Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chuyện tình của người anh hùng
Thứ bảy: 12:47 ngày 01/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trên bước đường phục vụ cách mạng của một thời “hoa lửa” tuổi thanh xuân, chị đã có người yêu. Cuộc tình dài sáu năm, bén duyên chồng vợ được ba ngày, để rồi chỉ một tuần sau khi sum họp, người yêu của chị đã trở thành “Anh hùng bất tử”.

Ảnh Anh hùng LLVTND Ngô Văn Triếu Chụp trước ngày hy sinh năm 1966.

Biết rằng cả đội múa trong buổi diễn văn nghệ phục vụ cuộc họp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Thanh niên xung phong (TNXP) của Hội Cựu TNXP Tây Ninh hôm 15.7 đều không ai còn trẻ, nhưng không ai ngờ người đội trưởng, giữ vai trò diễn viên chính trong các tiết mục múa nay đã bước sang tuổi 75.

Từ 60 năm trước, ở tuổi thiếu niên, chị đã tham gia Đội văn nghệ thiếu nhi của lực lượng cách mạng tỉnh nhà. Vài năm sau, chị được tổ chức đưa “lên R” đi học Trường Lam Giang, trường đào tạo cán bộ văn nghệ - báo chí của Trung ương Cục miền Nam trên chiến khu Bắc Tây Ninh.

Trên bước đường phục vụ cách mạng của một thời “hoa lửa” tuổi thanh xuân, chị đã có người yêu. Cuộc tình dài sáu năm, bén duyên chồng vợ được ba ngày, để rồi chỉ một tuần sau khi sum họp, người yêu của chị đã trở thành “Anh hùng bất tử”.

Chị tên là Lê Thị Tuyết, sinh năm 1946, nghệ danh Vũ Tuyết, sinh ra, lớn lên ở quê hương giàu truyền thống cách mạng xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm đầu kháng chiến chống Mỹ trong đơn vị hậu cần Tỉnh đội, rồi chuyển sang Tiểu ban văn nghệ của Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ, được đào tạo nghiệp vụ căn bản, chị thường xuyên được cơ quan phân công đi xây dựng phong trào ở các địa bàn vùng tạm chiếm của Mỹ - nguỵ.

Anh tên là Ngô Văn Triếu, thường gọi là Bảy Triếu, lớn hơn chị 5 tuổi, tham gia lực lượng vũ trang tỉnh từ khi mới thành lập sau Đồng khởi Tua Hai ở đơn vị C320, tiền thân của Tiểu đoàn 14 Anh hùng.

Gia đình anh ở Trà Võ, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, nhà ở ngay con đường cặp hàng rào căn cứ Tiểu đoàn địa phương quân 352 của quân nguỵ Sài Gòn (nay là khuôn viên trụ sở UBND xã Thạnh Đức).

Khi anh thoát ly gia đình hoạt động cách mạng, những tên sĩ quan nguỵ chỉ huy trong căn cứ ấy lại là những người từng học chung ở Trường trung học công lập Tây Ninh (sau là Trường Nam trung học, rồi nay là THCS Trần Hưng Đạo, thành phố Tây Ninh). Vì thế, gia đình anh luôn nằm trong tầm ngắm của giặc, thường xuyên “được” những “bạn học” của Bảy Triếu ghé “thăm”.

Quen nhau từ những ngày đầu vào căn cứ Tỉnh uỷ ở chiến khu Bời Lời, nhưng ít khi gặp nhau vì anh mải miết cùng đơn vị chiến đấu khắp các chiến trường trong tỉnh, còn chị cũng luôn đi địa bàn công tác phong trào. Thỉnh thoảng họ mới được gặp nhau rất chóng vánh, chỉ kịp trao cho nhau những bức tình thư hay món quà nhỏ nhưng tràn đầy yêu thương. Chỉ có một lần, tiễn chị “lên R” đi học Trường Lam Giang, anh tặng chị hết cả “gia tài” là 200 đồng tiền mặt cùng cây viết Pilot, kỷ vật quý giá nhất thời học sinh.

