Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyến xe ngựa về Bảy Núi
Thứ sáu: 09:13 ngày 06/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tác giả “Chuyến xe ngựa về Bảy Núi” là một thầy giáo dạy văn ở vùng Bảy Núi, An Giang.

Những câu chuyện được thầy giáo lượm lặt trên những chuyến xe ngựa cô đơn xuôi ngược vùng Thất Sơn đầy huyền bí với những cái tên chất phác, hiền lành: Thu, Tím, Nương, Thương, Lượm…

Tập truyện mỏng, nhưng lại có sức cuộn quay hồi ức về những chuyến xe ngựa ở quê xứ Trảng của tôi, và khiến tôi như đang cùng tác giả chạy về vùng Bảy Núi.   

Ðọc “Chuyến xe ngựa về Bảy Núi” thấy có bóng dáng cô Cà Thu quá tuổi quay lại Tà Xón- vùng đất làm tan vỡ mối tình đầu của mình.

Ngồi trên chuyến xe ngựa ấy, không ai biết, trong lòng cô đang thổn thức quay về 20 mươi năm trước.

Thời mà cô và chàng trai đánh xe ngựa xa xưa yêu nhau, nhưng duyên nợ không thành. Cô đành lấy chồng rồi xuất ngoại cho quên hình bóng cũ.

Anh xà ích yêu thương ngày ấy cũng lấy vợ rồi sinh con như cách hiếu để với gia đình. Lần này, cô Cà Thu quay lại thăm quê nhà bằng chuyến xe ngựa có “Tiếng vó ngựa lộp cộp, tiếng lục lạc leng keng, tiếng quất roi bành bạch…” quen thuộc ngày nào, mà trớ trêu thay, người xà ích bây giờ lại chính là con trai của người yêu cũ.

Tình huống này như chất lưu dẫn đặc biệt, đủ mạnh để kéo hết những gì dính dáng đến người xưa quay về, mà tác giả gọi đó là “Cái mùi nhớ. Ðó là mùi của cỏ cây ven đường, mùi của mây trời ùa xuống… mùi của bảy trái núi quê hương và phảng phất đậm đà là mùi mồ hôi đẫm lưng áo của chàng xà ích trẻ làm run rẩy trái tim cô thiếu nữ ngày nào”.

Nếu duyên thành, với mùi mồ hôi của anh xà ích, biết đâu giờ này nó cũng ắp đầy thương nhớ như cái “Mùi chồng” của Thương.

Mùi rỉ rả của tiếng ếch nhái kêu ran quanh nhà, mùi nỉ non của tiếng côn trùng làm cho đêm thăm thẳm, mùi tiếc rẻ của con thạch sùng chắc lưỡi, mùi ngơ ngác của tiếng gà giật mình cựa ổ nửa đêm, mùi ẩm ướt của rơm rạ tắm sương, mùi náo nức của bầy chim sẻ véo von trên cây gáo, mùi mát mẻ của đồng, mùi ấm áp của mai lấp ló sau tán tre, mùi của bình minh ở vùng bảy núi…

Và, bất chợt, tôi lại nhớ đến bài vọng cổ “Quê anh - quê em” của soạn giả Trọng Nguyễn, do nghệ sĩ Mỹ Châu và Phương Bình ca trên sóng phát thanh những năm 80. Nhớ giọng trầm nghệ sĩ Phương Bình dứt câu sáu ngọt lịm: Gái Bảy Núi mà yêu trai đất mũi/Xứng vợ xứng chồng có phải không em?

Công bằng mà nói, “Chuyến xe ngựa về Bảy Núi” chưa phải là tập truyện thật xuất sắc. Nhưng đó là tập truyện đậm mùi Nam bộ, dễ thương, khắc hoạ được tình cảm bình dị- một nét văn hoá cần được giữ gìn ở miền quê đang thời đô thị hoá mãnh liệt.

Tác giả Trần Tùng Chinh, quê ở An Giang, hiện là giảng viên - Trưởng bộ môn Ngữ văn- khoa Sư phạm, Trường đại học An Giang. Trước đó, anh có hơn 10 năm là giáo viên THPT.

Tác phẩm đầu tiên của anh được đăng trên Áo trắng (số 35) năm 1993 và anh còn là tác giả của nhiều tập truyện: Mùa thu vàng mưa nắng, Mùa mưa ở lại, Thủ khoa, Bâng quơ trên núi, Phố hiền, Bên giếng nước...

Anh đoạt giải Nhì cuộc thi truyện ngắn của Áo trắng năm 1993 với truyện Tía ơi!; Giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn Ðồng bằng sông Cửu Long năm 2011 với tác phẩm Bên giếng nước.

Thiện Hồng

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục