Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế để tăng năng suất lao động
Thứ tư: 15:56 ngày 23/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Nếu chúng ta cải thiện môi trường kinh doanh, đào tạo nhân lực tốt hơn thì việc đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước mới tăng, phát triển nhiều nhà máy, xí nghiệp. Việc chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang công ngiệp sẽ làm tăng năng suất lao động”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu.

Công nhân đóng khung hình ở KCN Trảng Bàng làm việc trong môi trường tiếng ồn cao, nhưng không đeo nút chống ồn.

Với sự chủ trì Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ngày 18.1 vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về hoạt động của ngành năm 2018. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự hội nghị có đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

LAO ĐỘNG QUA ĐÀO TẠO ĐẠT GẦN 60%

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Hiệp cho biết, năm 2018, Bộ hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã. Các số liệu được nêu ra cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,1% (thấp nhất trong 11 năm trở lại đây); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,6%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 23% - 23,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,35% so với cuối năm 2017, riêng các huyện nghèo giảm trên 5%.

Bộ đã triển khai thực hiện các giải pháp đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo tinh thần Nghị quyết số 19 hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, Bộ đã rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động trên thị trường. Theo tính toán, năm qua, cả nước có gần 1,7 triệu người tìm được việc làm, vượt chỉ tiêu đề ra.

Đối với chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Bộ cho triển khai các giải pháp mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Đến nay, cả nước có hơn 14,7 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Thực hiện chính sách với người có công, Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2018/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng; chỉ đạo các địa phương thực hiện đầy đủ các chính sách cho trên 1,33 triệu đối tượng người có công. Cuối năm 2018, 99% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.

Thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững, Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông và khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý. Tổng hợp sơ bộ kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của các địa phương, đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 5,35% (giảm 1,35% so với cuối năm 2017)...

TÂY NINH VƯỢT CHỈ TIÊU TẠO VIỆC LÀM

Tại Tây Ninh, năm 2018, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Số lao động có việc làm tăng thêm 19.946 lao động, đạt 117,31%  kế hoạch năm (17.000 lao động). Về tổng số lao động người nước ngoài đang làm việc trên địa bàn tỉnh là 3.092 người. Trong đó số lao động thuộc diện cấp phép có 2.949 người, không thuộc diện cấp phép lao động là 145 người.

Năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ đình công, lãn công tại 7 công ty với 4.897 lao động tham gia, so năm 2017 giảm 1 vụ. Nguyên nhân của các vụ đình công xảy ra liên quan đến việc điều chỉnh tiền lương, các khoản phụ cấp, thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi quản lý… Các cuộc đình công đều đã được hoà giải thành. An toàn lao động, trong năm xảy ra 5 vụ tai nạn tại 5 công ty làm 6 người chết (giảm 1 vụ so với cùng kỳ). Tất cả các vụ tai nạn lao động đều được tổ chức điều tra kết luận theo thẩm quyền.

Liên quan chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, toàn tỉnh có 198.600 người tham gia BHXH bắt buộc, 187.021 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trong năm đã thẩm định và quyết định cho khoảng 14.520 người hưởng trợ cấp thất nghiệp…

Đánh giá kết quả hoạt động năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, các chỉ tiêu giải quyết việc làm, đào tạo nghề, giảm nghèo đạt và vượt kế hoạch đề ra, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện kịp thời. Chính sách đối với người có công tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện.

Công tác giảm nghèo được các huyện, thành phố tích cực triển khai thực hiện, các chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện đạt kết quả. Ngành đã góp phần chăm lo tốt công tác an sinh xã hội, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách người có công, người cao tuổi, các đối tượng bảo trợ xã hội và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và thực hiện công tác chi trả trợ cấp cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh bảo đảm theo quy định.

Chủ động triển khai thực hiện nhiều mô hình để nâng cao công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình, tại cộng đồng như thành lập điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị người nghiện tại cộng đồng, mô hình quản lý, giáo dục và điều trị người nghiện có hiệu quả tại gia đình, tại cộng đồng. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo.

Ngành phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham mưu UBND tỉnh phối hợp cùng Trung tâm tin tức VTV 24 tổ chức thành công Chương trình “Cặp lá yêu thương”. Tính đến nay, có 117 trẻ em (lá chưa lành) được hỗ trợ từ chương trình này.

Công nhân làm việc trong xưởng chế biến mủ cao su ở Tân Biên.

SỬA LUẬT GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương những kết quả toàn diện, cụ thể của toàn ngành LĐ-TB&XH. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ phải làm trong thời gian tới, đó là vấn đề lao động, đào tạo nguồn nhân lực, cơ cấu lao động… Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện những khâu cuối cùng về tự chủ cho các trường giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu nhân lực của đất nước

Một thông tin đáng chú ý, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các cơ quan xây dựng chính sách, đơn vị đào tạo nghiên cứu xem có thể cho phép học sinh sau khi học xong lớp 9 sẽ được học thẳng lên cao đẳng hay không. “Với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, thay vì quy định đầu vào của người học hệ cao đẳng phải tốt nghiệp THPT, chúng ta có nên áp dụng giống nhiều nước trong việc tuyển cao đẳng với đầu vào là hết giai đoạn cơ bản, như ở Việt Nam là hết lớp 9 hay không”- Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Phó Thủ tướng thông tin thêm, năm 2019, theo kế hoạch, Quốc hội sẽ xem xét việc sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp. Bàn về năng suất lao động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận, nguyên nhân chính khiến năng suất lao động Việt Nam thấp là vì phần lớn người lao động đang làm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

“Nếu chúng ta cải thiện môi trường kinh doanh, đào tạo nhân lực tốt hơn thì việc đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước mới tăng, phát triển nhiều nhà máy, xí nghiệp. Việc chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang công ngiệp sẽ làm tăng năng suất lao động”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục