Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Có nên cấp bằng lái cho xe dưới 50 phân khối?
Thứ tư: 08:59 ngày 03/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đề xuất của các đại biểu Quốc hội về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe dưới 50 phân khối nhận được nhiều ý kiến quan tâm.

Trước tình trạng vi phạm trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh (HS), thanh thiếu niên diễn biến phức tạp, vừa qua tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đề xuất đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) cho người điều khiển xe máy dưới 50 phân khối (cc).

Đề xuất này nhận được nhiều quan tâm từ phía dư luận, đồng thời cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ các chuyên gia.

Học sinh được học, phụ huynh an tâm hơn

Luật sư (LS) Trần Văn Giới, Đoàn LS TP.HCM, cho biết: “Theo tôi, việc xây dựng các quy định về đào tạo, sát hạch và cấp GPLX đối với người điều khiển xe máy điện, xe máy có dung tích xylanh dưới 50 phân khối trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết”.

Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị 31/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi HS trong tình hình mới.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các hộ dân giữ xe xung quanh khu vực trường học cam kết không nhận trông, giữ mô tô trên 50 phân khối của HS. Đồng thời rà soát các phương tiện kinh doanh đưa đón HS, định kỳ vào ngày 15 hằng tháng.

LS Giới dẫn chứng vào giờ tan tầm, tại các cổng trường trung học hiện nay không khó bắt gặp hình ảnh các em HS điều khiển xe máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm “lao” ra cổng trường. Nhiều trường hợp còn chở ba, dàn hàng ngang, lạng lách đánh võng… gây mất trật tự, an toàn giao thông.

“Trước đây Việt Nam không có quy định về việc đào tạo, sát hạch và cấp GPLX đối với các loại phương tiện này bởi số lượng tham gia giao thông còn ít; tình trạng vi phạm pháp luật giao thông hay tai nạn giao thông từ nhóm phương tiện này còn thấp, chưa đáng báo động như hiện nay” - LS Giới nhấn mạnh.

LS Giới cũng cho rằng các bậc phụ huynh cũng nên ủng hộ quy định này dù việc tham gia đào tạo, sát hạch, cấp GPLX có thể tốn kém thời gian, chi phí cho gia đình. Tuy nhiên, việc giao xe cho con cái đã được đào tạo, trau dồi kiến thức và kỹ năng tự điều khiển xe đến trường sẽ giúp họ yên tâm hơn.

Hơn nữa, mặc dù pháp luật về giao thông đường bộ hiện nay không quy định người điều khiển các loại phương tiện trên phải có GPLX nhưng các quy định xử phạt vi phạm giao thông đường bộ vẫn có. Trường hợp con cái của họ bị xử phạt vi phạm hành chính hay tệ hơn là gây tai nạn giao thông thì thời gian, chi phí và hệ quả còn lớn hơn nhiều.

“Ở góc độ quản lý nhà nước, việc xây dựng các quy định trên là cần thiết, phù hợp với điều kiện, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay. Tuy nhiên, cần nghiên cứu sao để đảm bảo việc thực thi hạn chế tối đa tốn kém chi phí xã hội. Ngoài ra, các quy định này cũng cần phải thống nhất và đồng bộ với các quy định pháp luật hiện hành” - LS Giới nói thêm.

Nhiều học sinh hiện nay đang sử dụng xe máy phân khối trên 50cc. Ảnh: CHÍ HÀO

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết: Ý kiến này cũng mới bước đầu được các đại biểu Quốc hội nêu ra chứ chưa có các quy định chi tiết. Ví dụ, bao nhiêu tuổi thì được học, cấp GPLX và lái những loại xe ra sao.

“Hiện nay, dòng xe dưới 50 phân khối chạy động cơ xăng thì chỉ có mỗi xe Honda 50 (hay còn gọi là xe Cup 49cc), còn các loại động cơ điện thì xác định theo công suất. Nếu để áp dụng luật thì phải xác định rõ những vấn đề đó” - ông Quyền nói.

Do đó, ông Quyền cho rằng nếu có đưa vào luật quy định về đào tạo lái xe dưới 50cc thì ngành chức năng cần nghiên cứu thêm, đưa ra các vấn đề chi tiết, cụ thể hơn.

Nên xử phạt nặng để răn đe

Ngược lại với các ý kiến trên, một giáo viên dạy lái xe tại TP.HCM cho biết thực chất giáo dục pháp luật giao thông đối với HS là điều kiện tốt. Thế nhưng đa số vụ tai nạn hay HS đi xe hiện nay đều là xe trên 50 phân khối, đều là phương tiện của người lớn.

“Để thi lấy bằng thì hơi “nặng” cho HS, vì bắt các em đi học và đi thi trong khi lứa tuổi này cũng đang chú tâm vào việc học kiến thức khác. Hơn nữa, thực tế đâu chỉ đi xe máy mới gây tai nạn mà xe đạp điện với tốc độ trên 40 km/giờ cũng có thể gây nguy hiểm” - giáo viên này cho hay.

Giáo viên này cũng cho rằng nếu thi lấy bằng như quy định thì HS cũng chưa được điều khiển phương tiện của người lớn. Thay vào đó, nên có chương trình giáo dục pháp luật về giao thông tại các trường. Đã điều khiển phương tiện thì tốt nhất là hạn chế HS phổ thông sử dụng phương tiện tốc độ cao. Các khóa học nhằm giúp HS hiểu biết luật và ý thức chạy xe.

Chuyên gia ô tô, xe máy Nguyễn Minh Đồng cho hay các nước trên thế giới quy định xe dưới 50 phân khối không cần bằng lái xe, thông thường độ tuổi 13-14 được sử dụng.

“Tôi nghĩ không cần thiết đào tạo và sát hạch lái xe cho những người lái xe dưới 50 phân khối mà nên có khóa học liên quan đến nhận thức về những vấn đề liên quan. Đồng thời đưa ra quy định nếu HS vi phạm ba lỗi giao thông trong ba tháng thì đến 18 tuổi cũng không được đi thi lấy bằng A1. Chúng ta nên tác động vào tâm lý, ý thức của HS để răn đe hơn là quy định thêm một hạng bằng lái mới” - chuyên gia Nguyễn Minh Đồng nhận định.•

Học sinh chủ yếu đi xe trên 50cc

Theo ghi nhận những ngày qua tại khu vực Trường THPT Hồ Thị Bi (huyện Hóc Môn), nhiều HS điều khiển xe trên 50 phân khối khi tham gia giao thông.

Cụ thể, nhiều HS điều khiển các dòng xe máy như Honda Vision, Honda Wave, Future đều 110cc, thậm chí có em còn di chuyển bằng xe Honda Air Blade (125-160cc). Nhiều em còn chạy xe không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh.

Tương tự, tại Trường THPT Phạm Văn Sáng (huyện Hóc Môn), vào giờ tan tầm có nhiều HS điều khiển xe máy trên 50 phân khối. Tình trạng vi phạm giao thông của các em còn nguy hiểm hơn khi dàn hàng ngang giữa đường.

CHÍ HÀO

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục