Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mắc bệnh tim hơn 40 năm, gần hai năm nay, chị lại mang thêm căn bệnh suy thận khiến cơ thể càng thêm ốm yếu. Kinh tế lại không khá giả. Dù vậy, mặc kệ bệnh tật, nghèo khó, nụ cười nhẹ nhàng và lạc quan vẫn luôn nở trên môi của chị.
Chị Hiền luôn lạc quan với cuộc sống.
Chị là Mai Thị Ngọc Hiền, 41 tuổi, ngụ tại ấp Phước Hiệp, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu. Trong căn nhà mái tôn đã cũ, chị Hiền vừa may đồ vừa trò chuyện, nụ cười vẫn tươi rói trên môi. Trước thái độ hoà nhã, giọng nói nhỏ nhẹ, dịu dàng êm ái, tôi nghĩ, có lẽ vì bệnh tim nên chị “luyện” cho mình sự nhẹ nhàng như thế, hay vì chị luôn lạc quan, tin tưởng cuộc sống tốt đẹp nên mới vui tươi như vậy? Mà có lẽ là cả hai.
Vượt lên bệnh tật
Chị Hiền cho biết, căn nhà vợ chồng chị đang ở vốn là căn chòi làm tiệm may đồ mà ba mẹ chị cất cho. Do bệnh tật, chị Hiền không học hành nhiều, và chọn nghề may mưu sinh. Sau thời gian tích góp, vợ chồng “nâng cấp” căn chòi lên tường gạch, mái tôn, chị nói: “Giờ tất cả những gì vợ chồng tôi làm ra đều dành cho con, nên có căn nhà này cũng gọi là hài lòng”.
Con trai chính là nguồn động lực sống, là hạnh phúc của chị, dù để có được đứa con này, chị đã có quyết định gần như hy sinh tính mạng của mình. Chị kể: “Ngày mang thai con trai, tôi ốm yếu lắm. Cả hai bên gia đình nội, ngoại đều khuyên tôi nên bỏ con để bảo toàn sức khoẻ, nhưng tôi quyết đến cùng để sinh ra con trai. Những ngày đó thật khó khăn”.
Hạnh phúc cuối cùng cũng mỉm cười với vợ chồng chị Hiền. Họ đã phải cố gắng hơn gấp nhiều lần, tất cả vì con- gia tài lớn nhất của anh chị. Chị Hiền tâm sự: “Bệnh tật nặng nề nhưng với tôi không quan trọng, quan trọng là tôi được sống vui, trọn vẹn với ước nguyện của mình”. Để giữ gìn niềm vui mỗi ngày, chị Hiền cố gắng chăm sóc bản thân, chăm chỉ uống thuốc và cố gắng toả năng lượng sống tích cực trước con trai, mọi người bằng nụ cười vui vẻ.
Lan toả yêu thương
Cuộc sống không thảnh thơi, cơ thể không khoẻ mạnh như bao người, nhưng điều đáng quý ở chị Hiền chính là tấm lòng. Nhiều năm qua, vợ chồng chị Hiền thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Dẫu vậy, chị vẫn sẵn sàng chia sẻ với những người còn nghèo khó hơn mình. Chị không quản ngại khó khăn nhận chở đồ cũ trao cho những người thiếu thốn ở xóm Việt kiều, rồi sau đó là đi gom đồ ở nhiều nơi về sửa lại, xếp gọn để trao tiếp. Có người nói chị “bao đồng”, “lo chuyện không đâu” nhưng chị cũng không để trong lòng.
“Có thể giúp được ai thì cứ giúp mà thôi, không có tiền giúp người thì mình bỏ công”. Và việc này chị đã làm được nhiều năm. Chị còn cùng Hội LHPN xã làm gian hàng quần áo miễn phí ngay tại nhà mình cho mọi người đến nhận. Chị kể: “Lúc mới làm có người cũng khó chịu, nói tôi lo chuyện bao đồng, nhưng bây giờ họ là những người hay góp đồ cho tôi nhất. Có lẽ vì nhận ra ý nghĩa việc tôi làm nên người ta thương”. Tình thương của bà con khiến chị thêm động lực làm việc xã hội, và có lẽ sự chân thành đã đổi lại chân thành đấy thôi.
Hơn một năm trước, nghe chồng kể có những hoàn cảnh nghèo khó hơn cả gia đình mình, chị bèn bàn với chồng làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Chị nói một cách giản dị: “Mình đã nhận được nhiều tình cảm, sự chia sẻ của mọi người, chính quyền rồi nên nhường lại cho người khác”. Trước đây, mỗi khi nhận quà tết, chị cũng thường mang tặng lại cho người còn khó khăn, đơn chiếc hơn gia đình mình.
Chị tâm sự, chị đã từng nhận không ít sự giúp đỡ từ chính quyền, Hội LHPN xã. Chị trân quý, giữ gìn và nhớ rõ sự giúp đỡ ấy với lòng biết ơn sâu sắc. Chính vì vậy, khi đỡ vất vả hơn, chị lại chia sẻ những gì mình có- dẫu chỉ là tấm áo cũ đã được giặt sạch sẽ nhưng chứa đầy tình cảm, sự lạc quan từ chính bản thân mình, để giúp mọi người thêm vui vẻ. Chị nói: “Tôi còn tham gia công tác Đoàn, Hội Phụ nữ. Tôi muốn tham gia bởi tôi mong mình nhận được kiến thức mới mẻ về cuộc sống, về phát triển kinh tế để ứng dụng cho bản thân và gia đình, và để chia sẻ những gì bản thân đã nhận được”.
VI XUÂN