Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Vài tuần trước, có vụ bạo hành ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu. Chồng mà đánh vợ dã man gì đâu! Hết đấm đá trên bờ lại lôi xuống hồ bơi trấn nước. Ấy cũng nhờ mạng xã hội mà người cả nước đều biết, các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh vào cuộc đưa tin.
Ðến cả Chương trình VTV chuyển động 24h cũng lên sóng. Nhưng có một chi tiết mà không thấy các báo, đài ở xa nói tới. Ðấy là việc giải cứu, đưa nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu do Ðội Cứu nạn giao thông Tây Ninh thực hiện. Ðó là một nhóm các bạn trẻ tự sắm xe cứu thương, cứu nạn bất cứ ai bị tai nạn trên đường.
Tôi cũng đã nghe danh và thấy các bạn trẻ này từ lâu. Ðầu tiên là thấy cái xe cấp cứu đậu trên vỉa hè ở góc ngã tư Ao Hồ, phía đường Võ Thị Sáu. Có vài bạn trẻ thường trực cùng xe. Hễ nghe đâu có tai nạn giao thông là các bạn tìm đến, đưa người bị nạn đi cấp cứu. Nghĩa hiệp không! Cũng hơi giống “hiệp sĩ” săn bắt cướp Nguyễn Thanh Hải ở Bình Dương.
Thật đúng như câu thơ bất hủ của cụ Nguyễn Ðình Chiểu trong truyện thơ Lục Vân Tiên, nêu bật khí phách của người trai Nam bộ. Ðấy là câu thơ: “giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha”. Cái tinh thần ấy đến nay tưởng đã hơi phai nhạt, nhất là ở các thành phố lớn. Có lần truyền hình đưa tin, một xe con húc văng người chạy xe máy trên đường.
Vậy mà người lái xe con điềm nhiên lái xe bỏ đi, rồi hàng trăm xe khác tiếp nối đi qua mà không ai dừng cứu giúp nạn nhân đang nằm bất động. Vậy, cái tinh thần hào hiệp của các anh Ðội Cứu nạn tỉnh nhà cần được biểu dương, để tinh thần ấy tiếp tục lan rộng và toả sáng.
Thật ra, tinh thần kia đã toả lan rồi. Trước hết là ở tôi. Khi cầm tấm cac-vi-dít in số điện thoại cần gọi, tôi đã tự tu tỉnh để bớt đi những cuộc rượu chè vô bổ. Và nó còn lan toả đến nhiều tấm lòng nghĩa hiệp khác. Như, một dạo chùa Bà định tặng thêm cho các anh một xe cấp cứu mới tinh, sau do thủ tục trục trặc sao đó mà không thành. Sau nữa đến doanh nhân Sầm Nhứt đóng ở huyện Châu Thành. Ông đã trao tặng các anh một xe cấp cứu nên đôi khi trên đường, nghe tiếng còi xe cấp cứu hú vang, ngước lên có thể gặp một hàng chữ đã trở thành thân thuộc: - Ðội Cứu nạn giao thông Tây Ninh.
Xem TTV11 khoảng mươi ngày trước, còn biết thêm một câu chuyện nghĩa hiệp khác của các anh “cứu nạn”. Ðấy là các anh vừa lập ra một lớp học miễn phí cho các chị em có kỹ năng tự bảo vệ mình. Lớp có sự bảo trợ, cung cấp mặt bằng của một nhà văn hoá huyện. Có phải là qua vụ cứu nạn ở Tân Châu mới rồi mà các anh có sáng kiến này không? Xem phóng sự, thấy lớp học này vui vẻ và hiệu quả.
Thầy đứng lớp chính là anh Ðặng Văn Phúc - Ðội trưởng Ðội Cứu nạn. Học viên đều là phụ nữ. Coi các chị cũng biết ra tay đỡ đòn và có thể phản công đối thủ mới thật là lý thú. Có lẽ Ðài cũng nên phát lại nhiều lần, để các đức ông chồng có máu vũ phu lấy đó mà chùn tay. Cũng xem Ðài TTV11, tôi biết ở một số xã, phường đã lập ra Nhà tạm lánh, để chị em khi bị bạo hành có thể tìm về trú ngụ. Ðấy cũng là một cách làm hay để bảo vệ các chị em vốn “chân yếu tay mềm”. Nhưng như thế thì hơi bị động cho những người yếu thế. Chủ động hơn, là cách làm của anh Phúc và các bạn trẻ cứu nạn quê ta.
Ngày kỷ niệm thành lập Hội Phụ nữ vừa qua, rất nhiều bậc nam nhi đi qua Công viên 30.4 đã dừng lại mua hoa để tặng cho phụ nữ. Bài viết này dẫu muộn, nhưng cũng hy vọng có được giỏ hoa tươi nho nhỏ dành tặng cho các bạn trẻ trong Ðội Cứu nạn giao thông- những người biết tôn trọng, nâng niu bảo vệ chị em phụ nữ quê nhà.
NGUYỄN