Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý:
Đề nghị cân nhắc đổi tên Luật Di sản văn hoá thành Luật Di sản
Thứ năm: 06:38 ngày 29/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, chiều 27.8, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Di sản văn hoá (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận.

Toàn cảnh hội nghị chiều 27.8

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã xem xét, thảo luận về Luật Di sản văn hoá (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp thứ 7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan có liên quan tổ chức hội thảo và tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.

Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương và 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo luật trình tại kỳ họp thứ 7. Dự thảo luật đã làm rõ, cụ thể hơn nhiều quy định so với dự thảo luật trình, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi), đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý- Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị cân nhắc việc giữ tên gọi hiện tại là Luật Di sản văn hoá hay đổi tên thành Luật Di sản. Theo đại biểu, trong Luật Di sản văn hoá hiện hành dùng thuật ngữ "danh lam, thắng cảnh" để diễn tả cảnh quan thiên nhiên, địa điểm có sự kết hợp với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, khoa học, thẩm mỹ. Trong khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lại tồn tại khái niệm là "di sản thiên nhiên", mà ở đó danh lam, thắng cảnh được xem là một bộ phận của di sản thiên nhiên.

Theo đại biểu Thuý, nhóm từ "danh lam, thắng cảnh" đang được sử dụng chủ yếu trong tập quán, còn quan niệm mới về di sản thực ra được mở rộng, phù hợp với nhận thức chung của nhân loại. Di sản thiên nhiên là một bộ phận hữu cơ của kho tàng di sản gắn liền với sự sáng tạo văn hoá của con người, hơn nữa được con người phát hiện và tiếp nhận thông qua lăng kính của văn hoá, được văn hoá hoá. Chính vì vậy, đại biểu Thuý đề nghị nên nghiên cứu sửa đổi tên gọi dự thảo Luật Di sản văn hoá thành Luật Di sản. Điều này phù hợp với quan điểm của UNESCO ngày nay và phù hợp với tên gọi của Công ước di sản thế giới năm 1972, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có phạm vi điều chỉnh bao gồm cả di sản thiên nhiên và di sản văn hoá.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành hội nghị.

Đại biểu Thuý cũng đồng tình với ý kiến đề nghị xem xét bổ sung di sản địa chất vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Vì hiện nay di sản địa chất đang được đưa vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, được giải thích là tập hợp một hoặc nhiều di sản địa chất được công nhận xếp hạng. Di sản địa chất được hiểu là tập hợp các dấu hiệu, đặc điểm của các hoạt động địa chất có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế ở một khu vực xác định trên mặt hoặc trong lòng đất, được phát hiện và ghi nhận trong quá trình điều tra địa chất.

Về các loại hình di sản văn hoá thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đại biểu Thuý cho biết, dự thảo luật xác định di sản văn hoá bao gồm 3 loại: di sản văn hoá phi vật thể, di sản văn hoá vật thể, di sản tư liệu là chưa phù hợp và có sự trùng lặp.

Góp ý về khái niệm là di tích hỗn hợp tại khoản 3 Điều 21 của dự thảo luật, đại biểu Thuý cho biết, ở nước ta quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình là trường hợp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hoá hỗn hợp thế giới. Nước ta còn nhiều di tích, danh thắng có thể phát triển thành mô hình di sản hỗn hợp như vậy, do đó, đại biểu Thuý đề nghị cân nhắc để bổ sung và làm rõ khái niệm "di sản hỗn hợp" trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý- Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phát biểu tại hội nghị.

Về di sản văn hoá dưới nước, đại biểu Thuý nhấn mạnh, trước đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2005/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ di sản dưới nước, nhưng trong dự thảo Luật Di sản văn hoá lần này không thấy đề cập đến di sản văn hoá dưới nước. Trong khi đó, di sản văn hoá dưới nước là một bộ phận cấu thành quan trọng của di sản văn hoá vật thể nói riêng và di sản văn hoá nói chung, bao gồm các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, các di tích, công trình xây dựng, địa điểm di tích, cổ vật ở dưới nước có liên quan đến nguồn gốc của loài người đã được con người sử dụng cùng với các hiện trường tự nhiên và khảo cổ học xung quanh chúng ta nằm trong các vùng nước nội địa, nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung các quy định về di sản văn hoá dưới nước trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật để có cơ sở pháp lý giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dưới nước, trách nhiệm và mối quan hệ giữa các bộ, ngành, UBND các cấp trong việc thực hiện quản lý và bảo vệ di sản văn hoá dưới nước.

Tố Tuấn - Thanh Trung (lược ghi)

Tin cùng chuyên mục