Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm: Adenovirus không mới, người dân cần bình tĩnh
Thứ ba: 09:51 ngày 27/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
"Adenovirus là virus cũ, hiện chưa có thuốc đặc trị và thường tự khỏi. Do đó, người dân cần bình tĩnh, thực hiện các biện pháp phòng bệnh", bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ.

Trẻ điều trị Adenovirus tại BV Nhi TƯ

Adenovirus là virus cũ

Thời gian gần đây, tại một số cơ sở y tế ở Hà Nội ghi nhận số ca mắc Adenovirus tăng cao. Riêng tại BV Nhi TƯ đã đã ghi nhận hơn 1.400 ca bệnh Adenovirus, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Chỉ trong 2 tuần từ 12/9 đến 21/9, tỷ lệ các ca được phát hiện mắc Adenovirus chiếm 10% tổng các ca đến khám tại BV. Riêng ngày 22/9, qua thăm khám các trẻ đến khám BV đã phát hiện 150 ca nhiễm Adenovirus, trong đó khoảng 50% phải nhập viện. BV cũng đã bố trí 300 giường dành riêng cho bệnh nhi mắc Adenovirus.

Thế nhưng, Adenovirus nguy hiểm như thế nào, khả năng lây truyền ra sao và trẻ mắc có nguy hiểm như thế nào. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, cho biết, Adenovirus vốn đã xuất hiện từ lâu, hầu hết các y bác sĩ Nhi khoa hay hô hấp ai cũng biết. Tuy nhiên, những ngày qua, dư luận lại xôn xao với Adenovirus có thể là do có điều kiện xét nghiệm nên mới "lòi ra" virus này gây bệnh hô hấp ở trẻ, cũng giống như cúm trái mùa cách đây vài tháng.

Bác sĩ Khanh cho biết, đây là virus đường hô hấp, gây bệnh hô hấp ở con người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Adenovirus cùng với RSV (virus hợp bài), cúm là các virus xuất hiện quanh năm, khi ít khi nhiều gây bệnh cho người. Đường lây truyền chủ yếu là qua đường hô hấp với các biểu hiện như ho, sốt, sổ mũi. "Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu vì đa số tự hết, tự khỏi", bác sĩ Khanh nói.

Cũng theo bác sĩ Khanh, thường trẻ trở nặng là do miễn dịch kém, có bệnh nền như tim bẩm sinh, bệnh não nặng, bệnh phổi mạn tính (nhóm này thì bệnh do virus nào cũng trở nặng cũng không riêng gì Adeno) hay do nhiễm thêm vi trùng nhất là vi trùng kháng thuốc. Hơn nữa, virus này khoa học chưa có vaccine vì có nhiều chủng.

Vì vậy, cách phòng ngừa vẫn là rửa tay, người lớn bị cảm phải tránh xa trẻ nhỏ, khẩu trang, uống đủ nước, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng; tiêm vaccine "6 trong 1", phế cầu, cúm… "Do đây là virus cũ, nên người dân cần bình tĩnh", bác sĩ Khanh nói.

Hà Nội yêu cầu các BV bố trí đủ giường điều trị

Trước tình hình số lượng ca mắc virus Adeno phải nhập viện tăng cao, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh bố trí đủ giường bệnh, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để chẩn đoán và điều trị người bệnh nhiễm Adenovirus.

Theo Sở Y tế Hà Nội ngày 26/9, trước số lượng ca mắc virus Adeno phải nhập viện tăng cao, Sở đã yêu cầu các cơ sở Khám, chữa bệnh (KCB) bố trí đủ giường bệnh, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để chẩn đoán và điều trị người nhiễm virus Adeno; Thực hiện tốt công tác phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở KCB. Trong trường hợp phát sinh lây nhiễm trong cơ sở KCB phải tiến hành xử lý quyết liệt.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường hội chẩn, chỉ đạo tuyến giữa các bệnh viện trong ngành y tế Hà Nội trong công tác điều trị người bệnh nhiễm virus Adeno. Các trường hợp diễn biến nặng có suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng… cần được hội chẩn tích cực, chuyển viện, chuyển tuyến lên tuyến TP hoặc tuyến TƯ đảm bảo an toàn người bệnh.

Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh địa bàn, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát tình hình bệnh do virus Adeno, đánh giá tình hình, nguy cơ tiến triển thành dịch, tham mưu cho Sở Y tế.

Nguồn phunuvietnam

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh