Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Có nên tiếp tục thi nâng ngạch công chức?
Thứ năm: 20:10 ngày 18/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
“Tôi đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu vấn đề này theo hướng, có tiếp tục tổ chức thi nâng ngạch công chức hay không? Hay là xét nâng ngạch công chức, viên chức theo những tiêu chí rõ ràng, minh bạch, công khai, chính xác về trình độ, nâng lực, đạo đức, kinh nghiệm, năm công tác?”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác năm 2018. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu bật những thành tựu to lớn mà đất nước ta đã đạt được trong năm 2017, trong đó có đóng góp không nhỏ của toàn ngành nội vụ. Bộ đã trình cấp có thẩm quyền nhiều đề án, dự án luật, báo cáo như Nghị quyết của Chính phủ về chương trình hành động triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII.

Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được quan tâm chỉ đạo, gương mẫu bỏ cấp phòng trong vụ, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp trong Bộ, theo dõi và đôn đốc các bộ ngành, địa phương về công tác cải cách hành chính đạt kết quả khích lệ… Các công tác tôn giáo, thi đua khen thưởng, văn thư - lưu trữ, quản lý hội, thanh niên… có nhiều chuyển biến tích cực.

Thi nâng ngạch: Người rất giỏi thực tiễn nhưng thi lý thuyết lại… rớt

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đề nghị Bộ Nội vụ cần thẳng thắn nhận diện những tồn tại, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới.

Đó là, việc xây dựng và ban hành thể chế còn chậm, còn lùi thời hạn, chất lượng chưa đạt yêu cầu; công tác tinh giản bộ máy còn chưa kiên quyết, hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; công tác cán bộ, thanh tra, kiểm tra chưa toàn diện…

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bộ Nội vụ cần nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận, chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém để có giải pháp khắc phục.

Cụ thể là, việc thực hiện chương trình công tác chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, chậm tham mưu đề xuất về công tác các bộ, công chức với lý do chờ hoàn thiện các quy định của Đảng; chưa phát huy hết vai trò của cơ quan quản lý thống nhất về lĩnh vực công vụ nên còn để xảy ra sai sót trong quá trình quản lý và sử dụng biên chế; chưa đổi mới công tác thi nâng ngạch công chức, viên chức để khắc phục tính thành tích, hạn chế tiêu cực; còn bị động trong việc đề xuất các mô hình, tổ chức để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, địa bàn; chất lượng một số đề án chưa bảo đảm; chậm xem xét, khắc phục một số vấn đề mà dư luận xã hội và đại biểu Quốc hội quan tâm…

Nhấn mạnh, năm 2018 là năm triển khai nhiều nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi quyết tâm cao, đòi hỏi sự chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của năm nay, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bộ Nội vụ cần hết sức gương mẫu, lãnh đạo phát huy tinh thần dân chủ, đoàn kết, thống nhất, tập trung trí tuệ để lãnh đạo ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, Bộ cần tập trung nghiên cứu việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là trong lĩnh vực công vụ, công chức, bảo đảm tương thích với các quy định của Đảng về công tác cán bộ; hoàn thiện đề án chính sách cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp trình Trung ương xem xét, cho ý kiến; tổng kết, đánh giá một số luật đang thực hiện như Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, thẩm định, bảo đảm rõ chính kiến, đề xuất phương án cụ thể về tổ chức bộ máy cơ quan trình Chính phủ quyết định.

Nghiên cứu mô hình tổ chức cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, ngành dọc để có đề án tổng thể trình Chính phủ, bảo đảm tỷ lệ tinh giản đầu mối các đơn vị sự nghiệp; kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế theo tỷ lệ và lộ trình đã đề ra; chủ động trong kiểm tra, thanh tra công vụ, kịp thời phát hiện và phòng ngừa vi phạm trong công tác cán bộ.

Bộ Nội vụ khẩn trương thành lập Tổ công tác về thanh tra công vụ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Tổ trưởng để thực hiện nhiệm vụ thanh tra công vụ, nhất là công tác đề bạt cán bộ…

Có chính sách chặt chẽ và trọng dụng để thu hút người thực sự có đức có tài vào làm việc trong bộ máy hành chính; rà soát, sắp xếp, kiện toàn tinh gọn các đầu mối bên trong của các tổ chức trong hệ thống theo nguyên tắc một tổ chức có thể làm nhiều việc, một việc do một tổ chức chủ trì, chịu trách nhiệm; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giảm tỷ lệ người phục vụ theo dạng Hợp đồng 68; nghiên cứu xây dựng đề án một đơn vị công lập phục vụ chung cho các cơ quan hành chính nhà nước như bảo vệ, lái xe, tạp vụ; nghiên cứu đề xuất mô hình “nhất thể hoá” tại một số địa phương có đủ điều kiện như một người làm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp huyện, xã, phường…

