Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Còn chạy theo chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới
Thứ ba: 08:39 ngày 25/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Công tác đào tạo nghề hiện chưa gắn với việc làm dẫn đến một số lao động sau đào tạo chưa có việc làm ổn định, đào tạo còn hình thức để đạt chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới...

Chất lượng, hiệu quả của việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người dân hiện nay.

Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa IX, đại biểu HĐND tỉnh đặt vấn đề: “Thời gian qua, việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện có những hạn chế như: đào tạo còn hình thức để đạt chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới; đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu; chưa xây dựng mô hình đào tạo gắn với việc làm; đào tạo nhưng không sử dụng nghề được đào tạo… gây lãng phí ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề”.

Đại biểu đề nghị ngành chức năng cho biết trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp nào để khắc phục trong thời gian tới.

LĐNT làm nghề chổi ở phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh.

Trước ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) trả lời như sau: Giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã đào tạo được 28.005 người, (bình quân 5.601 người/năm). Năm 2016 đào tạo được 4.532 người. Năm 2017 đang triển khai thực hiện. Số lao động nông thôn (LĐNT) qua đào tạo có việc làm giai đoạn 2011-2015 là 20.869/28.005 người; năm 2016, số lao động có việc làm là 3.757/4.532 người.

Sau 6 năm thực hiện Đề án 1956, nhìn chung, công tác đào tạo nghề cho LĐNT bước đầu đã trang bị cho người lao động có tay nghề, có kỹ năng, kiến thức về khoa học kỹ thuật, sau đó tự tìm được việc làm phù hợp hoặc tự tạo việc làm góp phần cải thiện đời sống, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nhàn rỗi ở nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hóa.

Dù vậy, bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho LĐNT vẫn còn một số mặt hạn chế. Cụ thể như một số địa phương chưa quan tâm đến chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chưa quan tâm đến đối tượng học nghề, còn chạy theo chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới như cử tri và đại biểu đã phản ánh.

Đáng chú ý là một số cơ sở tham gia đào tạo nghề có cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo lạc hậu; trình độ, năng lực tay nghề của đội ngũ giáo viên vẫn chưa theo kịp yêu cầu.

Bên cạnh đó, người lao động tham gia học nghề còn hạn chế về trình độ, khả năng tiếp thu và ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Công tác đào tạo nghề hiện chưa gắn với việc làm dẫn đến một số lao động sau đào tạo chưa có việc làm ổn định, nhất là đào tạo nghề phi nông nghiệp.

Các địa phương chưa thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh về đào tạo nghề cho LĐNT “không tổ chức đào tạo nghề khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập” (Công văn số 326/UBND-VX ngày 5.2.2016).

LĐNT làm nghề rèn ở xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng.

Trên cơ sở kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2016-2020, Sở LĐTB&XH đề nghị UBND các huyện, thành phố lưu ý rà soát, cập nhật, bổ sung nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT theo yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong khả năng cân đối các nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề; làm rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo nghề đối với LĐNT, người khuyết tật, lao động nữ; đào tạo nghề nông nghiệp, nghề phi nông nghiệp hàng năm và 5 năm,  đảm bảo hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra.

Các địa phương cũng cần tổ chức đào tạo nghiệp vụ sư phạm đối với người được tuyển làm giáo viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp; đào tạo giáo viên giảng dạy kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp cho lao động nông thôn; tổ chức bồi dưỡng kỹ năng dạy học đối với người dạy nghề là nghệ nhân, nông dân sản xuất giỏi, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, người có tay nghề cao để tham gia đào tạo nghề cho LĐNT.

“Phải bảo đảm người khuyết tật chiếm ít nhất 10%, lao động nữ chiếm ít nhất 40% chỉ tiêu hỗ trợ đào tạo của địa phương và đảm bảo tỷ lệ số người học nghề nông nghiệp, nghề phi nông nghiệp để chuyển dịch cơ cấu lao động theo mục tiêu đã xác định của địa phương đến năm 2020.

Chỉ  tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề. Mặt khác, UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn”, Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết.

Hoàng Thi

Tin cùng chuyên mục