Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cô giáo của những đứa trẻ đặc biệt
Thứ tư: 13:31 ngày 21/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Suốt 16 năm qua, cô Nguyễn Thị Hương Giang (sinh năm 1977), giáo viên Trường Dạy trẻ khuyết tật Tây Ninh vẫn luôn miệt mài đem con chữ đến với trẻ khuyết tật, trao cho các em kiến thức, tình yêu thương. Cô Giang chỉ mong mỏi những nỗ lực của mình có thể giúp các em vươn lên trong cuộc sống, hoà nhập cộng đồng.

 

Cô Giang được vinh danh tại chương trình Chia sẻ cùng thầy cô 2018.

Dạy học cho trẻ đã khó, dạy cho trẻ khuyết tật lại càng khó hơn. Với trẻ khuyết tật, ngoài việc hay ốm đau, bệnh tật, các em còn rất khó tiếp xúc vì tâm lý rụt rè, mặc cảm. Vì vậy, đối với không ít giáo viên, việc dạy học cho các em khuyết tật vất vả. Nếu không có sự nhẫn nại, kiên trì và cái tâm của người làm thầy, khó có thể trụ được với nghề.

Nhớ lại ngày đầu đến lớp dạy cho những đứa trẻ đặc biệt này, cô Giang tâm sự: “Lúc đó, tôi thật sự rất lo lắng, không biết phải bắt đầu từ đâu, làm gì, khi cô nói trẻ không hiểu, trẻ nói cô cũng không biết nói gì”.

Những trăn trở về nghề, như làm sao luyện tập cho trẻ nghe, trẻ nói và giúp trẻ hoà nhập với cuộc sống càng khiến cô Giang quyết tâm dấn thân vào nghề. Cô dành rất nhiều thời gian mày mò, nghiên cứu, tham khảo tài liệu, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp và nỗ lực sử dụng ngôn ngữ ký hiệu một cách thành thạo. Cô cho biết: “Ở nước ta, tài liệu cung cấp cho người dạy trẻ khuyết tật lúc đó rất hiếm hoi. Chúng tôi chỉ được bồi dưỡng qua những lớp ngắn hạn, không được nghiên cứu học tập chuyên sâu nên kiến thức về trẻ khuyết tật có rất ít”.

Không ít lần cô Giang cảm thấy xuống tinh thần vì quá khó khăn, nhất là khi giữa thầy trò không hiểu được ý nhau. Dần dà, bằng sự nhẫn nại, chịu khó trong công tác giảng dạy, cô Giang đã vượt qua được những trở ngại ban đầu và cảm thấy yêu nghề hơn. Ðến nay, bằng những nỗ lực của bản thân và khoảng thời gian gắn bó với các em, cô Giang đã tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy trẻ khuyết tật, nhất là việc nắm bắt được tâm lý, hiểu và chia sẻ cùng các em, tạo niềm tin giúp cho các em tiếp bước hoà nhập vào xã hội.

Khiếm khuyết về ngôn ngữ nên các em học sinh khuyết tật gặp nhiều hạn chế trong nghe, nói, hiểu. Vì vậy, cô Giang xây dựng kế hoạch giảng dạy cụ thể, phù hợp với từng đối tượng học sinh, nhằm phát triển trí tuệ, rèn luyện các kỹ năng cơ bản, kết hợp dạy văn hoá cho các em. Trong đó, cô Giang chú trọng giúp các em cải thiện khả năng tự phục vụ bản thân trong sinh hoạt hằng ngày, biết cách giao tiếp. Trong các tiết dạy, cô sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học trực quan bằng vật thật minh hoạ cụ thể. Vừa dạy, cô vừa tổ chức trò chơi để các em thoải mái, từ đó tiết học trở nên cuốn hút và các em cảm thấy hứng thú với việc học hơn. 

Cô Giang tâm tự: “Ðối với trẻ khuyết tật, cần giáo dục các em bằng tình yêu thương.  Giúp cho các em bộc lộ cảm xúc, nếu có điều gì không hài lòng hãy chia sẻ với bạn bè và thầy cô”.

Giáo viên dạy trẻ khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng cô Giang luôn giữ cho mình một trạng thái nhẹ nhàng. Ðiều cô luôn trăn trở là làm thế nào để các em lớn lên trở thành người có ích, có nghề nghiệp và biết xây dựng cuộc sống cho chính mình.“Rất nhiều “cái phải” đặt ra ở trong tôi. Ðôi khi, tôi muốn buông xuôi nhưng nhìn thấy vẻ mặt hồn nhiên của các em học sinh, tôi không đành nên càng nỗ lực nhiều hơn”- cô Giang bộc bạch.

Dạy học ở một môi trường đặc biệt như thế, những nỗi vất vả, gian khó không thể nói hết bằng lời- nhất là khi không những dạy học, các cô còn đóng cả vai trò của người làm cha làm mẹ. Thế nhưng, qua trò chuyện với cô Giang, tôi có thể cảm nhận được cái nghề cực nhọc ấy đã mang lại cho cô biết bao niềm vui và hạnh phúc. Ðó là khi cô nhìn thấy các học trò của mình có thể hoà nhập với cộng đồng.

Cô Giang kể: “Tôi còn nhớ vào cuối hè năm 2010, lớp tôi có 10 học sinh trong độ tuổi 18, 20. Sau ngày tổng kết năm học, các em đã nhận được chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học trong nụ cười rạng rỡ, tươi vui. Còn cha mẹ các em thì lại lo lắng, đi học về nhà chẳng biết làm gì, vì ít ai nhận những đứa trẻ khiếm khuyết vào làm việc”.

Ðó là khoảnh khắc cô Giang quyết tâm phải giúp các em tìm được công việc phù hợp, như thế thì việc học chữ của các em mới thực sự phát huy được giá trị. Ngày đó, cô Giang cùng các em học sinh đã mạnh dạn đến gõ cửa một số công ty trên địa bàn tỉnh để xin việc. May mắn đã mỉm cười với cô trò khi hầu hết các em đều được nhận vào làm.

Ðối với một số em chưa tìm được việc làm, cô Giang hướng dẫn cho các em học nghề tại các trung tâm. Ðến nay, đa số các em học sinh do cô giảng dạy, khi ra trường đều có công ăn việc làm ổn định. Người cô tận tuỵ này còn nỗ lực kết nối với các tổ chức, đơn vị tài trợ nhằm tìm kiếm những suất quà tặng, phần hỗ trợ các em học sinh khuyết tật có thêm niềm vui, điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Cô Giang nói: “Tôi chỉ có ước muốn là làm sao để tất cả các em học sinh khuyết tật đều được học hành, được chăm sóc tử tế, có việc làm ổn định và cuộc sống ấm no như mọi người”. Với những cống hiến cho sự nghiệp trồng người, ngày 15.11 vừa qua, tại Hà Nội, cô Nguyễn Thị Hương Giang đã được vinh danh tại chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2018, do Trung ương hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long tổ chức, nhằm tuyên dương các thầy, cô giáo đang làm công tác giảng dạy học sinh khuyết tật trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập và trung tâm bảo trợ xã hội.

Hoà Khang

Tin cùng chuyên mục