Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Di huấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Thứ ba: 19:22 ngày 23/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Với quan điểm, tư tưởng và hoạt động thực tiễn xuyên suốt và thống nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại dấu ấn đặc sắc, góp phần tiếp tục bồi đắp hệ thống lý luận về công tác cán bộ, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1949 - 2019) 

Xuất phát từ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khẳng định lại tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh: Xây dựng Đảng về công tác cán bộ “qua thực tiễn ngày càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc công việc, là then chốt của then chốt”.

Bởi vậy, đây là nội dung lớn, cốt lõi, là những trăn trở, suy nghĩ và cũng là quyết tâm trong hành động của người đứng đầu Đảng ta trong những năm qua. Trong đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là đào tạo về lý luận chính trị.

Thứ nhất, về mục tiêu và nhiệm vụ của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1949 - 2019), Đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh đến mục tiêu, nhiệm vụ, vai trò, trọng trách to lớn của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho Đảng và toàn hệ thống chính trị. Đó là: phải “đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho Đảng và toàn hệ thống chính trị thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, ngang tầm nhiệm vụ, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với sự nghiệp cách mạng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”; cần “coi trọng việc giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng và rèn luyện tác phong chuẩn mực cho đội ngũ học viên”; “khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị, học để đối phó, học cốt để lấy bằng cấp trong Đảng và xã hội”; đồng thời “vừa trang bị tầm nhìn, tư duy chiến lược, phương pháp làm việc, vừa gắn với việc xử lý các tình huống phát sinh trong thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị và đất nước”[1].

Những tư tưởng về mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên đã thể hiện được những yêu cầu cốt lõi, trọng tâm và đặc thù của công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, vừa mang tầm chiến lược nhưng cũng rất cụ thể. Những quan điểm đó vừa là sự kế thừa giá trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa phản ánh vấn đề đặt lớn đặt ra của thực tiễn học tập và nghiên cứu lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ trong Đảng.

Những yêu cầu về mục tiêu, nhiệm vụ của công tác bồi dưỡng lý luận chính trị cũng chính là đòi hỏi, trăn trở của đồng chí Tổng Bí thư về phẩm chất, năng lực của người cán bộ thời đại mới. Đó là những yêu cầu vừa mang tính toàn diện, cả về phẩm chất và năng lực, nhưng nhấn mạnh trên hết và trước hết về bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng của người cán bộ. Đây là quan điểm nhất quán của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trăn trở về công tác nhân sự của Đảng, nhất là nhân sự cho Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở phải bảo đảm các yêu cầu, tiêu chuẩn, tựu trung lại phải lựa chọn người vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc, bởi “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Phẩm chất đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị của người cán bộ được đồng chí Tổng Bí thư thường xuyên luận bàn là: Tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia, dân tộc. Có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, gắn bó mật thiết với nhân dân, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động[2]. Bồi dưỡng bản lĩnh và đạo đức cách mạng trên chính là nhiệm vụ trọng tâm của công tác bồi dưỡng lý luận chính trị thông qua việc giảng dạy, nghiên cứu sâu sắc về nền tảng tư tưởng của Đảng, đường lối chiến lược cách mạng của Đảng một cách khách quan, khoa học.

Bên cạnh đó, bồi dưỡng năng lực của người lãnh đạo, quản lý đòi hỏi cần phải có với những tiêu chí cụ thể cũng đã được đặt ra từ nhiệm vụ của công tác bồi dưỡng lý luận chính trị: Người lãnh đạo cần phải có tầm nhìn chiến lược, có phương pháp làm việc và có năng lực hoạt động thực tiễn. Công tác bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị cũng phải coi trọng mục tiêu này.

Đặc biệt, từ những yêu cầu về nhiệm vụ của công tác bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra thực trạng ngại học, lười học lý luận chính tri, học để đối phó, học để lấy bằng cấp trong một bộ phận cán bộ, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị. Cũng chính bởi vậy, nhìn nhận rõ những yếu kém, khuyết điểm trong Đảng, những “thói hư tật xấu” trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”, Tổng Bí thư đã chỉ rõ nguyên nhân chính là “do nguyên nhân chủ quan, do lỗi của chúng ta; do sự yếu kém, thiếu kiên quyết trong công tác giáo dục, lãnh đạo, quản lý các cấp”[3].

