Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn trái
Chủ nhật: 08:46 ngày 11/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thực hiện Đề án cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, định hướng của tỉnh là cơ cấu lại trồng trọt, trong đó nâng cao giá trị sản xuất cây trồng truyền thống, đồng thời tiếp tục chuyển đổi vùng sản xuất lúa, mía, cao su hiệu quả thấp sang trồng rau quả, cây ăn trái, từng bước hình thành vùng nguyên liệu, hướng tới phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Bên cạnh đó, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hướng dẫn, tuyên truyền nông dân thực hiện chuyển đổi theo định hướng của tỉnh.

Nông dân xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu bên vườn nhãn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2020, tỉnh Tây Ninh còn khoảng 72.939 ha đất trồng lúa. Kế hoạch đến năm 2025, đất trồng lúa còn 67.790 ha và định hướng đến năm 2030 là 63.321 ha. Diện tích đất trồng lúa thay đổi chủ yếu do chuyển sang trồng cây lâu năm. Thời gian trồng cây hằng năm hoặc kết hợp nuôi trồng thuỷ sản trên đất trồng lúa được người dân luân phiên thay đổi với các vụ lúa trong năm.

Dự kiến giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm với tổng diện tích khoảng 9.618 ha, trong đó: giai đoạn 2021-2025, chuyển đổi khoảng 5.149 ha; định hướng đến năm 2030 là 4.469 ha.

Tại huyện Dương Minh Châu, thổ nhưỡng của địa phương chủ yếu là đất xám, thích hợp cho các loại cây công nghiệp hơn cây lương thực. Loại đất này có đặc điểm là không giữ được nước, do đó, trong những năm qua, địa phương đã đầu tư rất nhiều cho công tác thuỷ lợi.

Phía Đông Bắc của huyện tiếp giáp hồ Dầu Tiếng, là công trình thuỷ lợi lớn của cả nước với diện tích mặt hồ 270km2 và trữ lượng nước lên tới 1,5 tỷ mét khối. Đây là điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như các ngành kinh tế khác như du lịch, nuôi trồng thuỷ sản…

Theo Phòng Nông nghiệp huyện, thời gian qua, nông dân trên địa bàn đã chuyển đổi cơ cấu từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn như nhãn, sầu riêng, bưởi... Từ đầu năm đến nay, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện khoảng 2.222 ha, gồm: từ lúa 1 vụ chuyển sang cây hằng năm là 1.177 ha (bắp, mì, rau các loại); từ lúa chuyển đổi sang cây lâu năm khoảng 1.045 ha, như nhãn 463 ha, sầu riêng 269 ha, bưởi 187 ha, mãng cầu 19 ha…

Huyện đã chỉ đạo cho các xã tập trung tuyên truyền người dân chuyển đổi cây trồng theo đúng định hướng; hướng dẫn bà con làm theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, đăng ký xây dựng tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, định hướng cho bà con xây dựng các vùng nguyên liệu, liên kết các tổ hợp tác để sản xuất; hỗ trợ bà con về kỹ thuật sản xuất, tập huấn về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các tổ hợp tác chuyên về bưởi da xanh, sầu riêng, nhãn...

Để phục vụ cho vùng chuyển đổi cây ăn trái, huyện tiến hành nạo vét hệ thống các tuyến kênh tiêu, kết hợp làm đường giao thông nội đồng. Các dự án đang triển khai trên địa bàn gồm: dự án phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi cây trồng (gọi tắt là dự án) xã Phước Ninh, Phước Minh (gồm kênh tiêu T0-2, T0-3, A4); dự án ở xã Truông Mít (kênh T12-13, T12-16) và dự án xã Lộc Ninh với kênh T12A.

Còn tại xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, ông Trần Thanh Sơn- Tổ trưởng tổ liên kết trồng khóm ấp Chánh cho biết, trước đây ông trồng 2 vụ lúa, 1 vụ màu nhưng giá cả bấp bênh, không hiệu quả. Từ tháng 1 năm nay, ông và một số hộ dân bắt đầu chuyển sang trồng khóm Queen.

“Xã vận động nông dân chúng tôi thành lập tổ liên kết với 5 thành viên, tổng diện tích sản xuất khoảng 5 ha. Về phía tổ cũng đã ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm cùng Nhà máy Tanifood ở xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu”- ông Sơn nói.

Ông Phạm Thành Thuế- Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh cho biết, diện tích chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã tăng lên hằng năm, chủ yếu ở ấp Xóm Bố (cây sầu riêng); ấp Cây Da (sầu riêng, rau các loại); ấp Chánh (cây khóm, mít, bưởi); ấp Tầm Lanh (cây mít, nhãn).

Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ người dân tự chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm xen kẽ trong khu dân cư sang trồng rau màu, bưởi… Nhìn chung, diện tích đất trồng lúa 3 vụ được giữ vững. Diện tích đất lúa không hiệu quả, đất hoang hoá bạc màu cặp suối Cầu Đôi, Rạch Giữa, được chuyển sang trồng cây có múi, hoa màu, rau ăn trái các loại. Diện tích cây ăn trái có múi tăng lên đáng kể.

Qua thống kê, diện tích trồng nhãn trên địa bàn xã đến nay khoảng 185 ha (phân bố ở ấp Xóm Bố, Tầm Lanh, ấp Chánh); sầu riêng 75 ha. Từ năm 2017 đến nay, diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây ăn trái các loại gồm: nhãn 40 ha, mít 35 ha, bưởi 25 ha, sầu riêng 35 ha, khóm 4,95 ha… Hiện trên địa bàn xã có 2 hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ với Nhà máy Tanifood của tổ liên kết trồng mít (4,2 ha) ở ấp Tầm Lanh và tổ liên kết trồng khóm ở ấp Chánh.

Tuy nhiên, ông Thuế cũng cho biết, diện tích chuyển đổi còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết vùng; ý thức của người dân còn hạn chế, chưa tuân thủ các quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều trường hợp chuyển đổi tự phát. Bên cạnh đó, năng lực tiếp cận thị trường, vốn tín dụng của nông dân còn hạn chế dẫn đến chưa mạnh dạn đầu tư. Ngoài ra, tổ hợp tác trồng cây ăn trái có quy mô nhỏ, trình độ nhân lực không đồng đều dẫn đến việc điều hành còn hạn chế.

Do đó, địa phương kiến nghị cần có quy hoạch từng khu vực cho từng loại cây trồng trên cơ sở đặc điểm, điều kiện thổ nhưỡng; lấy thế mạnh cây trồng của địa phương trong việc bố trí vùng quy hoạch chung của huyện và tỉnh, trên cơ sở khảo sát, kiểm tra của cơ quan, các ngành đối với từng khu vực cụ thể, để hướng nông dân đi đúng hướng, bảo đảm thị trường.

Theo Sở NN&PTNT, thời gian qua, Tây Ninh là nơi trồng cao su, mì… Những năm gần đây, do giá cao su liên tục giảm, hiệu quả ở mức rất thấp nên người sản xuất đã mạnh dạn chuyển đổi sang cây ăn trái, rau để mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Trong 5 năm (2016-2020), ngành Nông nghiệp tập trung phát triển các cây trồng chủ lực của tỉnh theo hướng đẩy mạnh thâm canh, cánh đồng lớn, cơ giới hoá đồng bộ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Năng suất, chất lượng cây trồng được nâng lên, bảo đảm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, liên kết sản xuất với tiêu thụ. Ngành Nông nghiệp cũng xây dựng một số mô hình, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cây trồng chủ lực theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường, công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, điểm nổi bật nhất trong thời gian qua là chuyển đổi mạnh trên 36.000 ha cây trồng truyền thống của tỉnh có hiệu quả thấp như lúa, cao su, mía… sang trồng các loại cây ăn trái quy mô tập trung, có giá trị kinh tế cao như: nhãn, mãng cầu, bưởi, sầu riêng, xoài, chuối, mít...

Trong đó, có 30.829 ha đất lúa đã được chuyển đổi sang trồng cây hằng năm như rau các loại, bắp, mì, đậu các loại... và trên 5.500 ha đất lúa đã được chuyển đổi sang trồng cây lâu năm (cây ăn trái), còn lại là đất trồng cây cao su, mì, mía chuyển sang trồng cây ăn trái khoảng 2.000 ha. Ước diện tích cây ăn trái năm 2020 trên địa bàn tỉnh khoảng 23.000 ha, tăng 5.700 ha so với năm 2016.

Ông Xuân cho biết thêm, để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai việc đánh giá phân tích chất lượng từng loại đất tại một số huyện có định hướng phát triển vùng nguyên liệu phù hợp với nhu cầu chế biến và xuất khẩu.

Trên cơ sở diện tích chuyển đổi đất trồng lúa đã đăng ký từ năm 2021-2025, và định hướng đến năm 2030, khi được Bộ NN&PTNT phê duyệt, UBND tỉnh sẽ ban hành kế hoạch cụ thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo từng năm để các huyện, thị xã, thành phố căn cứ thực hiện theo đúng tiến độ quy định.

Đối với trường hợp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng tự phát, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền cấp huyện, xã hướng dẫn thực hiện đúng thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo quy định tại theo Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13.12.2019 của Chính phủ và Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11.7.2019 của Chính phủ, bảo đảm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa vẫn giữ mục đích sử dụng đất là đất lúa.

Thực hiện Kế hoạch hỗ trợ chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho nông dân trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh, năm 2018, tỉnh đã chứng nhận cho 10 tổ liên kết hợp tác với diện tích 425,22 ha. Năm 2019, đã chứng nhận cho 20 đơn vị với tổng diện tích đạt chứng nhận là 850,66 ha. Luỹ kế đến nay, đã hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 30 đơn vị với tổng diện tích 1.275,88 ha; sản lượng 37.605 tấn/năm.

Các loại cây ăn trái đạt chứng nhận VietGAP gồm: mãng cầu ta, bưởi da xanh, cam, quýt, xoài tứ quý, chuối già Nam Mỹ, dứa, chôm chôm, mít, sầu riêng, nhãn, thanh long, bơ, măng cụt.

TRÚC LY

Tin cùng chuyên mục