Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chuyên gia đưa ra tính toán thế nào về mức giảm trừ gia cảnh hiện tại?
Thứ ba: 15:32 ngày 03/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo ông Lê Xuân Trường, sau hơn 5 năm kể từ ngày áp dụng mức giảm trừ mới, mức giảm trừ bản thân năm 2018 vẫn phù hợp với quan điểm đánh thuế vào người có thu nhập từ mức trung bình trở lên.


(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) tính toán, mức thu nhập bình quân đầu người năm 2018 là là 4,875 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức giảm trừ bản thân người nộp thuế hiện tại (9 triệu đồng/tháng) theo ông là vẫn phù hợp khi bằng 1,85 lần thu nhập bình quân đầu người.

Vị chuyên gia của Học viện Tài chính đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus kỹ hơn về cách tính toán trên.

- Ông có thể lý giải, mức giảm trừ gia cảnh bản thân người nộp thuế tại nước ta hiện đang được xác định ra sao?

Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Xuân Trường: Giảm trừ gia cảnh là số tiền trừ vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân khi xác định thu nhập tính thuế với mức giảm trừ căn cứ vào hoàn cảnh gia đình của người nộp thuế. Theo thông lệ các nước, giảm trừ gia cảnh thường được áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công hoặc/và thu nhập từ kinh doanh của cá nhân cư trú.

Quy định giảm trừ xuất phát từ quan điểm đánh thuế thu nhập cá nhân phải đảm bảo sau khi nộp thuế, người nộp thuế có thu nhập để trang trải cuộc sống ở mức trung bình của xã hội. Vì lẽ đó, hầu hết các quốc gia đều xác định mức giảm trừ bản thân người nộp thuế ở mức tương đương từ 1 đến 2,5 lần thu nhập bình quân đầu người.

Ở Việt Nam, trước khi đánh thuế thu nhập cá nhân (trước ngày 1/1/2009), Việt Nam đánh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Tuy nhiên, cùng với tăng trưởng kinh tế và yêu cầu hoàn thiện hệ thống thuế theo hướng nâng cao tính công bằng và điều tiết hợp lý thu nhập của dân cư, Quốc hội đã quyết định thông qua Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2009.

Quan điểm khi ban hành luật này là không chỉ đánh thuế vào người có thu nhập cao mà những người có thu nhập từ mức trung bình trở lên trong xã hội đều thuộc diện điều tiết của thuế thu nhập cá nhân. Với quan điểm đó, mức giảm trừ bản thân người nộp thuế được xác định tương đương từ 1 đến 1,5 lần thu nhập bình quân đầu người.

Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Soi chiếu vào mức giảm trừ gia cảnh với bản thân người nộp thuế hiện tại là 9 triệu đồng/tháng, ông nghĩ mức này còn phù hợp hay không?

Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Xuân Trường: Lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần đây nhất là năm 2012, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013. Tại thời điểm mức giảm trừ sau khi điều chỉnh có hiệu lực, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng so với năm 2009 khoảng 60%. Tuy nhiên, để đảm bảo tính ổn định của Luật, Quốc hội đã điều chỉnh mức giảm trừ bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng (tăng 125%).

Vì thế, sau hơn 5 năm kể từ ngày áp dụng mức giảm trừ mới, mức giảm trừ bản thân năm 2018 vẫn phù hợp với quan điểm đánh thuế vào người có thu nhập từ mức trung bình trở lên trong xã hội.

Cụ thể, với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2018 là 2.587 USD (58,5 triệu đồng), tương đương 4.875.000 đồng/tháng thì mức giảm trừ bản thân người nộp thuế bằng 1,85 lần thu nhập bình quân đầu người.

Giả sử với dự báo mức thu nhập bình quân đầu người năm 2019 là 62,5 triệu đồng, tương đương khoảng 5,2 triệu đồng/tháng thì mức giảm trừ bản thân người nộp thuế bằng 1,73 lần thu nhập bình quân đầu người.

Những phân tích trên cho thấy, mức giảm trừ gia cảnh hiện thời vẫn là khá cao so với thu nhập bình quân đầu người, nên thuế thu nhập cá nhân chỉ mới đánh vào người thu nhập trên trung bình trong xã hội.

- Vậy theo ông, khi nào nước ta mới hội đủ đủ điều kiện để điều chỉnh giảm trừ gia cảnh theo Luật thuế thu nhập cá nhân?

Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Xuân Trường: Điều 19 Luật thuế Thuế thu  nhập cá nhân có quy định “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.

Thực tiễn, tính từ thời điểm áp dụng mức giảm trừ được điều chỉnh đến nay, chỉ số CPI chưa tăng trên 20%.

Cụ thể, theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê thì CPI tính đến tháng 7/2019 so với kỳ gốc tháng 7/2013 chỉ tăng 16,07%.

Trong khi ấy, theo chỉ đạo điều hành của Chính phủ thì dự kiến CPI năm 2019 tăng không quá 4%. Theo dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, CPI năm 2019 sẽ tăng dưới 3,6%.

Với số liệu thực tế về CPI và dự báo biến động CPI năm 2019 thì đến hết năm 2019 CPI mới tăng 19,67%, mới tiệm cận ngưỡng chứ chưa vượt trên 20%.

Vì lẽ đó, theo tôi, đây chưa phải là thời điểm hội đủ điều kiện theo quy định pháp luật để xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân.

Nếu theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân thì khả năng hội tụ đủ điều kiện xem xét mức giảm trừ gia cảnh có thể diễn ra vào năm 2020 trở đi.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn Vietnam+

Tin cùng chuyên mục