Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đi qua chợ chiều phường IV vào dịp đầu năm mới 2018, khoảng 4 đến 5 giờ chiều, ta thường gặp những gánh hàng rau nho nhỏ. Trên mẹt bày hàng thường có những bó rau mượt xanh lốm đốm hoa vàng.
Cải hoa vàng.
Thưa, đấy là hoa cải ngồng! Cô bán hàng rất trẻ, trả lời thẽ thọt khi khách hàng ghé lại hỏi thăm. Cô khoác ngoài chiếc áo màu thâm nên không rõ áo bên trong màu gì. Nhưng nhờ thế mà bên cô, những bó hoa rau ấy càng thêm tươi như màu nắng. Tôi chợt nhớ về những khoảng trời đầy hoa cải bên sông.
Đấy là khung trời cố hương của những người quê Bắc, quê Trung. Trên VTV gần đây có đưa tin về mùa hoa cải trên bãi sông Hồng ngay giữa lòng Hà Nội, nam thanh nữ tú ngoài ấy không chỉ đi xem, chụp hình các vườn hoa Ngọc Hà hay vườn đào Nhật Tân… mà còn đổ xô đến những vườn hoa cải. Dường như những năm gần đây, người thành phố lớn rất thèm hoa.
Còn miền Trung? Dù không phải quê ở đấy nhưng tôi cứ tin là những bờ bãi sông Ba, sông Thu Bồn cũng rất nhiều vườn cải ven sông. Để đến cuối năm hoa lại rực vàng, in dấu nhớ trong lòng người xa xứ. Còn chưa gặp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lần nào. Để hỏi: cái “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của anh có phải cũng từ màu hoa cải hay không?
Nỗi nhớ ấy cũng ám vào tôi, để buộc tôi phải đi tìm những vườn hoa cải. Thoạt đầu, định tới xã Bình Minh, bởi có quá nửa các bà, các chị bán rau ở chợ phường 3 là người Bình Minh, xã ven Thành phố. Họ vừa buôn bán, vừa tự trồng rau để bán. Gặp khách quen á! Họ thường dúi thêm cho mấy cọng hành hoặc nắm rau sam, rau diệu. Bảo: “Em thêm cho bác mấy thứ rau sạch vườn nhà trồng lấy để ăn”.
Nhưng mấy cô bán rau lại chỉ lên Trảng Lớn! Vì rau cải Bình Minh chẳng có ai trồng. Trảng Lớn lại càng gần. Cứ theo Cách Mạng Tháng 8 thẳng lên lối Châu Thành. Đến nơi có những nhà thờ Phong Cốc, Kiên Long thì rẽ ngang. Trong các xóm ven lộ ấy, nhà nào mà chẳng trồng rau. Có một cụ ông đang dọn dẹp cửa tiệm mặt đường dặn tôi kỹ càng như thế.
Đến đây, cần phải ngẫm nghĩ về địa danh Trảng Lớn. Ở đấy, nay có căn cứ Sư đoàn Bộ binh 5. Xưa, Trảng Lớn nổi danh hơn vì từng là nơi đóng quân của các Sư đoàn 25 Mỹ, rồi sau đó là Sư đoàn 25 quân đội Sài Gòn. Do thế, các lực lượng và trang cách mạng huyện Châu Thành đã sáng tạo nên một cánh đánh tài tình, ngay tại “vành đai diệt Mỹ” Trảng Lớn. Bảng di tích hiện được cắm ở ngay trên vùng tiếp giáp giữa thị trấn Châu Thành và ấp Suối Dộp, xã Thái Bình.
Xin được trở lại những vườn rau xanh Trảng Lớn, địa danh hành chính ngày nay thuộc xã Thái Bình- một trong những xã, thôn lâu đời nhất tỉnh Tây Ninh.
Quả nhiên, cứ theo các con đường ngang, từ trục lộ nối Thành phố - Châu Thành chỉ non trăm mét là đã thấy những vườn rau xanh bát ngát. Đa số là những mảnh vườn nhỏ, chừng một hai công đất (1.000m2).
Nhưng cũng có những vườn lớn hơn, chừng vài mẫu. Dù lớn hay nhỏ thì cũng được cắt luống, chia lô, rào lưới vuông vắn và ngăn nắp. Nơi nào cũng có nhiều loại rau mơn mởn trên từng mảnh đất hình chữ nhật đều như trải thảm. Những ô giống mới gieo lấm tấm mầm xanh được chở che bằng một tấm lưới phủ gần sát đất.
Trang trại lớn nhất cũng là nơi quy mô và hiện đại nhất, ở trên là lưới nilon trắng lấp loáng tựa những làn mây trắng, phía dưới là những thảm rau đều đặn xếp liền nhau. Nơi thì rau cải đang mườn mượt vươn lên. Chỗ thì mơn mởn tươi non màu rau xà lách.
Có cả những vuông thảm màu đỏ nâu như gấm dệt. Ấy là những khoảnh rau dền lấp lánh những chiếc lá run rẩy màu đỏ, tím. VietGAP là đây chứ ở đâu? Nhưng đấy là ở nơi có quy mô lớn nhất và trang bị cũng có vẻ hoàn chỉnh nhất. Chứ còn đa số các vườn nhỏ hơn của các hộ dân cư thì VietGAP đã từng được áp dụng nhưng nhiều người không đủ sức để theo.
Bằng chứng là những tấm lưới bao phủ phía trên đã xơ xác thủng, rách. Một bác gái chủ vườn ở ấp Suối Muồn cho biết: “Vườn nhà cũng từng theo dự án rau sạch VietGAP nhưng giá cả đầu ra vẫn vậy nên chẳng còn mấy ai theo được đến cùng.
Thêm nữa, như vườn cải nhà bác đây, thì thương lái đến cũng lắc đầu, bỏ đi không mua vì họ không bán được”. Tôi ngắm nhìn khoảnh vườn rau cải ấy. Thật là tươi non, xanh mướt nhưng lá rau nào cũng lỗ chỗ thủng vì sâu. Bác gái bảo: “Cậu có ăn thì cứ việc nhổ”. Rồi bác tự nhổ cho tôi hẳn một ôm rau lớn. Mà mới hết có khoảng nửa mét vuông vườn.
Giờ xin kể chuyện vui. Đấy là chuyện còn chưa gặp rau cải, đã gặp một loài hoa có màu mênh mông sương khói khác- hoa rau xà lách- thứ rau non mềm mà ai cũng từng ăn. Chắc là có người sẽ hỏi: rau xà lách mà cũng có hoa ư? Thì đấy cũng là câu hỏi của tôi khi gặp ông Phú, một chủ vườn rau đang tãi hạt rau trên chiếc nia phơi. Ông bảo- tôi đang tách hạt từ hoa rau xà lách giống.
Những luống rau xà lách giống này chắc nhiều người chưa thấy bao giờ. Nên cần miêu tả lại. Còn chưa thấy màu hoa cải nhưng khá nhiều khoảnh vườn rau có luống rau giống này. Chỉ một luống thôi, rộng chừng một mét và dài mươi thước.
Cây rau cao đến hơn một mét, ông Phú còn bảo có khi rau tốt sẽ cao đến hai mét. Mặt luống rau nào cũng sum suê, đầy ắp một màu hoa. Đấy là màu mà giờ đây các nhà thời trang gọi là pastel thì phải. Tức là cứ bồng bềnh như mây, xôm xốp hai sắc độ trắng và xanh như màu cốm mới Hà Nội mùa thu.
