Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Để phục hồi kinh tế sau đại dịch, ngoài việc đẩy mạnh các giải pháp phát triển thị trường lao động, công tác hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động được chú trọng.
Chị Ngô Hồng Hạnh (phường 2- TP. Tây Ninh) học nghề pha chế tại Trung tâm TPA trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
KỊP THỜI CHI TRẢ TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP
Hơn 17 năm làm việc tại Công ty VMC Hoàng Gia, nay chị Tôn Phúc Hưởng (xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) phải nghỉ việc vì chăm con nhỏ. Phía công ty hướng dẫn chị đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh để được tư vấn thủ tục bảo hiểm thất nghiệp.
Chị Hưởng đã nhận trợ cấp thất nghiệp được 2 lần, với số tiền hơn 3,5 triệu đồng/tháng, thời gian nhận trợ cấp trong 12 tháng. Chị Hưởng cho biết số tiền đủ để trang trải tạm thời, sau khi cuộc sống ổn định, chị sẽ tìm việc làm.
Tương tự, chị Võ Kim Ngọc (xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu) được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp 2,6 triệu đồng/tháng, trong 10 tháng.
Chị Hưởng, chị Ngọc là 2 trường hợp điển hình trong hơn 2.000 lượt người đến Trung tâm DVVL thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tây Ninh mỗi ngày để làm các thủ tục liên quan chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tham gia phiên giao dịch việc làm, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm...
So với năm 2021, số người thất nghiệp trên toàn tỉnh tăng 156,56%, đây là con số báo động trước nhu cầu thị trường lao động hiện nay. Để tạo thuận lợi cho người lao động (NLĐ), tất cả các khoản tiền trợ cấp thất nghiệp đều được chi trả thông qua tài khoản cá nhân NLĐ thay vì phải trực tiếp đến các điểm bưu điện nhận tiền mặt, đồng thời khuyến khích NLĐ đăng ký thủ tục BHTN qua Cổng dịch vụ công tỉnh, trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo ông Lê Trường Thọ- Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Tây Ninh, để giảm tải, Trung tâm tổ chức 3 cơ sở tiếp nhận và trả kết quả tại KCN Trảng Bàng, KCN Phước Đông và chi nhánh tại Sở LĐ-TB&XH.
Song song đó, nhiều hoạt động cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách BHTN, tạo thuận lợi cho người lao động có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, chú trọng thực hiện nghiêm các quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết chế độ BHTN theo hướng đơn giản, thuận tiện, giảm bớt thời gian đi lại cho NLĐ.
CHÚ TRỌNG TƯ VẤN HỌC NGHỀ, GIỚI THIỆU VIỆC LÀM
Trung tâm đào tạo TPA là một trong các đơn vị phối hợp với Trung tâm DVVL triển khai đào tạo nghề cho NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ năm 2018. Theo bà Trương Thị Thanh Trúc- Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục TPA, từ đầu năm 2022, trung tâm nhận liên kết đào tạo cho 44 học viên là lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, đa số là lao động nữ học nghề nấu ăn (bếp), pha chế và làm bánh.
Sau khi hoàn thành khoá học (từ 3,5-6 tháng), NLĐ còn được giới thiệu việc làm tại các nhà hàng như Sunrise, Vinpearl, SunWorld... và các nhà hàng ẩm thực, quán cà phê trên địa bàn tỉnh.
“Hầu hết người lao động chọn học nghề bếp, pha chế và làm bánh vì đây là những nghề có thể kinh doanh tại nhà, cơ hội việc làm nhiều, thu nhập tương xứng. Từ năm 2018 đến nay, trung tâm đã liên kết đào tạo nghề cho hơn 100 lao động đang hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp”- bà Trúc nói.
Sau 9 năm làm việc tại Công ty Bình Linh, anh Lê Thanh Bình (xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu) xin nghỉ việc và hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp trong 9 tháng (2,8 triệu đồng/tháng). Thời gian này, anh Bình được trung tâm tư vấn học nghề lái xe ô tô hạng C, đồng thời hỗ trợ tiền học nghề trong 6 tháng (1,5 triệu đồng/tháng).
Anh Bình chia sẻ: “Trong thời gian thất nghiệp, tôi vừa học nghề, vừa đi làm hồ kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Số tiền trợ cấp hằng tháng, cộng với tiền hỗ trợ học nghề giúp tôi đỡ lo chi phí”. Anh Bình hy vọng sau khi có bằng nghề, có việc làm ổn định, cuộc sống gia đình sẽ khá hơn.
Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, anh Lê Thanh Bình (xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu) học nghề lái xe ô tô hạng C tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Tây Ninh.
Theo quy định, khi mất việc làm, NLĐ sẽ được hưởng 4 chế độ gồm: trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.
Từ đầu năm 2022, Trung tâm DVVL Tây Ninh đã giải quyết việc làm cho trên 1.907 lao động, tăng 148,3% so với cùng kỳ năm 2021, tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm với 56 đơn vị, doanh nghiệp, 4.300 lao động tham gia.
Theo ông Lê Trường Thọ, thị trường lao động cuối năm 2022 nhiều biến động, ngoài các giải pháp rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho NLĐ khi bị mất việc làm, triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ việc làm, xuất khẩu lao động, trung tâm tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương, đặc biệt tại khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh.
Ông Thọ cho biết thêm, NLĐ khi đến làm các thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm, trung tâm còn tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hỗ trợ học nghề. Bên cạnh đào tạo nghề lái xe hạng B2, hạng C, xe nâng hàng K2 tại chỗ, trung tâm còn liên kết với một số đơn vị, cơ sở đào tạo đa ngành nghề. Tất cả chi phí học nghề đều được Bảo hiểm xã hội (BHXH) hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng/người, trong thời gian tối đa 6 tháng.
Theo số liệu của BHXH Tây Ninh, tính đến hết tháng 10.2022, đơn vị đã phối hợp Trung tâm DVVL chi hỗ trợ học nghề cho 622 lượt lao động, với số tiền 930 triệu đồng; giải quyết hưởng chế độ BHTN cho 95.129 lượt NLĐ khi nghỉ việc, số tiền gần 308,4 tỷ đồng.
Trong đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân 3,2 triệu đồng/người/tháng. So với cùng kỳ năm 2021, cơ quan BHXH đã xét duyệt hơn 147.483/178.837 hồ sơ đề nghị trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Bên cạnh đó, BHXH Tây Ninh chi trả chế độ hỗ trợ từ nguồn kết dư Quỹ BHTN cho 214.870 lao động với số tiền trên 494,4 tỷ đồng theo Nghị quyết số 116/NQ-CP hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhằm “bù đắp” một phần hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, dẫn tới việc nhiều NLĐ mất việc làm, mất thu nhập.
Giang Nguyên Đông