Một trong những vấn đề được Phó Thủ tướng Thường trực đặc biệt lưu ý Bộ Nội vụ phải quan tâm chỉ đạo sát sao và có giải pháp cải cách là việc thi nâng ngạch công chức, viên chức hiện nay.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, chúng ta cần đánh giá lại hiệu quả thực tế và thực chất của việc thi nâng ngạch công chức, viên chức hiện nay như thế nào? Yêu cầu của bộ máy hành chính nhà nước đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ra sao đối với việc tổ chức thi khi mà công chức các địa phương kéo về Hà Nội để thi trong khi công việc tại các địa phương rất nhiều. Trong khi đó, nhiều người có kinh nghiệm thực tiễn rất giỏi nhưng khi đi thi lại rớt và dư luận nêu có tiêu cực này kia.

“Tôi đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu vấn đề này theo hướng, có tiếp tục tổ chức thi nâng ngạch công chức hay không? Hay là xét nâng ngạch công chức, viên chức theo những tiêu chí rõ ràng, minh bạch, công khai, chính xác về trình độ, nâng lực, đạo đức, kinh nghiệm, năm công tác? Vấn đề này tôi đã trao đổi với đồng chí Bộ trưởng nhiều lần và đồng chí rất ủng hộ”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Tránh cào bằng, luân phiên, dồn thành tích trong công tác thi đua khen thưởng

Đề cập đến vấn đề cải cách tiền lương, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ cần nghiên cứu, đánh giá rất kỹ các quy định về tính đặc thù của từng ngành nghề để được hưởng trợ cấp, thâm niên. Bởi ngành nghề nào cũng nêu tính đặc thù thì không có đặc thù gì cả.

Bên cạnh đó, trong công tác thi đua khen thưởng cần làm tốt hơn nữa trong việc hướng dẫn và nghiên cứu thực tiễn công tác này, tránh tình trạng cào bằng, luân phiên, ai đăng ký thì được xét còn không đăng ký thi đua thì thôi.

Tránh bệnh hình thức, không thực chất mà phải đúng người, đúng thành tích. “Anh hùng là phải có thành tích anh hùng, chứ anh hùng không phải là do tổng kết bao nhiêu công việc của anh em khác trong cơ quan làm rồi dồn cho một người để được phong… anh hùng thì không được”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Bộ Nội vụ luôn bám sát định hướng, đường lối  của Đảng và Nhà nước; hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ được chỉ đạo sát sao, các văn bản trình cấp có thẩm quyền cơ bản bảo đảm tiến độ và chất lượng; tham mưu cấp có thẩm quyền trình Trung ương, Quốc hội ban hành nhiều văn bản quan trọng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ; triển khai Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương tạo hành lang pháp lý thống nhất trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ và chính quyền các cấp.

Trong đó, công tác bộ máy và biên chế có nhiều chuyển biến, tính đến ngày 31/12/2017 đã thực hiện tinh giản biên chế với tổng số 33.459 người. Bộ Nội vụ đã thẩm định số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2017 đối với 42 địa phương, năm 2018 đối với 21 địa phương. Đã tiến hành kiểm tra việc quản lý, sử dụng biên chế, tuyển dụng công chức, viên chức và hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ tại 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là, chất lượng và tiến độ xây dựng và ban hành một số văn bản chưa cao, còn chậm, một số văn bản phải xin lùi, rút khỏi chương trình; việc sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan hành chính nhà nước còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước; quá trình thực hiện Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành đã phát sinh nhiều bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ; công tác đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển cán bộ ở một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận; kỷ luật kỷ cương ở một số đơn vị còn lỏng lẻo; việc giải quyết tinh giản biên chế chủ yếu theo nguyện vọng cá nhân, chưa thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu và căn cứ vào kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức...

Về nhiệm vụ công tác năm 2018, Bộ Nội vụ xác định chủ đề năm 2018 là: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Triển khai đồng bộ các nội dung cải cách hành chính theo Đề án 30c; triển khai tổng kết Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức; rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan thuộc bộ, ngành, địa phương; sơ kết 3 năm thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương để đề xuất sửa đổi, bổ sung; xây dựng đề án cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện và trình Luật về Hội; nghiên cứu sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng; tiếp tục tuyên truyền Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực nội vụ…

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục