Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đảm bảo rượu tiêu thụ có nguồn gốc sản xuất rõ ràng
Thứ ba: 08:51 ngày 10/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 1.11.2017, Nghị định 105 về kinh doanh rượu sẽ có hiệu lực, trong đó có quy định về điều kiện kinh doanh đối với bán rượu tiêu dùng tại chỗ, nhằm đảm bảo rượu tiêu thụ có nguồn gốc sản xuất rõ ràng.

Trong 5 điều kiện bắt buộc, có một điều kiện liên quan đến nguồn gốc của rượu, đó là rượu tiêu dùng tại chỗ phải được cung cấp bởi thương nhân có giấy phép sản xuất, phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ rượu. Đó cũng chính là trách nhiệm của những người sản xuất, kinh doanh rượu.

Bên trong một cơ sở sản xuất rượu thủ công- Ảnh minh hoạ.

Tuy nhiên, một số cơ sở kinh doanh ăn uống có sử dụng rượu vẫn chưa nắm rõ về quy định này.

Theo anh N.P.T, chủ một quán ăn trên đường Nguyễn Văn Rốp, Phường IV, (thành phố Tây Ninh) và một quán ăn ở xã Thanh Điền (huyện Châu Thành), tại quán ở Phường IV, đa số khách dùng bia hoặc uống rượu đóng chai Phú Lễ, ít người dùng rượu trắng tự nấu. Mỗi ngày anh bán trung bình chừng 3-4 lít rượu nấu trắng. Tuy nhiên, ở quán ăn tại Thanh Điền thì ngược lại, người dân chủ yếu uống rượu với số lượng bán ra mỗi ngày từ 30-40 lít.

“Rượu Phú Lễ chúng tôi có hóa đơn mua bán. Còn rượu trắng bán ở hai quán đều là rượu nhà tự nấu, khách nào giờ uống quen rồi. Quy định phải có đầy đủ thủ tục khi nấu rượu kinh doanh tôi có biết, nhưng do việc nhiều nên chưa đi làm được. Còn quy định mới quán kinh doanh ăn uống phải có giấy phép của chỗ nấu rượu thì tôi mới nghe. Nếu bắt buộc vậy, tôi sẽ chấp hành làm thủ tục cho cơ sở nấu rượu ở nhà trước”, anh T. cho biết.

Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP huyện Tân Châu kiểm tra một cơ sở sản xuất rượu tại xã Tân Hội- Ảnh minh hoạ.

Tại một quán chay thuộc xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, chị B.C, chủ quán cho biết, trước đây quán chị bán mỗi ngày trên 20 lít, nhưng hiện nay người uống rượu ít lại, mỗi ngày chỉ bán hơn 10 lít. “Rượu này là do đứa em ở nhà nấu. Trước đây có người bên y tế tới lấy mẫu rượu đi kiểm nghiệm, thấy không có vấn đề gì, người ta cũng yêu cầu phải làm hợp đồng với chỗ cấp rượu, tôi cũng có làm một thời gian. Nhưng sau do lu bu, hợp đồng hết hạn rồi thôi, không làm lại. Với lại rượu của người nhà nấu nên cũng thấy không cần thiết”, chị B.C nói.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 94 về sản xuất, kinh doanh rượu, trong đó quy định các cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải có đầy đủ hồ sơ, gồm giấy phép sản xuất rượu nhằm mục đích kinh doanh; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, hoặc hộ kinh doanh; giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật); giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bảng liệt kê tên hàng hóa rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa rượu mà tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc dự kiến sản xuất.

Tiêu huỷ rượu nhập lậu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ ở Bến Cầu- Ảnh minh hoạ.

Tuy nhiên, nhiều cơ sở nấu rượu có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu bán trong làng xóm nên chưa quan tâm làm các thủ tục theo quy định.

Bà Tư Thủy (ngụ ở xã Ninh Điền, huyện Châu Thành) cho hay, mỗi ngày nhà bà sản xuất khoảng 25-30 lít rượu, chủ yếu để bán lẻ tại nhà và bỏ mối cho một tiệm tạp hóa. Mỗi lít rượu lời từ 3.000-5.000 đồng tùy bán lẻ hay bỏ mối, ngoài ra bà còn tận dụng hèm rượu để nuôi heo, gà. “Quy định chỗ nấu rượu phải xin giấy phép tôi chưa nghe nói, nhưng nếu bắt buộc tôi sẽ làm”, bà Thủy nói.

Bà Nguyễn Thu Nga (chủ một cơ sở nấu rượu ở xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành) cho biết, cơ sở của bà đã hoàn tất các thủ tục về điều kiện đối với sản xuất rượu thủ công. Mỗi ngày, bà bỏ mối cho các điểm kinh doanh khoảng 30-40 lít rượu. Tại mỗi điểm kinh doanh, bà Nga luôn gửi kèm một tờ giấy chứng nhận VSATTP của cơ sở để chứng nhận nguồn gốc rượu với điểm kinh doanh đó.

N.D

Tin cùng chuyên mục