Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Có thể nói, món bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc từ lâu đã “nổi danh” đối với du khách trong và ngoài nước. Nhưng món ăn đặc sản ấy chỉ thật sự “đúng chất” khi được ăn kèm với các loại rau rừng. Từng loại rau rừng có đặc tính và mùi vị riêng như lá cóc có vị chua chua, lá mặt trăng có mùi nồng nhẹ hay mùi chát chát của rau chùm mồi…
Vườn rau rừng của ông Lê Văn Dĩ.
Lâu nay, nhắc đến Tây Ninh, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến sự hùng vĩ của núi Bà Đen, kiến trúc độc đáo của Toà thánh Tây Ninh- thánh địa của tôn giáo Cao Đài hay những món đặc sản làm nao lòng du khách như bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương… Nhưng không chỉ có thế, có lẽ ít ai lại biết đến một món đặc sản khác đang nổi lên gần đây của vùng đất “độc - lạ”, này đó chính là rau rừng.
SỰ KẾT HỢP GIỮA “HƯƠNG” VÀ “VỊ”
Có thể nói, món bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc từ lâu đã “nổi danh” đối với du khách trong và ngoài nước. Nhưng món ăn đặc sản ấy chỉ thật sự “đúng chất” khi được ăn kèm với các loại rau rừng. Từng loại rau rừng có đặc tính và mùi vị riêng như lá cóc có vị chua chua, lá mặt trăng có mùi nồng nhẹ hay mùi chát chát của rau chùm mồi… Những mùi vị khác biệt đến thế, nhưng khi kết hợp với nhau để rồi ăn kèm với bánh tráng phơi sương và thịt heo lát mỏng, lại tạo ra một sự hoà quyện đến kỳ lạ.
Đúng như tên gọi dân dã của mình, rau rừng là tập hợp nhiều loại cây mọc hoang dã ở ven sông, rạch như: quế vị, trâm ổi, lá cách, mặt trăng, trâm sắn, lá chiếc, sơn máu, bí bái, chùm mồi… được người dân tìm kiếm và hái về để ăn kèm với bánh canh, bánh xèo, bánh tráng, làm tăng sự đậm đà và độc đáo của bữa ăn.
Các loại rau rừng còn là bài thuốc dân gian để phòng và chữa trị rất nhiều loại bệnh. Với quan niệm “ăn rau rừng, không bổ bề ngang, cũng bổ bề dọc”, hiện nay, rau rừng ngày càng được nhiều người dân yêu thích và sử dụng thường xuyên trong các bữa ăn.
Từ ý tưởng đưa các loại rau rừng về trồng để phục vụ bữa ăn trong gia đình và cung cấp cho các quán ăn trong huyện, ông Lê Văn Dĩ (ngụ ấp Lộc Trát, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng) đã tìm kiếm và mang một số loại rau rừng về trồng thử tại nhà. Đến nay, vườn rau rừng của gia đình ông Dĩ đã có khoảng 15 loại rau trên diện tích 0,7 ha, mang về thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Nhận thấy nhu cầu sử dụng các loại rau rừng ngày càng tăng, trong khi số lượng rau hái tự nhiên ngày càng giảm, ông Dĩ quyết định bứng những gốc cây dại này về trồng trong vườn của gia đình. Và chỉ sau hai tháng, cây bắt đầu cho thu hoạch. Theo ông Dĩ, rau rừng đa phần là những loại cây hoang dã, chịu được môi trường khắc nghiệt, ít gặp sâu bệnh nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ít bón phân mà cây vẫn sinh trưởng khá tốt. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, gia đình ông thu hoạch trên dưới 20kg rau rừng, với giá bán khoảng 20.000 đồng/kg.
Đưa rau rừng về trồng tại vườn nhà là một trong những mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả của người nông dân xứ Trảng. Đây cũng là cách để đưa rau rừng và món bánh tráng phơi sương thành thương hiệu đặc sản phục vụ du khách đến với núi Bà Đen nói riêng và đến với Tây Ninh nói chung. Từ chỗ chỉ là món ăn dân dã, bình dị, đến nay, bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc ăn kèm với rau rừng đã trở thành món ăn được đông đảo du khách đến Tây Ninh tìm kiếm và thưởng thức.
NÂNG TẦM THƯƠNG HIỆU RAU RỪNG
Sau quá trình trồng thử, nhận thấy các giống rau rừng vẫn có thể phát triển thuận lợi trong vườn nhà, ông Dĩ đã tiến hành chiết cành để nhân giống, mở rộng hơn quy mô vườn rau, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người dân trong và ngoài tỉnh.
Đồng thời, được sự vận động của Hội Nông dân xã Gia Lộc và hướng dẫn kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp huyện Trảng Bàng, ông Dĩ đã cùng 5 hộ gia đình trong ấp thành lập Tổ hợp tác rau rừng Lộc Trát, do ông làm tổ trưởng. Hiện nay, với diện tích gần 1,8 ha, Tổ hợp tác đang trồng khoảng 15 loại rau rừng khác nhau, cung ứng cho thị trường.
Món đặc sản Tây Ninh bánh tráng cuốn thịt luộc không thể thiếu rau rừng.
Việc thành lập Tổ hợp tác rau rừng Lộc Trát là một trong những bước đi đúng hướng của người nông dân Lê Văn Dĩ. Đây không những là mô hình phát triển kinh tế mang về thu nhập ổn định cho các thành viên, mà còn là cách để người dân giữ gìn và phát triển đặc sản của vùng đất Tây Ninh, trước tình trạng rau rừng đang dần cạn kiệt.
Những người nông dân của Tổ hợp tác rau rừng Lộc Trát lại càng vững vàng hơn trên con đường làm vang danh thương hiệu rau rừng trên mảnh đất Tây Ninh, khi Tổ được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. “Cuối cùng, những cố gắng của tôi và các hộ thành viên trong Tổ hợp tác cũng được ghi nhận. Hy vọng, với bước tiến này, chúng tôi có thể phát triển, nhân rộng mô hình rau rừng để phục vụ du khách đến tham quan và thưởng thức đặc sản vùng đất Tây Ninh”, ông Dĩ vui vẻ chia sẻ.
Là người trồng và thu mua rau của Tổ đem giao cho các quán ăn, nhà hàng tại TP. HCM, chị Lê Thị Thanh Thuý, thành viên Tổ hợp tác vui mừng nói: “Sản phẩm rau rừng của Tổ được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất an toàn, làm cho người dùng an tâm và tin tưởng hơn. Hiện nay, Tổ đã ký hợp đồng bán rau rừng cho nhiều đơn vị, có mặt ở một số siêu thị tại Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh. Sắp tới, thương hiệu rau rừng chắc chắn sẽ ngày càng phát triển và vươn xa hơn nữa”.
Ông Trương Tấn Đạt, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Trảng Bàng đánh giá, so với các loại cây trồng khác, rau rừng cho thu nhập ổn định và khá cao. Đây là hướng chuyển đổi cây trồng hiệu quả, cần được nhân rộng. Trong thời gian tới, huyện sẽ vận động người dân thuộc các xã An Hoà, Phước Chỉ, Phước Lưu và các hộ dân sống gần lưu vực sông Vàm Cỏ Đông mở rộng vùng sản xuất rau rừng của huyện với tổng diện tích khoảng 15 ha.
M.D - P.T