Những mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên được đồng chí Tổng Bí thư đặt ra chính là trọng trách, yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng trong việc góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, phát triển toàn diện cả về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và năng lực công tác của người cán bộ trong bối cảnh mới, là cơ sở để các cơ sở bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ của Đảng, của cả hệ thống chính trị trên phạm vi cả nước xây dựng mục tiêu của từng môn học cũng như trong quá trình tổ chức chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

Thứ hai, những yêu cầu đối với công tác bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị

Bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay có nhiều thay đổi, đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, với những yếu tố mới. Đồng thời, bên cạnh những kết quả to lớn, thực tiễn cho thấy công tác đào tạo cán bộ, trong đó có đào tạo về lý luận chính trị vẫn còn những hạn chế, chưa ngang tầm nhiệm vụ. Đây cũng chính là những đau đáu của đồng chí Tổng Bí thư. Bởi vậy, để đáp ứng được trọng trách lớn lao, nhất là trong bối cảnh, tình hình mới, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có những yêu cầu, chia sẻ, nhắn nhủ đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên làm công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Trước hết, cần “tăng cường yêu cầu về kỷ cương, kỷ luật học đường”. Đây có thể nói là phương thức quan trọng hàng đầu trong công tác huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ, trong đó có bồi dưỡng về lý luận chính trị. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong đào tạo để đạt được hiệu quả cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ, góp phần hình thành đội ngũ cán bộ cho Đảng có đầy đủ bản lĩnh, tôn chỉ quy định và lợi ích trên hết, trước hết của tập thể, khắc phục bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị, bởi thực hiện kỷ cương, kỷ luật tốt trong công tác đào tạo cán bộ sẽ góp phần rèn luyện tính kỷ cương, kỷ luật trong công tác cho chính đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của đất nước.

Đặc biệt, để thực hiện một cách hiệu quả mục tiêu và nhiệm vụ của công tác đào tạo, thì đội ngũ cán bộ, giảng viên giữ vai trò nòng cốt, Bởi vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra những yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học, cán bộ quản lý thực hiện công tác bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị, phải có “tài năng, bản lĩnh, lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, được đào tạo cơ bản, chuyên sâu về lý luận, có phương pháp sư phạm và am hiểu thực tiễn”[4]. Đồng thời, mỗi giảng viên lý luận chính trị cũng phải là những nhà khoa học giỏi để không ngừng củng cố, bồi đắp, sáng tạo tri thức.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc nhở phải “chú trọng công tác tổng kết thực tiễn và khái quát, nâng lên tầm lý luận”, có như vậy, những tri thức lý luận chính trị càng khẳng định sự hấp dẫn và giá trị của nó, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của giáo dục lý luận chính trị trong việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, năng lực công tác của người cán bộ, để việc nghiên cứu và học tập lý luận chính trị được thực hiện tự giác, chủ động, tích cực.

Với quan điểm, tư tưởng và hoạt động thực tiễn xuyên suốt và thống nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại dấu ấn đặc sắc, góp phần tiếp tục bồi đắp hệ thống lý luận về công tác cán bộ, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, để tiếp tục khẳng định: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Không chỉ để lại những di huấn sâu sắc, chính cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng, tiêu biểu của một nhà lãnh đạo đất nước vừa kết tinh những giá trị bền vững về cốt cách, phẩm chất, trí tuệ, bản lĩnh, uy tín trong một bối cảnh mới của thời đại hòa bình, đổi mới, phát triển. Đồng thời, đồng chí cũng là một tấm gương lớn của một nhà đào tạo, huấn luyện cán bộ với tư duy khái quát lý luận và năng lực tổng kết thực tiễn xuất sắc.

Trái tim ấy nay đã ngừng nhịp đập, nhưng nhân cách lớn vẫn đang tiếp tục tỏa sáng. Sự tận tâm, tận tụy và một lòng đau đáu cho sự nghiệp cách đào tạo, huấn luyện, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ của Đảng và đất nước của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ luôn là động lực để mỗi người làm công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ càng phải suy ngẫm để có ý thức và hành động tốt hơn, mà trước hết là tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong sự nghiệp cao cả và vinh quang của mình, trước những điều kiện, bối cảnh có nhiều thuận lợi, nhưng cũng bộn bề những thách thức, khó khăn.

---------------------------------------

Chú thích:

[1] Bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1949 - 2019)

[2] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.346

[3] https://dangcongsan.vn/thoi-su/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-luon-danh-su-quan-tam-dac-biet-den-cong-tac-xay-dung-chinh-don-dang-673023.html

[4] Trích bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1949 - 2019)

TS Nguyễn Thị Hoa, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn ĐCSVN

Tin cùng chuyên mục