnh tiếp tục duy trì chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Hiện nay, Tây Ninh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về trung học cơ sở và bậc học mầm non.

Ðể công tác khuyến học phát triển, việc xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức được chú trọng. Trên địa bàn tỉnh, tổ chức Hội Khuyến học được hình thành từ tỉnh đến cơ sở và khu dân cư, tổ tự quản.

Toàn tỉnh có 9/9 huyện, thành phố và 95 xã, phường, thị trấn có tổ chức khuyến học. Hết năm 2017, cả tỉnh có hơn 37% dân số là hội viên Hội Khuyến học. Liên quan đến kết quả xây dựng gia đình hiếu học, cộng đồng học tập và xây dựng mô hình học tập suốt đời trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau (cả gián tiếp và trực tiếp).

Theo số liệu báo cáo, số lượng cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng trong 10 năm kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 11 là hơn 42.000 lượt người. Số người nội trợ được đào tạo nghề (lao động nữ nông thôn) năm 2007 là 985 người, năm 2016 là 2.302 người.

Ðối với kết quả xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Trung tâm Văn hoá - Thể  thao - Học tập cộng đồng, theo báo cáo của tỉnh, các trung tâm này hoạt động có hiệu quả. Số lượng người tham gia học tập các lớp nâng cao kiến thức, chuyển giao công nghệ tại các trung tâm tăng cao so với năm 2007.

Thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác khuyến học, khuyến tài, các cấp Hội Khuyến học đã thể hiện vai trò nòng cốt trong việc phối hợp, kết hợp với các lực lượng xã hội, tổ chức kinh tế để huy động nguồn lực cho công tác này.

Tính từ năm 2007 đến cuối năm 2016, Hội Khuyến học các cấp đã tổ chức vận động được hơn 357 tỷ đồng. Nguồn quỹ được sử dụng vào việc trao học bổng và hỗ trợ phát triển giáo dục. Số liệu thống kê cho thấy, đã có trên 300.000 suất học bổng được trao với số tiền hơn 95 tỷ đồng. Số tiền còn lại, tỉnh đã hỗ trợ xây 1 nhà công vụ, 2 trường mầm non, 8 trường tiểu học, 2 trường THCS, đồng thời sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường học.

Hoạt động khuyến học, khuyến tài còn có sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, Ðoàn Thanh niên…

Các tổ chức này đã tham gia xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh công tác khuyến học bằng nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ: Công đoàn ngành Giáo dục và Ðào tạo phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh huy động được hàng trăm tỷ đồng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học.

Ðoàn Thanh niên phối hợp, tổ chức các phong trào cho thanh niên, vận động gây quỹ hỗ trợ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tham gia học tập, trao nhiều suất học bổng với các tên gọi khác nhau như Thắp sáng ước mơ, Tiếp sức đến trường, Vì đàn em thân yêu...

Ngoài những kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị cũng còn một số hạn chế. Theo đó, một số cấp uỷ, chính quyền chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện chỉ chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về xây dựng xã hội học tập.

Công tác tuyên truyền một số nơi chưa sâu rộng; công tác phát triển hội viên ở một số huyện còn thấp; việc thành lập Chi hội Khuyến học ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa rộng khắp. Hoạt động của Trung tâm Văn hoá - Thể thao - Học tập cộng đồng còn một số hạn chế. Nhân sự ban chấp hành Chi hội Khuyến học ở ấp, khu phố và tổ dân cư tự quản thường xuyên thay đổi, có lúc củng cố chưa kịp thời.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có thêm gần 11.000 hội viên Hội Khuyến học, nâng tỷ lệ hội viên đạt 39,4% dân số, trong đó, đảng viên là hội viên đạt gần 21.000 người, tương đương 62,4% số đảng viên của toàn tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Khuyến học của tỉnh đã huy động được hơn 26 tỷ đồng và gần 29.000 phần quà để tặng cho học sinh. Số liệu thống kê cho thấy, đã có hơn 43.000 suất học bổng được trao. Theo đánh giá của lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh, công tác khuyến học và phong trào khuyến học tiếp tục duy trì, giữ vững và phát triển toàn diện.

Những hạn chế cũng đã được chỉ ra, đó là một số Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập cấp xã nhận thức chưa thật đầy đủ về xây dựng xã hội học tập, vẫn còn hiện tượng khoán trắng cho Hội Khuyến học và ngành Giáo dục nên kết quả thực hiện còn hạn chế. Một số Trung tâm Văn hoá - Thể thao - Học tập cộng đồng chưa huy động được người vào học tập hoặc có ít người học.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân trao Kỷ niệm chương của Hội cho Ni trưởng Thích nữ Diệu Nghĩa- người đã có đóng góp lớn cho sự nghiệp giáo dục.

Tháng 6.2017, trong lần vào thăm và làm việc với Hội Khuyến học tỉnh, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan đã đánh giá cao công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập ở Tây Ninh và nhận định, Tây Ninh đã làm rất tốt việc vận động, gây quỹ để tiếp sức cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường.

Khi bàn về hoạt động của Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Học tập cộng đồng, bà Nguyễn Thị Doan cho biết, một số địa phương trong nước đã giao thiết chế văn hoá này cho Sở GD&ÐT làm đầu mối quản lý, hoạt động. Tại nhiều địa phương, ngành Giáo dục phối hợp với các ban, ngành có liên quan xây dựng chủ đề, chuyên đề cụ thể và tổ chức triển khai tại Trung tâm.

Những dữ liệu, thông tin nêu trên cho thấy, trong nhiều năm qua, Tây Ninh là một trong những tỉnh đã làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài. Hàng trăm tỷ đồng ngoài ngân sách đã được huy động để hỗ trợ, tiếp sức đến trường, “ngăn dòng bỏ học” cho hàng chục ngàn học sinh, cũng như cải tạo cơ sở vật chất trường lớp.

Tháng 1.2018, Hội Khuyến học tỉnh Tây Ninh được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì do đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2012 đến năm 2016.

VIỆT ÐÔNG

Tin cùng chuyên mục