Ảnh chị Lê Thị Tuyết thời kháng chiến.

Đầu tháng 7.1966, Bảy Triếu và Vũ Tuyết gặp nhau được ba ngày tại Đại hội Chiến thi đua Dũng sĩ diệt Mỹ lần thứ nhất của tỉnh tại khu rừng Bàu Láng thuộc huyện Dương Minh Châu. Đó là “ba ngày song hỉ lâm môn” cũng là “ba ngày để nhớ trọn đời” của anh chị.

Với những thành tích qua 6 năm chiến đấu trước và sau khi quân viễn chinh Mỹ đổ vào miền Nam, anh được tôn vinh như một người hùng. Tại Đại hội, Bảy Triếu được vinh danh, nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất, cùng bằng khen của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam và các danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt máy bay, Dũng sĩ diệt xe cơ giới.

Với chị, đó là ngày trọng đại nhất của thời con gái, ngày chị được các chú Tư Văn, Bảy Phát, Bảy Dũng- những đồng chí là cán bộ, lãnh đạo Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ tác thành, tổ chức tuyên hôn với Ngô Văn Triếu- Đại đội phó Đại đội 2 Tiểu đoàn 14 Anh hùng. Chỉ tiếc rằng, các bậc sinh thành của anh chị không thể có mặt vì trên đường đi tới căn cứ cách mạng đã bị giặc ngăn chặn lại.

Không ngờ khi chia tay nhau sau “ba ngày ngắn chẳng tày gang” ấy, hai người yêu nhau vĩnh viễn không còn gặp lại nhau. Bế mạc Đại hội, Bảy Triếu không chịu ở lại căn cứ để chờ ngày lên đường ra Bắc dự Đại hội anh hùng - chiến sĩ thi đua toàn quốc, nhất định cùng đơn vị “đánh một trận nữa rồi hãy đi”.

Nào ngờ anh hy sinh anh dũng khi cõng đồng đội bị thương rời trận địa trong trận đánh ở nhà tịnh Trí Huệ Cung, vùng Trường Hoà, huyện Toà Thánh (nay là thị xã Hoà Thành). Trận này ta tiêu diệt gọn một tiểu đoàn lính nguỵ trú đóng ngay trong khu vực tôn nghiêm của đạo Cao Đài, nhưng chỉ một mình người hùng Bảy Triếu mãi mãi ra đi.

Trong lúc đó, chị Vũ Tuyết cũng đang trên đường đi công tác phong trào ở Trảng Bàng. Tại địa bàn, chị bị địch bắt vì tình nghi là “Việt cộng” với tang vật là chiếc bòng tư trang có những tập bài hát cách mạng và các kỷ vật “bất ly thân” của Bảy Triếu trao tặng ngày nào.

Địch bắt chị đưa về giam giữ, điều tra ở trại giam Củ Chi, tỉnh Hậu Nghĩa (thời ấy quận Trảng Bàng thuộc tỉnh Hậu Nghĩa của chế độ nguỵ Sài Gòn). Những ngày bị địch bắt, hòn máu của Bảy Triếu đã hình thành bào thai lớn dần trong bụng chị.

Đến ngày chị có dấu hiệu sinh, bọn chỉ huy trại giao cho một tên cảnh sát dẫn giải chị đi sinh con ở bệnh viện Củ Chi gần bên trại giam. Chúng còn cho một tù nhân nữ ở cùng phòng giam đi theo chăm sóc chị. Kẻ địch không ngờ người bạn tù của chị có gia đình ở Thạnh Đức, gần nhà Bảy Triếu, đã nhờ người thân đi thăm nuôi trở về báo tin cho mẹ anh xuống bệnh viện Củ Chi nhận cháu nội đưa về quê nhà nuôi dưỡng.

