Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyên gia Mỹ khuyên Việt Nam sẵn sàng chặn 'sóng' đầu tư xấu
Chủ nhật: 10:15 ngày 24/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thu hút FDI nhưng không phụ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài là rất quan trọng đối với nền kinh tế - chuyên gia người Mỹ nói với Zing liên quan việc thu hút dòng vốn đang rời TQ.

Hồi đầu tháng 5, Nikkei Asian Review đưa tin khoảng 3-4 triệu tai nghe, tức 30% tổng sản lượng AirPods, sẽ được Apple sản xuất tại Việt Nam vào quý này.

Động thái trên nằm trong nỗ lực của các công ty đa quốc gia nhằm đa dạng chuỗi cung ứng, tránh cảnh phụ thuộc vào duy nhất Trung Quốc, đặc biệt khi dịch Covid-19 phơi bày tính dễ tổn thương của điều này.

Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm sáng đón làn sóng dịch chuyển đầu tư mới. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định rằng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không phải tất cả trong kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam.

Thay đổi tư duy về đón FDI

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/4/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm 2020 đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, góp vốn mua cổ phần giảm mạnh, làm giảm tổng vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, vốn đăng ký 4 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng lần lượt 52,3%, 16,4% và 79% so với cùng kỳ năm 2018, 2017 và 2016.

Đã có 93 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với vốn đầu tư lên đến 5,07 tỷ USD, chiếm 41,1% tổng vốn đầu tư. Theo sau là Thái Lan (1,46 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư), Nhật Bản (1,16 tỷ USD, chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư), Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hàn Quốc.

Việt Nam có nhiều lợi thế để đón làn sóng chuyển dịch đầu tư mới. Ảnh: Hoàng Hà.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định việc các tập đoàn đa quốc gia xem xét dịch chuyển là “thách thức nhưng cũng mang đến cơ hội cực kỳ tốt cho Việt Nam”.

“Cần phải chuẩn bị đón làn sóng đầu tư bởi Việt Nam là một trong những điểm đến tin cậy, điểm sáng, môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả thành công”, ông nhấn mạnh.

Các chuyên gia thì lưu ý định hướng thu hút FDI lúc này là chọn lọc và đón dòng vốn chất lượng.

Trao đổi với Zing, ông Emanuel Pastreich, Chủ tịch Viện châu Á tại Washington (Mỹ), ứng viên tổng thống Mỹ độc lập, nhấn mạnh: “Trước khi đón làn sóng dịch chuyển đầu tư, cần phải biết rằng liệu khoản đầu tư đó có mang lại lợi ích lâu dài hay không. Nếu đầu tư nước ngoài đáp ứng chiến lược của Việt Nam, hãy cân nhắc. Nếu không, cần phải từ chối”.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cũng chia sẻ với Zing rằng đây là lúc nên thay đổi tư duy về thu hút dòng FDI vào Việt Nam.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: Việt Hùng.

“Thực tiễn chứng minh trong hàng chục năm qua, không ít doanh nghiệp FDI có những bất cập nhất định như khai thác tài nguyên, khai thác lao động giá rẻ, khai thác ưu đãi của Việt Nam, thậm chí chèn ép doanh nghiệp trong nước”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

“Việt Nam cần đặt ra mục tiêu riêng. Đó là thu hút vốn như thế nào và cần gì từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là thời điểm để thu hút dòng vốn chất lượng cao”, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nói thêm.

Kế hoạch dài hơi

Theo ông Emanuel Pastreich, Trung Quốc bật lên thành nền kinh tế thứ hai thế giới nhờ đầu tư mạnh tay vào công nghệ và khoa học như những gì Mỹ từng làm vào những năm 1950. Ngoài Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng trở thành cường quốc nhờ các chiến lược dài hạn.

“Họ rất cẩn trọng với những khoản đầu tư nước ngoài và sẵn sàng từ chối nếu không phù hợp với mục tiêu tự cung khoa học của quốc gia”, Chủ tịch Viện châu Á nói.

