Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
KỶ NIỆM 43 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30.4.1975 - 30.4.2018):
Chuyện “giải phóng cuộc đời” của thầy thuốc từng mặc áo lính
Thứ hai: 08:24 ngày 30/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời thế đã buộc ông phải chấp nhận vào quân đội, đeo lon sĩ quan. Ông nghĩ, dù sao bên ngoài chiếc áo lính ông vẫn choàng chiếc áo trắng tinh khiết của ngành Y.

Ký sự của NGUYỄN TẤN HÙNG (tiếp theo và hết)

BS Lê Công Mạnh, nay là Giáo sư Ngọc Mạnh Thanh, Phụ thống Y viện Toà thánh Cao Đài.

Hội nghị khoa học của Bộ Y tế vừa bế mạc, BS Mạnh cùng đoàn đại biểu ngành Y tế Tây Ninh còn nán lại thăm Thủ đô. Một buổi chiều, thầy trò BS Mạnh đi dạo ở quảng trường Ba Ðình, bỗng có một người mặc áo bộ đội đến hỏi thăm và nhờ BS Mạnh về Tây Ninh xác minh giúp: “Trên nghĩa trang quốc gia đồi 82 Tân Biên có ngôi mộ nào mang tên liệt sĩ Hồ Văn Bé, quê ở Lào Cai không? Nếu có nhờ đính chính giùm, vì Hồ Văn Bé cũng… chính là tôi”.

Người bộ đội ấy đã tự giới thiệu: “Tôi là bác sĩ Hồ Sỹ Tuyển, công tác ở Bệnh viện Phố Lu, tỉnh Lào Cai. Tôi vừa họp chung với mấy anh đây”.

BS Tuyển vừa nói vừa chăm chú nhìn vào mắt BS Mạnh xem có đúng là “người xưa” không, nhưng ông vẫn không dám khẳng định, vì BS Mạnh không tỏ vẻ gì nhận ra người “bệnh tù binh” hồi còn chiến tranh.

TÁI NGỘ ÐỒNG NGHIỆP “TÙ BINH” TẠI HÀ NỘI

Thực hiện lời hứa với người đồng nghiệp ở biên giới phía Bắc, BS Mạnh về Tây Ninh cùng với ông Hai Minh, nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế lên biên giới Tây Nam, đến nghĩa trang Tân Biên xác minh thì quả đúng là có ngôi mộ mang tên liệt sĩ Hồ Văn Bé.

Sau đó, BS Mạnh gọi điện thoại đường dài ra Bệnh viện Phố Lu, Lào Cai, nơi BS Tuyển công tác, thông báo “đã hoàn thành nhiệm vụ với đồng nghiệp rồi”.

Lúc này, BS Tuyển mới dọ hỏi: “…Ông có phải là Thiếu tá Bác sĩ Lê Công Mạnh ở Quân y viện Tây Ninh của chế độ cũ không? Nếu phải thì… tôi chính là người “bệnh tù binh” từng được ông cứu lấy bàn tay phải, nên giờ đây tôi mới tiếp tục cầm dao mổ cứu người được đấy!”.

BS Mạnh đã kể câu chuyện này tại một kỳ họp HÐND tỉnh khoá IV (nhiệm kỳ 1989-1994). Người viết bài này cũng đã gọi điện thoại ra Bệnh viện Phố Lu, Lào Cai gặp BS Tuyển đề nghị ông kể lại.

BS Tuyển đồng ý và viết thư gửi đến Báo Tây Ninh cho biết, năm 1970, BS Tuyển với bí danh Hồ Văn Bé vào miền Nam tham gia phục vụ chiến trường, công tác tại Tổng đội Thanh niên xung phong Giải phóng miền Nam.

Trong trận quân Mỹ càn sang Campuchia, đơn vị của ông đang chuyển thương thì bị lọt vào ổ phục kích của địch. Ðồng đội cố vượt vòng vây để cứu thương binh, bản thân ông bất ngờ bị trúng đạn, nằm bất tỉnh tại chiến trường. Khi tỉnh dậy, ông mới biết lính Mỹ đưa ông về cấp cứu ở bệnh viện dã chiến Ðồng Dù, Củ Chi, rồi chuyển ông đến Quân y viện Tây Ninh.

Tại đây, BS Lê Công Mạnh xem hồ sơ biết người tù binh này cũng là bác sĩ phẫu thuật, trong khi vết thương của ông ta lại nằm ở bàn tay phải, vỡ xương ngón cái, ngón “chủ công” hết sức khéo léo của một người thầy thuốc.

Nghĩa là nếu không làm vi phẫu sắp xếp lại các mảnh xương, nối lại hết các dây thần kinh cực kỳ nhạy cảm của bàn tay phẫu thuật viên thì suốt đời BS Tuyển sẽ không còn cầm được dao mổ nữa. Thế là bất chấp ánh mắt nghi kỵ của các bệnh binh quân đội Sài Gòn, BS Mạnh cùng với một đồng nghiệp trẻ đã thực hiện ca vi phẫu đặc biệt, cứu lấy bàn tay của người “bệnh tù binh”.

