Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vụ lúa Đông Xuân 2022-2023:
Còn đó những nỗi lo
Thứ tư: 06:06 ngày 16/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh bước vào đợt thu hoạch lúa vụ Thu Đông. Thời tiết thuận lợi, năng suất và giá bán tương đương với cùng kỳ năm 2021, nông dân khẩn trương thu hoạch để chuẩn bị cho vụ lúa Đông Xuân sắp tới.

Nông dân thu hoạch lúa Thu Đông 2022.

Vụ lúa Thu Đông: giá lúa có xu hướng tăng

Vừa mới thu hoạch xong hơn 2 ha lúa vụ Thu Đông, ông Trần Văn Sơn, ngụ ấp Gò Ngãi, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng cho biết, đợt này, năng suất lúa của gia đình ông đạt khoảng 7 tấn/ha, giá bán cho thương lái khoảng 5.300 đồng/kg, nhờ nắng liên tục nên việc thu hoạch gặp thuận lợi, ông chỉ thuê người tập kết lúa lên bờ là có thương lái đến mua.

Theo ông Sơn, những ngày gần đây giá lúa liên tục tăng, khi mới bước vào đầu vụ, giá lúa IR5404 khoảng 5.200 đồng/kg, nay lên 5.600 đồng, đây là tín hiệu vui, tạo động lực cho người sản xuất lúa trong vụ Đông Xuân sắp tới. Bởi theo ông Sơn, trong hai năm qua, tình hình sản xuất nông nghiệp của nông dân gặp nhiều khó khăn, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá lúa luôn ở mức thấp, người nông dân không có lợi nhuận, nhiều nông dân bỏ vụ.

Ông Lê Tấn Lợi, ngụ ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu cho biết, vụ Thu Đông năm 2022, gia đình ông sản xuất khoảng 3,2 ha lúa (giống OM 18), thu hoạch năng suất bình quân khoảng 6,8 tấn/ha (tương đương cùng kỳ năm trước), giá bán 5.800 đồng/kg. Trừ hết chi phí đầu tư, ông có lãi khoảng 10 triệu đồng/ha.

Giá lúa có tăng so với cùng kỳ, nhưng thu nhập của nông dân chưa thể bảo đảm cuộc sống khá giả hơn, vì so với tình hình trượt giá thời gian qua, lợi nhuận sau 3 tháng canh tác lúa của nông dân trung bình chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Chi phí xăng dầu, thực phẩm… đều tăng cao.

Theo ông Lợi, chi phí sản xuất bình quân người nông dân phải bỏ ra cho một công lúa (1.000m2) ở vụ này dao động từ 2,6-2,7 triệu đồng. Trong đó, chi phí nặng nhất là tiền mua vật tư nông nghiệp, bình quân giá phân bón tăng khoảng 30.000 đồng/bao so với cùng kỳ; tiền thuê máy thu hoạch lúa cũng tăng lên mức 350.000 đồng/công (do giá xăng dầu tăng), mọi năm chỉ 280.000 đồng/công.

Nhiều nỗi lo cho vụ lúa Đông Xuân

Đông Xuân được đánh giá là vụ lúa chính trong năm, có vai trò quyết định đến chỉ tiêu sản lượng lúa hằng năm. Mặc dù đến nay, nước lũ tại nhiều nơi vẫn chưa rút, nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh đang khẩn trương chuẩn bị các bước để xuống giống theo khuyến cáo ngành Nông nghiệp tỉnh.

Ông Huỳnh Thanh Bình, ngụ ấp Cẩm An, xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu) cho biết, gia đình ông có khoảng 3,5 ha đất sản xuất lúa ven sông Vàm Cỏ Đông, hằng năm, khi đến vụ sản xuất lúa, ông thường đến đại lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn xã để mua thiếu lúa giống và phân bón, đến cuối vụ sẽ thanh toán.

Theo ông Bình, hiện tại, giá nhiều loại mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân đã tăng nhiều so với cùng kỳ. “Lúa giống tăng hơn mùa trước ít nhất 2.000 đồng/kg; dầu Diesel tăng gấp đôi; phân ure tăng gấp 2 lần, trên 800 ngàn đồng/bao; phân DAP đạt ngưỡng trên 1,2 triệu đồng/bao...

Tất cả đều tăng mức cao, nhưng với giá lúa trên dưới 6.000 đồng/kg như hiện nay, người nông dân không thể có lợi nhuận. Nông dân chúng tôi đặt hy vọng vào giá lúa ở vụ thu hoạch; hoặc là giá xăng, dầu có sự điều chỉnh giảm. Chứ như giá xăng dầu và phân bón hiện nay sẽ kéo theo các dịch vụ: cày, bừa, cắt lúa, vận chuyển, nhân công tăng là khó tránh khỏi”- ông Bình trăn trở.

Trong khi đó, khoảng 2 năm trở lại đây, giá các loại phân bón tăng cao khiến người sản xuất lúa phải tìm cách tiết giảm chi phí, nhiều người tìm đến các sản phẩm giá rẻ. Chính vì vậy, có nhiều trường hợp mua phải phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng hoặc sản phẩm giả khiến người dân mất tiền lại ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng nông sản.

Nông dân làm đất sau khi thu hoạch vụ Thu Đông.

Bà Lâm Thị Tư, ngụ ấp Long Giao, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu cho biết, cuối năm 2019, để chuẩn bị xuống giống vụ Đông Xuân 2019-2020, bà đến một đại lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn xã để đặt mua 500kg lúa giống OM1352 về gieo sạ, tin tưởng chỗ “mối” nên khi mang về bà không kiểm tra bao bì sản phẩm, đến khi lúa được khoảng 1,5 tháng tuổi, bà mới phát hiện điều bất thường, nhiều cây lúa phát triển mạnh hơn, vươn cao hơn và trổ sớm hơn, lúc này mới vỡ lẽ, không phải giống lúa bà đã chọn. Lục tìm lại các bao bì trước đó, bà mới phát hiện trên bao bì chỉ in tên giống lúa, không có địa chỉ nơi sản xuất. Bà mang số bao bì trên đến đại lý bán thì họ nói không phải của họ bán.

Theo bà Tư, những năm gần đây, giá các loại vật tư nông nghiệp tăng cao, nên nhiều “gian thương” lợi dụng tâm lý muốn mua hàng giá rẻ, tiết kiệm chi phí của nông dân để tung ra các sản phẩm kém chất lượng. Đây cũng là nỗi lo thường trực của người nông dân mỗi khi bắt đầu vụ sản xuất mới.

Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, căn cứ tình hình rầy di trú và thuỷ văn, vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 trên địa bàn tỉnh sẽ bắt đầu từ đầu tháng 11.2022, cụ thể sẽ có 2 đợt xuống giống: Đợt 1 từ 31.10 đến 7.11.2022 (7.10 - 14.10 âm lịch) và đợt 2 từ 30.11 đến 7.1.2022 (7.11 - 14.11âm lịch) với các giống lúa chủ đạo là OM18, OM5451, Đài Thơm 8, IR50404 và các giống chất lượng cao: ST24, ST25.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục