Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đề nghị kéo dài thêm lộ trình tính lương hưu cho nữ theo công thức cũ
Thứ năm: 08:20 ngày 02/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 1.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI- Ảnh: Báo Nhân dân.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) đặt vấn đề tại sao hạ tỷ lệ được hưởng lương hưu của phụ nữ từ 3% xuống 2% từ 1.1.2018.

Ông Lợi cho hay, Luật năm 2006 quy định sau năm 2016 trở đi thì nam là 2%, nữ được ưu tiên 3%. Đến luật năm 2014 quy định nam và nữ đều là 2%. Vì lẽ đó nên 1.1.2018 nếu phụ nữ về hưu thì bị giảm trừ.

Theo đại biểu, đánh giá tác động cho thấy đến năm 2016 nữ giới có số năm đóng bảo hiểm xã hội bình quân 28,8 năm và nghỉ hưu ở độ tuổi 54,1, tức là cận kề với tuổi 55. Nhưng nam giới thì đóng bảo hiểm xã hội bình quân được 32 năm và nghỉ hưu ở tuổi 57. Do đó, nếu bình quân thì phụ nữ giảm từ 3% xuống 2% thì giảm sút mất 4% tiền lương nên tác động là không lớn.

Đại biểu cho rằng, đánh giá tác động đến năm 2016 nữ có số năm đóng bảo hiểm xã hội bình quân 28,8 năm và nghỉ hưu ở độ tuổi 54,1, tức là cận kề với tuổi 55. Đến ngày 1.1.2018 chúng ta có khoảng 50.000 phụ nữ dự kiến về hưu, trong đó có 21.000 phụ nữ đóng bảo hiểm xã hội đến dưới 30 năm và số người chịu tác động lớn nhất từ 5% đến 10% có 4.000 người.

Nếu ta kéo dài lộ trình cho phụ nữ thêm 5 năm để hưởng đúng theo 3%, không phải là 2% như trước đây thì tác động đến quỹ bảo hiểm xã hội cũng không lớn. Do đó đại biểu đề nghị cho kéo dài thêm một số năm tính theo công thức cũ để phụ nữ đỡ phải thiệt thòi so với nam giới.

Về vấn đề môi trường, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) băn khoăn về tính xác thực của số liệu đánh giá chỉ tiêu môi trường. Theo báo cáo của Chính phủ, chỉ tiêu tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, năm 2016 đạt 86%, năm 2017 đạt 87%, năm 2018 kế hoạch là 88%.

Như vậy, mỗi năm chỉ tiêu này đều tăng ở mức 1%. Trong khi đó Bộ Tài nguyên-Môi trường có Báo cáo số 4974 ngày 21.9.2017 về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường năm 2017, trong đó có nêu: "hiện nay tỷ lệ khu công nghiệp trong cả nước có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn là 76%".

Tại kỳ họp này Bộ Tài nguyên-Môi trường cũng đã có báo cáo gửi đến các ĐBQH về kết quả thực hiện trả lời chất vấn, trong đó nêu rõ: "tính đến tháng 9/2017 cả nước có thêm 4 khu công nghiệp, nâng tổng số khu công nghiệp đang hoạt động đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 216/283 khu công nghiệp, đạt tỷ lệ 76%, còn lại 67 khu công nghiệp chưa hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung…”.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, kế hoạch chỉ tiêu tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường năm 2017 là 87% và 2018 dự kiến 88% là vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, bởi lẽ 12%, 13% khu chế xuất, khu công nghiệp đó nếu như không có hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo được kiểm định về môi trường là vi phạm luật.

Đại biểu đề nghị kế hoạch, chiến lược đã đặt ra cần phải sửa để phù hợp với luật. Việc giám sát những khu công nghiệp, khu chế xuất được phép xả thải như thế nào? Từng nhà máy, đơn vị sản xuất trong khu công nghệp, khu chế xuất, nếu có xả thải ra môi trường thì buộc phải kiểm định theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường...

Ngoài ra, các đại biểu còn tập trung thảo luận về thực trạng và các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng; vai trò của chính sách khoa học, công nghệ; các giải pháp bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước; phát triển kết cấu hạ tầng, chiến lược logistic; phát triển nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; chính sách an sinh xã hội; xây dựng xã hội học tập; chiến lược bảo vệ môi trường và vấn đề môi trường ở các khu công nghiệp; thực trạng và giải pháp trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch; vấn đề cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ kiến tạo, tinh giản bộ máy; vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng tham gia giải trình, làm rõ các vấn đề ĐBQH quan tâm.

Hôm nay (2.11), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và thảo luận về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Kim Chi

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục