Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
67 tuổi, nhưng bà Nguyễn Thị Tuyết (khu phố 3, phường 3, thành phố Tây Ninh) vẫn còn đó những đam mê với công việc. Bà Tuyết không ngừng sáng tạo sau 40 năm làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật. Với bà, tuổi tác không bao giờ là trở ngại cho những sáng tạo và đam mê.
Bà Tuyết (giữa) trong đợt tham gia hội diễn tại tỉnh Điện Biên.
40 năm hoạt động lĩnh vực nghệ thuật quần chúng, bà Tuyết đã có nhiều kinh nghiệm để sáng tác, đạo diễn dàn dựng. Bà không thể nhớ hết đã sáng tác bao nhiêu tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm đoạt giải cao tại các hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc. Đầu thập niên 80, sau khi tốt nghiệp đại học Văn hoá Hà Nội, chuyên ngành đạo diễn, biên kịch, bà Tuyết từ Bắc vào Nam công tác. Bà chọn về Tây Ninh để làm việc tại Sở Văn hoá rồi Trung tâm Văn hoá tỉnh cho đến ngày nghỉ hưu.
Bà nói: “Mình phải nắm bắt thực tế thì sáng tác mới dễ truyền tải ý nghĩa đến người xem. Kịch càng có tính đời thường sẽ càng hay”.
Theo bà Tuyết, dù là sáng tác, biên đạo quần chúng chứ không phải chuyên nghiệp nhưng vẫn phải sáng tạo và không để lặp lại. Với mỗi ngành, khi sáng tác mình phải tự tiếp cận, tìm hiểu về chuyên môn để nắm rõ thực tế. Bên cạnh đó, người sáng tác phải biết “bắt nhịp” với cuộc sống, bởi “cuộc sống năm trước khác, có những trào lưu khác những năm sau”.
Người sáng tác kịch bản còn phải linh hoạt để biến đổi tình huống, tạo ra sự sâu sắc cho những tác phẩm của mình, mỗi nhân vật phải có nét riêng. Khi viết một kịch bản phải vận dụng nhiều sự kiện để sáng tác, quan trọng là truyền tải được ý nghĩa tuyên truyền. Để làm được điều này, người viết phải không ngừng học và đúc kết kinh nghiệm, cộng với niềm đam mê của bản thân.
Với bà Tuyết, khi điều kiện của mình không bằng các đơn vị bạn thì mình phải vận dụng những đặc trưng riêng, phù hợp để có sự mới lạ, thu hút người xem, đó là sự sáng tạo. Bà bộc bạch: “Từ những cố gắng đó sẽ mang lại những chiến thắng mà bản thân mình cảm thấy rất vui vì những thành quả, sáng tạo được công nhận. Việc dàn dựng với những diễn viên quần chúng thường có những khó khăn nên khi có thành quả niềm vui sẽ lớn hơn nhiều”.
Đến giờ, bà Tuyết luôn tự tin với nghề vì bà có tích luỹ hàng chục năm kinh nghiệm cộng với đam mê nghề nghiệp. Để giữ được niềm đam mê đó, bà luôn nghiêm túc suy nghĩ, sáng tạo, biết cái nào mới để đưa vào tác phẩm không lặp lại, không rập khuôn. Trong nghề nghiệp, nhiều lúc cũng gặp những khó khăn. Nhưng bà có những cách riêng để vượt qua khó khăn và hoàn thành nó ở mức độ có thể hài lòng hoặc tốt hơn.
Bà chia sẻ: “Đối với tôi không có tuổi nào là hạn chế về sự sáng tạo, chỉ có lười suy nghĩ, không đam mê mới không có sáng tạo, nhất là với ngành văn hoá nghệ thuật”. Bà cho biết thêm: “Có lẽ nhờ những sáng tạo, đam mê đó mà tôi thấy mình trẻ hơn, như khoẻ hơn để làm việc”. Có những lúc việc nhiều khiến bà quên ăn, quên ngủ để hoàn thành đúng hạn. Rồi những lúc rảnh rỗi, bà cùng bạn bè viếng chùa để tâm tĩnh lặng, tiếp tục suy nghĩ cho những lần sáng tác tiếp.
Bà Tuyết giới thiệu về sản phẩm mình làm ra
Năm 2011, khi về hưu, bà Tuyết thử thách mình với việc mở công ty chuyên trang trí hội trường, hội nghị… Lúc đó, dù đã ở tuổi 55, nhưng khi bước vào lĩnh vực mới, bà Tuyết luôn nỗ lực, học trên mạng, từ sánh, học hỏi từ bạn bè về thiết kế, vẽ trên máy vi tính để phục vụ công việc.
Bà Tuyết chia sẻ: “Trước kia khi làm đạo diễn, biên kịch, tôi chỉ sử dụng máy vi tính để viết kịch bản nhưng khi tổ chức sự kiện thì phải học thêm mảng thiết kế”. Đến nay, sau 11 năm làm nghề thiết kế, bà Tuyết có nhiều kinh nghiệm, tự tin hơn. Học thiết kế để in cờ, băng-rôn, trang trí, bà lại nghĩ ra in lên áo, ly, vật kỷ niệm và cái nào bà cũng dần thành thạo.
Nhờ có nghiệp vụ, thẩm mỹ nên những vật trang trí do bà Tuyết làm có nét riêng, được nhiều người chú ý. Mỗi năm, bà còn nhận may cờ trang trí cho các huyện dịp lễ, tết. Bà Tuyết chia sẻ, đã làm trong lĩnh vực sáng tạo thì dù trang trí hội nghị vẫn không thể đơn điệu mà vẫn phải luôn suy nghĩ, thiết kế sao cho phù hợp, tươi mới mà vẫn trang trọng, đúng chuẩn.
Dù đã lớn tuổi nhưng là người thích sáng tạo, bà Tuyết luôn làm việc với nhiệt huyết và đam mê vốn có, không bao giờ nghĩ mình có sự thua sút so với những người trẻ hơn vì bà nghĩ sáng tạo thì không kể tuổi tác. Và kinh nghiệm sống, làm nghề với bà còn được xem như lợi thế. Không chỉ giỏi nghề, bà Tuyết còn tích cực tham gia các hoạt động trong chi bộ, Hội LHPN phường 3 phát động; hằng tháng, bà còn tổ chức phát những bữa ăn từ thiện cho những người khó khăn.
Kết duyên với nghệ thuật quần chúng từ năm 16 tuổi, bà Tuyết trải qua việc làm diễn viên cải lương, rồi cán bộ thông tin, tuyên truyền, người sáng tác kịch bản, hiện tại thêm cả mảng thiết kế. Ở lĩnh vực nào bà cũng đều mang vào đó những đam mê để làm việc. Đến hôm nay, sau 40 năm hoạt động bà vẫn giữ được những đam mê như những ngày đầu và không ngừng học hỏi mỗi ngày. Với bà Tuyết, còn sức khoẻ thì sẽ còn sáng tạo vì nó mang lại cho bà nhiều niềm vui trong cuộc sống.
VI XUÂN