Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông tạo đà phát triển kinh tế - xã hội
Chủ nhật: 23:02 ngày 22/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tỉnh rà soát, bổ sung quy hoạch mới các khu công nghiệp trên địa bàn; dự báo phân bố dân cư, lao động, phát triển các khu, cụm công nghiệp để đưa vào quy hoạch phát triển không gian, kiến trúc...

Cầu Bến Cây Ổi. Ảnh: Huỳnh Đông

Tây Ninh thuộc vùng Đông Nam bộ, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí là cửa ngõ kết nối Vùng với các nước trong khu vực ASEAN, là nơi giao nhau của hai hành lang vận tải Tây Nguyên - đồng bằng Sông Cửu Long và Campuchia - TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu, đặc biệt là cửa ngõ gần nhất kết nối TP. Hồ Chí Minh với thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Tỉnh có khoảng 8.260km đường bộ và hành lang vận tải thuỷ Tây Ninh - TP. Hồ Chí Minh - Bà Rịa-Vũng Tàu theo sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông.

Mạng lưới giao thông cơ bản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh

Theo Sở Giao thông Vận tải, trên địa bàn tỉnh hiện có 8.260km đường bộ, trong đó, có 3 tuyến quốc lộ (do Bộ GTVT quản lý) với tổng chiều dài khoảng 132km gồm: đường Xuyên Á (quốc lộ 22); quốc lộ 22B và quốc lộ 22B kéo dài; còn lại hệ thống đường địa phương khoảng 8.128km, trong đó: đường tỉnh quản lý có 35 tuyến, tổng chiều dài 734km; 187 tuyến đường cấp huyện, tổng chiều dài 1.020km và 450 tuyến đường trục chính đô thị, tổng chiều dài 404km, 2.127 tuyến đường xã, tổng chiều dài khoảng 3.889km và khoảng 2.000km là đường ấp, xóm, nội đồng.

Ngoài ra, có 2 tuyến vận tải đường thuỷ theo sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông với tổng chiều dài trên địa bàn tỉnh khoảng 140km, có 4 cảng thuỷ nội địa đang khai thác trên sông Vàm Cỏ Đông gồm: cảng Bến Kéo (cảng hàng hoá), cảng Thanh Phước (cảng hàng hoá), cảng xăng dầu LPG (cảng chuyên dùng), cảng Xi măng Fico (cảng chuyên dùng). Ngoài ra, còn có 134 bến thuỷ nội địa, (129 bến hàng hoá và 5 bến khách ngang sông).

Bên cạnh đó, tỉnh đang đầu tư Trung tâm logistics, cảng cạn và cảng tổng hợp Tây Ninh (xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng), quy mô 259 ha, dự kiến đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn 1 trước năm 2025; cảng thuỷ nội địa Thành Thành Công, dự kiến đưa vào khai thác sử dụng trước năm 2025.

Tuy nhiên, hạ tầng giao thông kết nối Tây Ninh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ít, có quy mô nhỏ, nhất là kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh gần như chỉ có tuyến quốc lộ 22, từ ngã tư An Sương đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, dài 59km, với quy mô đường cấp II, mặt đường rộng từ 16m đến 18m, hiện đã xuống cấp và quá tải.

Đây chính là điểm “nghẽn” hạn chế sự phát triển của tỉnh thời gian qua. Các tuyến giao thông do Bộ quản lý trên địa bàn tỉnh rất thấp, chiếm khoảng 1,6% mạng lưới đường bộ toàn tỉnh, được đầu tư lâu, quy mô nhỏ và đi xuyên qua các đô thị, khu dân cư; hiện nay đã không đáp ứng được nhu cầu vận tải. Ngoài ra, địa hình của tỉnh bị chia cắt bởi 2 tuyến sông và hồ Dầu Tiếng, cần có nguồn lực lớn để đầu tư các công trình cầu kết nối hai bờ.

Tuyến đường quanh bờ hồ đã được làm mới. Ảnh: ĐHT

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015), lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) và lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông là một trong các chương trình đột phá của tỉnh (cùng với phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin).

Hệ thống hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Những năm qua, Tây Ninh đặc biệt quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo thuận lợi kết nối liên tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Tấn Tài- Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, giai đoạn 2016-2022, tỉnh đã triển khai 38 dự án với tổng vốn đầu tư 5.973 tỷ đồng, trong đó tổng vốn đầu tư từ ngân sách địa phương khoảng 4.147 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 1.826 tỷ đồng.

Đến nay, nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư như: Đường tỉnh ĐT.788; đường ĐT.794 (giai đoạn 1); đường Kà Tum - Tân Hà; đường ĐT.781 từ ngã tư Tân Hưng - ngã ba Bờ Hồ kết nối tỉnh Bình Dương; đường Phước Vinh - Sóc Thiết - Tà Xia; đường ĐT.790 nối dài đến hồ Dầu Tiếng; đường ĐT.793 (từ ngã tư Tân Bình đi cửa khẩu Chàng Riệc); đường Điện Biên Phủ; đường 30.4; đường Lý Thường Kiệt; đường Nguyễn Văn Linh; đường Trưng Nữ Vương, đường Trần Phú… Đặc biệt, kết nối hai bờ sông Vàm Cỏ Đông có 7 cầu (trong đó, các công trình cầu đầu tư sau này: cầu Bến Đình; cầu Bến Cây Ổi, cầu Phước Trung, cầu An Hoà); kết nối hai bờ sông Sài Gòn có 5 cầu (trong đó dự án cầu bắc qua sông Thị Tính kết nối Tây Ninh với Bình Dương mới hoàn thành).