Ác một nỗi, mấy ngày sau khi được phẫu thuật thành công, bàn tay phải được băng bó cẩn thận treo trước ngực, BS Tuyển- Hồ Văn Bé đang ngồi bên hành lang trại bệnh, bỗng có một tay bệnh binh cấp đại uý quân đội Sài Gòn xông tới gây sự, bất ngờ “tung cước” đá mạnh vào bàn tay người “bệnh tù binh” rồi bỏ đi.

BS Tuyển đau đớn, tuyệt vọng, nhưng BS Mạnh không bó tay. Ca phẫu thuật thứ hai được thực hiện với kinh nghiệm của lần mổ trước lại thành công mỹ mãn.

Trước đó, sau trận càn của giặc, quân Mỹ rút đi, đồng đội của Hồ Văn Bé quay lại chiến trường tìm ông, nhưng chỉ thấy có một khúc chân người, da thịt đang phân huỷ, xung quanh đầy vết chân chó.

Họ nghĩ chắc là ông bị chó rừng, chó hoang gặm mất xác rồi. Thế là họ mai táng phần thân thể không toàn vẹn ấy và đánh dấu cẩn thận để đến ngày hoà bình sẽ “đưa BS Bé về nghĩa trang”.

Sau Hiệp định Paris 27.1.1973, tù binh Hồ Văn Bé, tức BS Hồ Sỹ Tuyển được trở về quê hương, tiếp tục hành nghề y. Và BS Tuyển vẫn cầm chắc dao mổ thực hiện hàng trăm ca phẫu thuật phức tạp trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, nên được cử về báo cáo tại Hội nghị khoa học của Bộ Y tế.

Không ngờ hơn 30 năm sau, BS Tuyển mới gặp lại người đã có ơn cứu chữa, đúng hơn là cứu lấy sự nghiệp khoa học của mình. Nói chuyện với người viết bài này qua điện thoại, BS Tuyển nhận xét: “Tôi không ngờ bên kia chiến tuyến, phía đối phương cũng có những người mặc áo lính lại nhân hậu như vậy. Họ thực sự là những thầy thuốc có y đức. Nhân tài như thế được cách mạng trọng dụng là phải thôi!”.

Bà Phan Thị Kim Lý- sản phụ được BS Mạnh và BS Khiêm đỡ đẻ trong đêm 30.4.1975.

CHUYỆN MỘT NGƯỜI RA ÐỜI TRONG ÐÊM 30.4 LỊCH SỬ          

Trở lại chuyện đời của BS Lê Công Mạnh, người viết xin kể thêm sự việc ông cùng với BS Huỳnh Khắc Khiêm đã thực hiện đỡ đẻ một ca sinh khó của một sản phụ, vợ lính Sài Gòn, tại dinh quận Phú Khương (trụ sở cũ của UBND huyện Hoà Thành ngày nay) ngay trong đêm 30.4.1975 theo yêu cầu của người chỉ huy quân giải phóng.

Ban đầu, chúng tôi nắm được sự việc này qua lời kể của cựu chiến binh Trương Hoàng Ngon, thường gọi là Chín Ngon, nguyên Huyện đội phó Huyện đội Toà Thánh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 26, đơn vị quân quản quận Phú Khương (tên cũ của huyện Hoà Thành ngày nay) trong buổi mít tinh Kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam tại Trung tâm VHTT huyện ngày 30.4.2005.

Ông Chín Ngon cho biết, lúc 9 giờ 30 ngày 30.4.1975, đơn vị ông hành quân từ căn cứ núi Bà Ðen xuống đến đầu đường Chợ Bắp (giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Huỳnh Tấn Phát ngày nay) vào tiếp quản trụ sở xã Hiệp Ninh.

Tại đây, ông sử dụng máy truyền tin gọi ra dinh quận Phú Khương (trụ sở cũ của UBND huyện Hoà Thành, gần ngã tư Ao Hồ, đường Lạc Long Quân ngày nay) gặp Trung tá Trinh, quận trưởng kiêm Chi khu trưởng Chi khu Quân sự Phú Khương ra lệnh đầu hàng và đưa 3 xe GMC đến xã Hiệp Ninh chuyển đơn vị D26 vào tiếp quản dinh quận.

Trung tá Trinh răm rắp nghe theo. Vậy là trong các cánh quân giải phóng Tây Ninh chỉ có cánh quân huyện Toà Thánh tiến vào tiếp quản bằng xe cơ giới quân sự.