Dĩ nhiên, tên cảnh sát hộ tống sản phụ tù nhân đã được một “gia đình hiếm muộn” đưa quà “lót tay” để xin đứa trẻ sơ sinh đem về nuôi vì mẹ nó không thể nuôi con trong nhà tù. Khi trở về trại giam, tên cảnh sát chỉ việc báo cáo chỉ huy là đứa bé yếu ớt quá đã qua đời khi mới lọt lòng mẹ.

34 năm sau, năm 2000, chị Vũ Tuyết mới “gặp lại” anh Bảy Triếu ở…Nghĩa trang liệt sĩ Trà Võ. Sau khi hỏi thăm cán bộ Ban Thương binh - Xã hội xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, chị biết được nhà anh ở con đường ngay bên cạnh phía Nam trụ sở xã, nơi ngày trước là căn cứ địa phương quân của quân đội nguỵ. Chị tìm đến nhà anh và được nghe người anh ruột của Bảy Triếu là ông Ngô Văn Đây thuật lại chuyện ngày trước…

Chủ tịch Hội Cựu TNXP Tây Ninh Nguyễn Văn Lợi tặng hoa chúc mừng Đội văn nghệ cựu TNXP huyện Tân Biên (chị Lê Thị Tuyết cầm hoa).

Một ngày trong khoảng đầu năm 1967, ông Đây đưa vợ đi bệnh viện tỉnh Tây Ninh sinh đứa con đầu lòng, chẳng may đứa con xấu số bị ngạt, qua đời ngay sau khi sinh. Trong lúc đó  có người gọi ông ra cổng gặp mẹ ông đang bồng trên tay một đứa trẻ sơ sinh quấn trong khăn bông, cùng một bà già khác đứng kế bên.

Mẹ ông kể lại câu chuyện cho biết bà già cùng đi là mẹ người bạn tù của “vợ Bảy Triếu”, hai bà mới vừa từ bệnh viện Củ Chi đem con Bảy Triếu về. Khi ấy, gia đình đã được đơn vị D14 báo tin Bảy Triếu hy sinh gần một năm trước. Cha nó đã hy sinh vì nước, may mắn vẫn còn lưu lại dòng máu cách mạng là cháu nội của bà đây…

Thế là nhờ sự trùng hợp ngẫu nhiên ấy, vợ chồng ông Ngô Văn Đây cùng bà mẹ đường hoàng đưa con “mới sinh” từ bệnh viện Tây Ninh về nhà trong con mắt lạnh lùng không chút nghi ngờ của đám lính nguỵ ở căn cứ địa phương quân Trà Võ, trong đó có tên sĩ quan chỉ huy nguỵ vốn là “bạn học” chung lớp với Bảy Triếu.

Trong lần tìm được gia đình Bảy Triếu, chị Vũ Tuyết đã nhìn được đứa con xa mẹ từ khi mới ra đời. Con chị giờ là “con đầu lòng” của vợ chồng ông Ngô Văn Đây, được đặt tên là Ngô Thanh Liêm. Chị đồng ý để Liêm vẫn làm con của bác ruột và vẫn ở Thạnh Đức để phụng dưỡng người có công sinh thành liệt sĩ và nuôi dưỡng con liệt sĩ.

Với tư cách vợ liệt sĩ do cơ quan, đơn vị tác hôn, chị đã lập hồ sơ, thủ tục, được các cấp lãnh đạo chứng nhận để đề nghị Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý cho anh. Ngày 24.6.2005, liệt sĩ Ngô Văn Triếu đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hoàn tất công việc đền đáp nghĩa tình cả chung và riêng với người có công với đất nước, hiện giờ chị Tuyết vui hưởng tuổi già với con cháu của chị và người chồng kết hôn sau khi đất nước đã hoà bình, thống nhất.

Nguyễn Tấn Hùng

Tin cùng chuyên mục