Nhiều dự án trọng điểm đang trong giai đoạn thi công như: Đường 782-784 từ Trảng Bàng đến ngã tư Tân Bình; đường và cầu kết nối Tây Ninh - Bình Dương; đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789, đường 782-784, 794, 795; Trung tâm logistics, cảng cạn và cảng tổng hợp Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng (quy mô 259 ha), cảng cạn Mộc Bài, cảng cạn Thanh Phước...

Việc Tây Ninh tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông và các dự án đường, cầu trọng điểm đi vào hoạt động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cảng Bến Kéo. Ảnh: Huỳnh Đông

Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông liên kết vùng

Trên cơ sở các quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tây Ninh đang tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, tỉnh rà soát, bổ sung quy hoạch mới các khu công nghiệp trên địa bàn; dự báo phân bố dân cư, lao động, phát triển các khu, cụm công nghiệp để đưa vào quy hoạch phát triển không gian, kiến trúc, trong đó có các đô thị dọc tuyến; thu hút vốn đầu tư xã hội cho phát triển đô thị mà không gây áp lực lên hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội vùng “lõi”, đồng thời tạo nguồn thu tái đầu tư phát triển; xây dựng đề án tạo động lực mới phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát.

Theo Sở Giao thông Vận tải, các quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã mở ra cơ hội liên kết Vùng cho tỉnh, với tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài (đang được TP.Hồ Chí Minh và Tây Ninh phối hợp đầu tư giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe, dự kiến khởi công năm 2024, hoàn thành năm 2027); cao tốc Gò Dầu - Xa Mát được Thủ tướng Chính phủ giao Tây Ninh làm cơ quan có thẩm quyền đầu tư giai đoạn 1, quy mô 4 làn xe (dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2027); cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà), được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô đường cấp III, dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2025; quy hoạch 5 tuyến quốc lộ, với tổng chiều dài đoạn qua tỉnh khoảng 474km gồm: quốc lộ 22 (đường Xuyên Á), 22B, 22C, 14C, 56B.

Bên cạnh đó, tỉnh đã và đang đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm kết nối với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Long An như: Đường và cầu kết nối Tây Ninh - Bình Dương, đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789, đường 782-784, 794, 795, cầu An Hoà, Trung tâm logistics, cảng cạn và cảng tổng hợp Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng (quy mô 259 ha), cảng cạn Mộc Bài, cảng cạn Thanh Phước...

Thi công hệ thống thoát nước trên tuyến đường Trần Văn Trà, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh. Ảnh: Hà Nam

Song song đó, tỉnh quy hoạch xây dựng mới 11 cầu bắc qua sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông trên các tuyến đường quy hoạch, trong đó: sông Sài Gòn: quy hoạch mới 3 cầu kết nối Tây Ninh với Bình Dương (bao gồm: cầu Cây Me kết nối đường 782 đến đường 744; cầu Phước Đông kết nối đường trục chính KCN Phước Đông - Bời Lời đến đường tỉnh 744 (Bình Dương); cầu Thanh An trên đường Hồ Chí Minh); nâng tổng số cầu bắc qua sông Sài Gòn là 6 cầu.

Sông Vàm Cỏ Đông quy hoạch mới 8 cầu gồm: cầu Băng Dung kết nối xã Biên Giới với xã Phước Vinh; cầu Bến Trường, kết nối xã Hoà Hội với xã Hảo Đước; cầu Ninh Điền kết nối xã Ninh Điền với xã Thanh Điền trên tuyến quy hoạch mới đường tỉnh 796B (huyện Châu Thành); cầu Trường Đông kết nối xã Long Vĩnh của huyện Châu Thành với xã Trường Đông của thị xã Hoà Thành trên tuyến quy hoạch mới đường 786C; cầu Thạnh Đức kết nối thị trấn Bến Cầu với xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, trên tuyến quy hoạch mới đường 789B; cầu Hiệp Thạnh, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu với xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, trên tuyến quy hoạch mới đường 782B; cầu trên đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và cầu Phước Chỉ - Lộc Giang kết nối xã Lộc Giang, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An với xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng; nâng tổng số cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông là 15 cầu.

Đường mới. Ảnh: Lê Văn Hải

Về đường thuỷ nội địa, Tây Ninh phối hợp với các địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Long An) đề xuất, kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan quy hoạch, công bố luồng đường thuỷ nội địa trên hồ Dầu Tiếng phục vụ nhu cầu vận tải của các địa phương và phát triển du lịch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trên luồng đường thuỷ nội địa quốc gia sông Sài Gòn, nâng cao tĩnh không cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 để bảo đảm chuẩn tắc luồng chạy tàu theo quy hoạch luồng sông Sài Gòn.

Các dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông của tỉnh, giúp kết nối thuận lợi, thông suốt với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đây cũng là các trục phát triển kinh tế chính của tỉnh về công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch, trung tâm là thành phố Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và Dương Minh Châu có điều kiện về quỹ đất, thuận lợi cho việc thu hút lao động và kết nối thị trường với các trung tâm kinh tế của Vùng, trọng tâm là TP. Hồ Chí Minh.

M.D

Tin cùng chuyên mục