Buổi tối hôm ấy, Trung tá Trinh được ông Chín Ngon cho về thăm nhà ở xóm Ðèn Năm Ngọn gần đó. Vừa trở lại dinh quận, hai ông ngồi uống trà đàm đạo thì nghe có tiếng người ngoài cổng nên vội bước ra xem có việc gì. Tại đó có một người đàn ông chở vợ đang mang bầu bằng xe đạp, cùng với một “bà sồn sồn”, đang kể lể với anh bộ đội gác cổng.

Rằng người chồng tên là Chiêm Văn Cảnh, vốn là lính Sài Gòn từ căn cứ Trảng Lớn vừa rã ngũ về nhà ở gần Trường học Lê Văn Trung (THPT Lê Quý Ðôn ngày nay) thì người vợ kêu đau bụng, chắc là sắp đẻ. Anh chồng chở vợ vô nhà bảo sanh Hồng Nhâm gần cửa 4 Toà thánh, bà hộ sinh thăm khám rồi cho biết sản phụ có thể sinh khó nên không dám nhận. Anh Cảnh lại đèo bà bầu đến nhà bảo sanh Hoà Ðức ở gần Trường học Bàu Cà Na (Trường TH Lê Thị Hồng Gấm ngày nay).

Tại đây chỉ có bà mụ Ba đỡ đẻ. Bà mụ Ba nói, bà Hồng Nhâm là nữ hộ sinh quốc gia còn không dám đỡ ca đẻ khó này, bà là “mụ vườn” sao dám đỡ. Nói rồi bà đon đả đẩy xe đạp ra cùng đưa hai vợ chồng này ra dinh quận Phú Khương.

Bà bảo ở đó có đơn vị của Quân y viện tỉnh chạy pháo kích ngoài thị xã vô đóng chi nhánh trong quận. Giờ này cách mạng tiếp quản rồi, có khi bác sĩ còn ở đó, nhờ họ cứu giúp thôi.

Chị Chiêm Thị Thái Tâm- người được sinh ra đêm 30.4.1975 tại dinh quận Phú Khương.

Nghe chuyện, Trung tá Trinh cho biết, đơn vị quân y giải tán về nhà hết rồi, nhưng có nhà của BS Lê Công Mạnh ở gần đây. Thế là ông Trinh lái xe Jeep chở ông Chín Ngon đến nhà BS Mạnh ở đường Ca Bảo Ðạo (đường Lý Thường Kiệt ngày nay).

BS Mạnh lập tức xách túi y cụ theo “hai ông quận trưởng cũ-mới” đi ngay. Trên xe, BS Mạnh nói, có nhà BS Huỳnh Khắc Khiêm ở gần chợ Cửa số bảy (chợ Hiệp An ngày nay), sẵn thuận đường ghé đó mời thêm BS Khiêm, ông ấy chuyên về sản khoa, còn ông thì chuyên phẫu thuật, hai anh em cùng giải quyết ca sinh khó này cho “chắc ăn”.

Dĩ nhiên, với sự can thiệp tích cực của hai vị bác sĩ nổi tiếng ở Tây Ninh, sản phụ đã sinh nở an toàn, “mẹ tròn con vuông” ngay trên bàn sinh vốn là chiếc bàn “buy-rô” của các “quan quận”.

Một ngày cuối tháng tư- 2018, chúng tôi đến thăm nhà sản phụ được BS Mạnh đỡ đẻ 43 năm trước. Bà Phan Thị Kim Lý, nay đã hơn 70 tuổi cho biết, chồng bà đã qua đời.

Ðứa con gái sinh ra đúng vào đêm 30.4.1975 tại dinh quận Phú Khương được đặt tên là Chiêm Thị Thái Tâm, nhưng “nó không còn ở nhà”. Bà Lý vừa kể chuyện vừa lấy album ảnh con gái cho chúng tôi xem.

Trong ảnh, chị Thái Tâm trông thật rạng rỡ, trẻ trung hơn độ tuổi tứ tuần. Bà Lý cho biết, cách nay khoảng độ chục năm, Thái Tâm được người cô ruột bảo lãnh sang định cư ở Hoa Kỳ.

Một đời làm thầy thuốc, BS Lê Công Mạnh đã gặp biết bao cảnh ngộ như thế. BS Mạnh cho biết, thật ra ông đã có nguyện vọng được “làm công quả” từ ngày mới ra trường.

Nhưng thời thế đã buộc ông phải chấp nhận vào quân đội, đeo lon sĩ quan. Ông nghĩ, dù sao bên ngoài chiếc áo lính ông vẫn choàng chiếc áo trắng tinh khiết của ngành Y.

Và ông chăm sóc, trị thương cho người lính- dù ở “bên nào” cũng là con người, là đồng bào, là “nhơn sanh” trên quê hương, đất nước mình. Hiện giờ, tuy tuổi cao, sức yếu, không còn cống hiến được nhiều như xưa, ông vẫn nguyện đem hết tâm lực, trí lực để “làm công quả” cùng các đồng nghiệp, đồng đạo trong Y viện Toà thánh.      

N.T.H

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục