Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Có hay không trận Trương Quyền đánh Pháp tại Bời Lời (Tiếp theo và hết)
Thứ tư: 17:50 ngày 28/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Viết về các trận đánh ở bến Trường Ðổi ngày 7.6.1866 và trận Rạch Vịnh sau đấy một tuần, các cuốn sử ở Tây Ninh đều ghi chép khá đầy đủ và chi tiết. Ðấy là nhờ các tài liệu do chính người Pháp, kể cả người trong cuộc ghi lại, như sách "Thị xã- 30 năm đấu tranh cách mạng" có đoạn: “Ngoài những chuyện truyền miệng này, chúng ta cũng hãy còn một số tư liệu thành văn khá tốt, ít nhất cũng là trong phần chọn lọc và trích dẫn ở đây. Ðó là tập báo cáo, thư tín và bài đăng báo về Savin De Larclauze, viên quan cai trị đầu tiên của thực dân Pháp ở Tây Ninh (1863-1866)" (sách do Ban Tuyên giáo Thị uỷ xuất bản năm 1991, nhưng Ban Biên tập lại là Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ do nhà văn Trần Vạn An đứng đầu).

Sông Sài Gòn qua Hưng Thuận (tâm điểm vùng tam giác sắt)

Do có chuyện cuốn sách truyền thống của LLVTND Trảng Bàng (2005) viết về liên quân Trương Quyền - Pu Kom Pô quá khác, nên buộc lòng phải lược trích lại những trang viết của sách "Thị xã- 30 năm đấu tranh cách mạng". Dù rằng những trận đánh lịch sử ấy có thể nhiều người đã biết và còn nhớ. Những cuốn sách khác có thể có chút ít khác đi, nhưng về cơ bản vẫn giống như các đoạn trích dẫn sau đây, nhất là về thời gian diễn ra.

"Trận Trường Ðổi: - Ngày 7.6.1866, ba năm sau khi về trấn nhậm ở Tây Ninh, De Larclauze đã bị liên quân Việt - Khơ me trừng trị/ Rạng sáng, được tin báo có “quân phiến loạn” ở trong bìa rừng phía bên kia sông (rạch Tây Ninh- TV), cách đồn lính chừng hơn 1 cây số đường chim bay đang trên đường tiến về tỉnh lỵ. Lập tức đại uý De Larclauze điều quân qua sông tổ chức tấn công… Tại bến Trường Ðổi, ngựa của De Larclauze bị sa lầy, ông ta nhảy xuống và cũng bị chôn chân dưới bùn. Một phát tên của nghĩa quân đã làm ông tử thương… Thiếu uý Sage và hơn 10 tên lính đã cùng chủ tướng nằm lại tại trận địa… Phải đến 5 giờ chiều ngày 9.6 (hơn 2 ngày sau) địch mới ra lấy thây đồng bọn được (Ðể tưởng niệm vị quan cai trị đầu tiên này ở Tây Ninh, chính quyền Pháp đã đặt tên con đường từ cầu Quan ra bến Trường Ðổi là Quai De Larclauze).

Trận diệt Marchaise (trận 2): nhận được tin báo, giặc Pháp từ Sài Gòn lập tức gửi đại quân lên tiếp cứu. Lực lượng bao gồm 2 cánh quân thuỷ, bộ do đại tá Marchaise chỉ huy chung. Quân bộ theo đường thiên lý (782-784 ngày nay). Quân thuỷ trên tàu chiến theo sông Vàm Cỏ Ðông. Báo Pháp Courrier de Saigon tường thuật trong số ra ngày 20.6.1866 như sau: “Trong 3 ngày, vị sĩ quan lỗi lạc này đã lùng sục khắp chiến trường nhưng không gặp kẻ thù. Ngày 14.6.1866, ông lại ra đi từ sáng sớm. Ðược hướng dẫn hết sức chính xác, ông gặp đối phương ở bờ bên kia 1 con rạch lầy lội, sau 1 cuộc hành quân vất vả và mệt nhọc kinh khủng/ Kích thích bởi lòng căm thù đối với những kẻ thù cho đến lúc bấy giờ không thấy mặt, những người lính của chúng ta mở ra tuyến tán binh và vượt suối để lao tới… Thế là trận chiến đẫm máu đã diễn ra, trong đó người ta phải đánh giáp lá cà; quan năm Marchaise bị tử thương cùng với 10 người của ông ta…”.

“Con rạch lầy lội” ấy chính là rạch Vịnh theo các cuốn sử khác, như trong Ðại Nam quốc lược sử (1909), Lược sử Tây Ninh (1986) hay Chống xâm lăng của GS Trần Văn Giàu đã viết. Các cuốn này có thêm vài chi tiết nhưng không làm thay đổi bản chất và thời gian diễn ra sự kiện. Như Ðại Nam quốc lược sử cho biết thêm quân Pháp gồm: “150 quân nhơn và hai khẩu đại bác”. Số bị chết là: “ông quan năm Marchaise và mười ba người tử trận (là 14)”. Sách Chống xâm lăng ghi rõ hơn, rằng con tàu chiến cứu viện ấy là “chiến thuyền Long-din” do đích thân đô đốc La-gờ-răng-de ở soái phủ Sài Gòn điều lên. Một chi tiết thật thú vị nữa là: “Ðịch đổ bộ lên bến-keo (Bến Kéo) ngoài vàm sông, cách Tây Ninh 7 dặm mà không một tên Pháp nào dám ló ra khỏi thành để đi đón viện binh”. Còn Lược sử Tây Ninh viết: “Ðến 5 giờ chiều, quân đội Pháp không còn nghĩ đến việc ở lại giữa cái đầm lầy này để bao vây đối phương nên đã rút về, và mãi đến 3 giờ sáng ngày hôm sau mới về đến được nơi đồn trú…” (từ rạch Vịnh về đến tỉnh lỵ Tây Ninh là khoảng 20 cây số). Sau này cái tên Marchaise cũng được thực dân Pháp đặt tên cho một con đường phố ở tỉnh lỵ Tây Ninh, chính là đường Hàm Nghi ngày nay.

