Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Có thể thấy việc nhiều đầu nậu lợi dụng việc “hiến đất làm đường” hoặc tự ý nâng cấp đường nông thôn là một trong những yếu tố tạo sốt đất ảo ở vùng nông thôn, nhằm “xẻ thịt” đất nông nghiệp thực hiện việc phân lô, bán nền, gây ra nhiều hệ luỵ đáng tiếc.
Những con đường nông thôn chỉ cần giới đầu nậu đất “ nâng cấp” lên một đoạn tại khu đất, cộng với việc tung chiêu quảng cáo theo kịch bản là có thể thực hiện việc phân lô, bán nền ( ảnh chụp tại một khu đất nông nghiệp bị “ xẻ thịt” trên địa bàn thị xã Trảng Bàng).
NÂNG CẤP, MỞ RỘNG ĐƯỜNG- KẼ HỞ ĐỂ “XẺ THỊT” ĐẤT NÔNG NGHIỆP
Thời gian qua, Báo Tây Ninh đã có nhiều bài viết về việc các đầu nậu đất sử dụng chiêu trò nâng cấp, mở rộng đường hiện trạng như ủi lại một đoạn đường trước khu đất thực hiện phân lô, bán nền, rồi cho đổ đá mi lên mặt đường, trồng hàng trụ điện… để “lên đời” cho các khu đất nông nghiệp.
Vấn đề là vì sao không ít địa phương lại dễ dàng cho các đầu nậu nâng cấp, mở rộng đường một cách dễ dàng như vậy? Theo tìm hiểu tại một số địa phương, dường như các cá nhân có nhu cầu nâng cấp, mở rộng đường, dù liên quan đến vấn đề quyền sử dụng đất (đối với các cá nhân xin trả lại đất để mở rộng đường) nhưng thủ tục đơn giản đến mức không ngờ.
Trưởng ấp chỉ cần họp các hộ dân để thống nhất nâng cấp, mở rộng con đường, sau đó trưởng ấp đem hồ sơ gồm đơn xin nâng cấp đường hay nâng cấp mở rộng đường của cá nhân lên nộp UBND cấp xã xem xét cho ý kiến (đối với các đầu nậu chịu đầu tư nâng cấp nguyên tuyến đường). Cũng có trường hợp, cá nhân chỉ nâng cấp, mở rộng đường theo chiều dài phần đất của mình. Trường hợp này đơn giản hơn nhiều, hồ sơ chỉ cần đơn của cá nhân, trưởng ấp xác nhận… rồi mang lên UBND xã.
Trong quá trình tìm hiểu vấn đề “xẻ thịt” đất nông nghiệp để phân lô, bán nền, dù phóng viên đi theo sự hướng dẫn của “cò” đất, nhưng đường vào khu đất rất khó đi, không rộng đẹp như hình ảnh quảng cáo trên mạng xã hội. Chỉ đến khi đi vào khu đất mới có con đường đổ đá mi, trồng trụ điện… và không biết bao giờ những khu đất như thế này mới trở thành khu dân cư, tăng giá trị gấp nhiều lần như quảng cáo của cò đất trên mạng xã hội.
Thực tế cho thấy, chỉ cần nơi nào mà đầu nậu nâng cấp hoặc mở rộng một vài tuyến đường sẽ tạo nên cơn sốt đất ở vùng quê. Không ít nông dân không còn chú trọng đến việc canh tác nông nghiệp mà chuyển sang làm “cò đất” vì “công việc nhẹ hưởng thu nhập cao".
Lãnh đạo địa phương cho rằng việc người dân có nguyện vọng nâng cấp đường giao thông hiện hữu là tốt (đối với các tuyến đường đầu nậu nâng cấp cả tuyến), phục vụ cho việc vận chuyển nông sản, đi lại của người dân. Còn việc đầu nậu thực hiện tách thửa đúng quy định của tỉnh nên địa phương không thể ngăn chặn.
Đối với trường hợp cá nhân tự ý nâng cấp, mở rộng con đường phía trước khu đất, địa phương đang xem xét. Do cá nhân này tự ý nâng cấp vào các ngày nghỉ trong tuần, đến khi địa phương phát hiện thì chuyện đã rồi. Sau khi chúng tôi phản ánh, các địa phương đã vào cuộc xử lý, buộc khôi phục hiện trạng diện tích tự ý mở rộng đường.
KHÔNG THỂ BUÔNG LỎNG
Thời gian qua, các cơ quan có thẩm quyền trong tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm bảo đảm việc “hiến đất làm đường” đúng ý nghĩa, không để đầu nậu đất lợi dụng để “xẻ thịt” đất nông nghiệp.
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Sở này đã ban hành văn bản kiến nghị đối với các trường hợp người sử dụng đất tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước sử dụng vào mục đích làm đường giao thông.
Cụ thể đối với trường hợp phù hợp với quy hoạch, người sử dụng đất tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước sử dụng vào mục đích làm đường giao thông phù hợp với các quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt như quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành giao thông và quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất.
Riêng đối với trường hợp chưa có quy hoạch gồm trường hợp mở rộng tuyến hiện hữu, người sử dụng đất tặng cho quyền sử dụng đất để mở rộng đường giao thông hiện hữu (đường hiện hữu có bề rộng mặt cắt ngang đường nhỏ, hẹp).
Trường hợp nối thông 2 tuyến đường hiện hữu, người sử dụng đất tặng cho quyền sử dụng đất để làm đường kết nối thông hai tuyến đường giao thông hiện hữu (nếu 2 tuyến đường giao thông hiện hữu có lộ giới khác nhau thì đường giao thông mở mới để thông tuyến phải có lộ giới tối thiểu bằng tuyến đường hiện hữu có lộ giới nhỏ nhất).
Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và UBND cấp huyện để tiếp nhận đất tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước sử dụng vào mục đích làm đường giao thông đối với các tuyến đường tỉnh quản lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp chưa có quy hoạch thì thực hiện bổ sung các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành giao thông và quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và thực hiện thủ tục hành chính về đất đai có liên quan.
UBND cấp huyện, thị xã, thành phố phối hợp các đơn vị có liên quan để tiếp nhận đất tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước sử dụng vào mục đích làm đường giao thông đối với các tuyến đường huyện, xã, đường giao thông nông thôn do địa phương quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp chưa có quy hoạch thì thực hiện bổ sung các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành giao thông và quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và thực hiện thủ tục hành chính về đất đai có liên quan.
Bên cạnh đó, vấn đề “hiến đất" mở đường mới hay mở rộng đường, Sở GTVT cũng lưu ý các vấn đề về bảo đảm an toàn giao thông.
Hy vọng những kiến nghị của ngành GTVT, cùng các sở, ngành tỉnh, quy định trình tự thủ tục “hiến đất làm đường” sẽ sớm được tỉnh ban hành. Khi đó, việc hiến đất làm đường- một chủ trương đúng đắn của Nhà nước sẽ được người dân ủng hộ, chung tay đóng góp; không còn tình trạng đầu nậu đất lợi dụng yếu tố này để phân lô, bán nền.
T.P