Theo Nghị quyết 50/2019 của Bộ Chính trị về thu hút FDI, Việt Nam sẽ ưu tiên, lựa chọn những dự án công nghệ cao tạo ra giá trị lan tỏa, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng, khuyến khích chuyển giao công nghệ…

Việt Nam cần ưu tiên, lựa chọn những dự án công nghệ cao tạo ra giá trị lan tỏa và bảo vệ môi trường. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo đó, Việt Nam cần chuẩn bị nguồn lao động, năng lượng, quy hoạch, hạ tầng, thủ tục và nguồn đất đai để thu hút dòng vốn chất lượng. “Không thể ngồi chờ, nếu ngồi chờ thì các nước khác sẽ hớt hết cái ‘ngon’ nhất, phần còn lại mới chạy đến Việt Nam”, TS Nguyễn Đình Cung nói.

Dòng FDI chất lượng thường là những dự án quy mô lớn mang lại giá trị cao, trong khi các dự án nhỏ, vụn vặt sẽ khó thay đổi công nghệ, đem theo rủi ro lớn và gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí, đã từng có trường hợp doanh nghiệp FDI tại Việt Nam làm ăn thua lỗ, nợ lương công nhân, tiền bảo hiểm và thuế.

“Đừng để nhà máy thay thế cánh đồng”
Theo Chủ tịch Viện châu Á Emanuel Pastreich, trong tương lai gần, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để thu hút FDI và tăng tốc độ phát triển kinh tế. Nhưng nền kinh tế sẽ không tăng trưởng thành công nếu tiền chỉ đổ vào túi của một số ít người, trong khi số đông còn lại gặp khó khăn trong công việc, môi trường bị ô nhiễm, vấn đề biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng trưởng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra 6,6-6,8%.

Tuy nhiên, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 gặp nhiều khó khăn do hạn hán, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng. Dịch tả lợn châu Phi lây lan trên tất cả địa phương gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi và ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Kế hoạch tương lai của Việt Nam cần xét đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Ảnh: Nhật Tân.

Giới quan sát nhận định Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sở hữu tiềm năng kinh tế lớn nhưng có thể mắc phải sai lầm nếu theo đuổi kế hoạch phát triển lỗi thời và không mang lại lợi ích lâu dài. Đây cũng là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng ngập lụt do nước biển dâng vì biến đổi khí hậu. Thách thức này đòi hỏi những thay đổi và kế hoạch dài hạn.

“Đừng để nhà máy thay thế cánh đồng. Giới quan sát tin rằng an ninh lương thực sẽ là vấn đề chính của toàn cầu trong vòng 20 năm nữa. Đó là lý do Việt Nam cần dự đoán tương lai thế giới và xây dựng chiến lược dài hạn để vượt qua thách thức và tìm kiếm cơ hội”, Chủ tịch Viện châu Á nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc thu hút FDI nhưng không phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài là rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.

“Người Việt Nam hiểu rất rõ về sự cần thiết của nền kinh tế tự chủ. Tuy nhiên ngày nay, nhiều người bị ám ảnh bởi những thứ mới mẻ đến từ nước ngoài. Thách thức của thế hệ trẻ Việt Nam không giống với thế hệ trước, nhưng tư duy độc lập và việc xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ vẫn rất quan trọng đối với người Việt”, ông Emanuel nói thêm.

Tư duy về nền kinh tế không phụ thuộc rất quan trọng đối với Việt Nam. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Chẳng hạn, theo Bloomberg, nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Singapore bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng và du lịch. Lệnh phong tỏa của các đối tác thương mại quan trọng đã chặn đứng nguồn cung lao động và thực phẩm.

Hồi cuối tháng 3, dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của Singapore bị hạ từ 4% xuống còn 1%. Trên thực tế, nền kinh tế nước này đã trượt đến bờ vực suy thoái từ cuối năm 2019 vì ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Nói về việc Apple hay một doanh nghiệp lớn khác chuyển dây chuyền sản xuất đến Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương khẳng định Chính phủ sẽ hỗ trợ tối đa, nhưng Việt Nam cần tăng tỷ lệ giá trị sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, chủ động nguồn gốc và nâng cao chất lượng nguyên phụ liệu.

Nguồn Zing

Tin liên quan