Trở lại với những chi tiết quá khác biệt ở sách Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Trảng Bàng (2005), thì trận Trường Ðổi tiêu diệt thiếu uý Lesa và 10 quân nhân Pháp trong đó có cả Lac-cơ-lô (Larclauze) thì nó diễn ra vào “khoảng tháng 6.1869” và không phải ở bến Trường Ðổi, mà ngay ở trong tỉnh lỵ Tây Ninh. Trong đó Lác-cơ-lô trốn thoát. Trong các sách sử chính thức của Tây Ninh thì cũng đã có một trận nghĩa quân đánh vào tỉnh lỵ, nhưng là vào ngày 2.7 sau một trận chiến thắng vang dội nữa ở Trà Vong (Tân Biên ngày nay). Phải chăng, cuốn sách kể trên đã ghép 2 trận này vào làm một và cho Larclauze được sống? Tuy nhiên, điều khác biệt lớn nhất vẫn là thời gian diễn ra các trận đánh. Làm sao mà các trận ấy xảy ra vào năm 1869, khi mọi sự việc đã “an bài” từ 3 năm trước?

Hẳn là vì Ban Biên tập sách căn cứ vào bài báo của tờ Le Monde ra ngày 29.12.1869. Và cũng vì thế mà từ rạch Vịnh, chiến trận lại chuyển qua tới tận Bời Lời. Ðọc kỹ lại trích đoạn gồm 28 dòng viết rất hay ấy, thì tuyệt nhiên không có tên một địa điểm cụ thể nào, cũng như một thời gian cụ thể. Thì ra chuyện cầu cứu viện ở Tây Ninh, nhưng quân tiếp cứu lại đến Bời Lời chỉ là nhận định (hoặc suy luận) của người viết sử. Trước khi trích đoạn bài báo, đã có những dòng sau: “cánh quân đường thuỷ chia 2 mũi, mũi đổ bộ lên bến cầu Quang (Quan - TV) làng An Hoà, mũi 2 đổ bộ lên bến Sóc Lào làng Ðôn Thuận hành quân càn bố cả 2 mũi quân thuỷ hợp điểm với cánh quân bộ tại Bời Lời lùng sục về hướng Bà Nhã, Bến Sắn, Bến Củi…” (xin nhắc lại, đấy là những dòng của người viết sử).

Kỳ lạ chưa! Là cái cách điều binh của ông quan Năm được cho là lỗi lạc Marchaise. Sao ông không cho cả hai mũi quân thuỷ ấy tiến theo sông Sài Gòn để tới bến Sóc Lào cho gần, mà phải cho một cánh ngược ra cửa Soài Rạp ra biển, rồi qua Bến Lức Long An để tiến vào sông Vàm Cỏ Ðông và rạch Trảng Bàng, mất thêm hàng trăm cây số để tới bến Cầu Quan? Rồi từ đây lại lễ mễ xuyên rừng ít ra là hơn 20 cây số nữa để tới được Bời Lời, Ðôn Thuận (nên nhớ lúc đó còn chưa có hương lộ 6 nối Trảng Bàng đến Bùng Binh như bây giờ). Theo hồi ký ông Vạng Bửu, nguyên Cai tổng Hàm Ninh Hạ, nguyên Ðốc phủ sứ tỉnh Tân An, năm 1882 mới bắt đầu làm con đường ấy, do ông vừa được thăng phó Cai tổng làm cai phụ trách.

Không có một tư liệu “tham khảo” nào khác, ngoài bài báo in trên báo Le Monde; mà theo ghi chú ở trang 35, thì đấy là bài do “Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê. Ðăng trên báo Phong Hoá xuất bản tại Hà Nội số ra ngày 11.10.1959…”. Ðến đây đành phải nhờ “anh Google” thôi! Thì anh cho biết: “Phong Hoá (1832-1836) là một tuần báo xuất bản ở Hà Nội” thật, nhưng: “cho đến số 190 ra ngày 5.6.1936 thì bị đóng cửa hẳn”. Vậy thì đến ngày 11.10.1959, báo đã “chết” được 23 năm rồi, còn đâu nữa để có bài đã dẫn mà trích đoạn. Tạm kết luận là không hề có bài báo ấy in trên Phong Hoá. Nhưng, với văn phong sắc sảo, chi tiết của bài báo, chắc hẳn là nó đã từng được in ở một nơi nào đó. Mong các quý vị đọc nhiều, hiểu rộng tìm giúp cho. Ðể minh bạch một vấn đề lịch sử thì đấy cũng là việc nên làm.

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục