Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Chuyển đổi số để bộ máy vận hành thông suốt
Thứ tư: 09:00 ngày 09/07/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khi bộ máy chính quyền mới đi vào hoạt động cũng là thời điểm đánh dấu bước ngoặt trong công cuộc cải cách hành chính. Trong đó, chuyển đổi số (CĐS) và trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành “trợ thủ” giúp chính quyền phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã được đầu tư trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân

Bảo đảm bộ máy mới vận hành thông suốt, hiệu quả

Những ngày đầu đi vào vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Tây Ninh  làm việc rất khẩn trương và nghiêm túc. Người dân tập trung đông tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (TTPVHCC) cấp xã để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Đặc biệt, toàn bộ Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND của 96 xã, phường trong tỉnh đã có mặt tại TTPVHCC cấp xã để trực tiếp điều phối và đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp. Cán bộ, công chức đã có mặt từ sớm để chạy thử hệ thống, phối hợp VNPT trong việc kết nối các nền tảng số và Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Tuy lúc đầu có khó khăn như đường truyền gặp một số trục trặc nhỏ nhưng đã được các kỹ thuật viên của VNPT hỗ trợ khắc phục kịp thời. Song song đó là việc làm quen với các mẫu biểu mới để thực hiện quy trình của chính quyền cấp xã nhưng vấn đề này cũng được xử lý nhanh chóng, giúp người dân không phải chờ đợi lâu.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Tập - Trần Thanh Phong thông tin, sau khi xã Tân Tập chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, lãnh đạo xã trực tiếp kiểm tra công tác vận hành mô hình mới tại TTPVHCC xã để có thể tiếp cận và xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình giải quyết hồ sơ, TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Để bảo đảm bộ máy mới vận hành thông suốt, trước đó, địa phương đã quan tâm, chủ động bố trí cán bộ bảo đảm số lượng, phù hợp với chuyên môn và có kinh nghiệm trong công tác, tổ chức tập huấn và học tập kinh nghiệm trước khi vận hành thực tế. Đồng thời, xã đầu tư, trang bị cơ sở vật chất bảo đảm nhu cầu và điều kiện hoạt động của Trung tâm, ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện công việc.

Lãnh đạo xã Tân Tập kiểm tra và thăm hỏi người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã

Đến giải quyết TTHC tại TTPVHCC, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (xã Tân Tập) chia sẻ, cán bộ, công chức hướng dẫn tận tình cho người dân. Chị Mai cho rằng, việc thực hiện các TTHC giờ đây đã nhanh chóng và thuận tiện hơn rất nhiều so với trước. Cụ thể, việc nộp và xử lý hồ sơ xin việc làm chỉ mất vài phút đã được tiếp nhận, không còn cảnh chờ đợi lâu như trước đây. Đây là điểm cộng lớn được nhiều người dân đánh giá cao ngay trong những ngày đầu triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. “Các thủ tục liên quan như chứng thực giấy tờ trước đây phải lên huyện vừa xa, vừa mất nhiều thời gian. Làm ở xã xong phải lên cấp huyện thêm bước nữa, nay được thực hiện luôn tại xã, không cần phải đi lại nhiều nơi. Nhiều thủ tục ở TTPVHCC xã đã được đơn giản hóa, không còn phải trải qua nhiều cấp như trước đây nên khá nhanh chóng” - chị Mai nói.

Ngay sau khi chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, việc nâng cao năng lực số cho người dân được các địa phương cấp xã đặc biệt quan tâm. Từ ngày 06/7 đến nay, Đoàn Thanh niên 96 xã, phường trên địa bàn tỉnh triển khai Đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại TTPVHCC ở cơ sở. Các Đội hình thanh niên tình nguyện đã hướng dẫn người dân nộp, tra cứu kết quả giải quyết TTHC trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, cài đặt và sử dụng VNeID,... Chị Võ Thị Thúy Ngân (cán bộ TTPVHCC xã Hòa Hội) cho biết: “Việc đưa vào vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gắn với TTPVHCC hiện đại, số hóa đặt ra yêu cầu mới đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Mỗi người không chỉ nắm vững chuyên môn, xử lý hồ sơ chính xác mà còn phải nhanh chóng thích nghi công nghệ và tận tình hướng dẫn người dân còn bỡ ngỡ”.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản trị địa phương

Sau khi sáp nhập tỉnh và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, không gian địa lý mở rộng, quy mô dân số tăng đồng nghĩa với khối lượng và áp lực công việc hành chính tăng mạnh. Trong bối cảnh mới, CĐS được Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia ví như “hệ thần kinh Trung ương”, là “cầu nối sống còn giữa tỉnh và xã”.

Đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Bình Minh (Ảnh: Ngọc Bích)

Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, tỉnh Tây Ninh đã khẩn trương ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương về thúc đẩy CĐS liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Riêng trong giai đoạn cấp bách tính đến ngày 30/6/2025, với sự chủ động của UBND tỉnh, nhất là vai trò tham mưu của Sở Khoa học và Công nghệ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các nền tảng dùng chung của tỉnh bảo đảm thống nhất, thông suốt, liên thông.

Toàn tỉnh thống nhất sử dụng hệ thống dùng chung phục vụ chính quyền địa phương 2 cấp gồm hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống giải quyết TTHC, cổng thông tin điện tử, hệ thống thư điện tử, hệ thống thông tin báo cáo liên thông Chính phủ,... Trước đó, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã rà soát kết nối, nâng dung lượng hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng thống nhất toàn tỉnh cho 96 đơn vị hành chính cấp xã mới.

Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Nguyễn Trung Hiếu, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo là xu thế và giờ đây không chỉ dành cho doanh nghiệp, tập đoàn lớn mà cả trong các cơ quan nhà nước. Tỉnh đang ứng dụng AI trên hệ thống hỏi - đáp, cổng xúc tiến du lịch,… và dự kiến tới đây sẽ ứng dụng AI trong xây dựng các quy trình nội bộ, giúp cán bộ, công chức, viên chức tối ưu hóa những công việc mang tính lặp đi lặp lại. Đối với dịch vụ công trực tuyến, dự kiến cũng sẽ ứng dụng để xây dựng các nền tảng dịch vụ công thân thiện, dễ sử dụng đối với đại đa số người dùng và các ứng dụng trên nền tảng di động, mạng xã hội Zalo,...

Từ ngày 01/7/2025, cả nước đóng giao diện Cổng dịch vụ công cấp tỉnh. Cổng dịch vụ công Quốc gia được nâng cấp trở thành “một cửa số” duy nhất cung cấp dịch vụ công trực tuyến thống nhất trong toàn quốc phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cổng dịch vụ công Quốc gia được kết nối, liên thông với hệ thống giải quyết TTHC của các bộ, ngành, địa phương. Để chuẩn bị cho lộ trình này, ngay trước khi sáp nhập tỉnh, UBND tỉnh Tây Ninh và UBND tỉnh Long An đã thống nhất một bộ TTHC sử dụng thống nhất cho tỉnh Tây Ninh mới từ ngày 01/7/2025 với tổng số 1.900 TTHC, trong đó cấp xã có 297 thủ tục, cấp tỉnh 1.603 thủ tục. Số lượng TTHC được tỉnh đồng bộ, địa phương hóa, cấu hình các dịch vụ công trực tuyến hoàn thành bộ TTHC của tỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát, cập nhật những bộ thủ tục mới theo từng lĩnh vực, bộ, ngành trong thời gian tới./.

Phương Thúy - Thanh Nga

Tin cùng chuyên mục