Những luống rau xà lách giống ở Trảng Lớn đang vào mùa cho trái, hạt. Sau những ba tháng trời được chăm chút từng ly. Đúng lúc này, trời đất Tây Ninh đang đỏng đảnh giao mùa. Tháng một đầu năm rồi thỉnh thoảng vẫn còn một cơn mưa trái vụ. Vậy nên có những luống chủ nhân phải che lên một tấm bạt tránh mưa.
“Chứ lúc trái vừa tách vỏ, hạt sắp bung ra mà gặp trận mưa thì cứ gọi là công cốc”. Ông Phú giải thích ngọn ngành như thế. Rồi ông diễn giải cho nghe những sự công phu, nhọc nhằn của việc trồng trọt, chăm sóc cho rau giống. Nào xới đất, lật cỏ, bón lót phân hữu cơ ra sao, tưới tắm thế nào theo từng ngày rau lớn.
Xưa, cha mẹ của ông Phú từ miền ngoài di cư vào Cao Xá năm 1954. Và cái nghiệp làm rau giống này do các cụ đem vào từ quê hương bản quán. Người Cao Xá thế hệ U60 vẫn chung thuỷ với nghiệp nghề truyền thống. Cũng cần nói thêm rằng, truyền thống cũng có thế mạnh của truyền thống.
Cụ thể như hạt rau xà lách ông Phú đang phơi. Nó làm nên những mảng rau tươi nõn, xanh ngời nhất trên từng vườn, trại. Lá rau như những bàn tay xoè ra rợp đất, hớn hở, rung rinh đón những hạt nước phun bằng tay rất mực dịu dàng. Mà lạ nhé! Ở nhiều nơi đã thấy các trại vườn lắp đặt hệ thống tưới phun hiện đại, khi thì phun xoay, lúc lại là nhỏ giọt.
Nhưng ở các vườn rau Cao Xá, người trồng rau vẫn cứ tưới bằng tay. Nhờ thế mà tia nước phun có độ bổng trầm lên xuống, như là ve vuốt, nựng nịu bầy con non nớt.
Rồi ông Phú cũng cho tôi biết lý do phải giữ những vườn rau truyền thống. Đấy là nhiều nơi đã bán các giống rau Trung Quốc, được sản xuất bằng công nghệ cao siêu nào đó nên giá rất rẻ, nhưng mua thử về trồng thì rau thường nhạt nhẽo và mau héo, nhũn, không thể cho ra những loại rau vừa ngọt ngào, mềm mại, vừa tươi lâu, mỗi cây rau đều sáng đẹp như hoa.
Tưới rau.
Nhắc tới hoa, sực nhớ bữa nay mình đi tìm vườn hoa cải kia mà. Và tôi cũng đã tìm được khi đi dọc những con đường láng xi măng ở các ấp Bình Phong, Bình Long, lên Suối Muồn gần Thị trấn. Chính là tại nhà bác gái đã nhổ cho tôi một ôm rau cải sạch, lá lỗ chỗ vết sâu ăn.
Cảm ơn nhất với bác là đã giữ cho một luống cải hoa vàng. Để tôi được ngắm cận cảnh một loài hoa rau tuyệt tác. Ngắm lại rồi mới nhớ, TP. Tây Ninh đâu có thiếu hoa vàng. Từ những bông tra nở bốn mùa trên các bờ tường, đến những cụm hoàng anh mới du nhập từ đâu về phố cứ rừng rực vàng lên như nắng.
Ấy thế mà chẳng có thứ nào có thể sánh với cải hoa vàng Cao Xá. Trên những tầng lá mướt xanh kia là những vòi hoa hớn hở vươn lên, mềm mại và run rẩy theo từng ngọn gió, nâng niu vô vàn bông hoa xúm xít ngọn cành. Bác gái bảo đấy là luống rau để giống, cho những mùa sau vẫn còn hoa cải rực vàng. Lại chợt nhớ quê mình đang náo nức và hăm hở tiến tới một nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao.
Báo chí đã nhắc nhiều đến những quỹ đất sạch hàng nghìn ha đang chuẩn bị, hoặc những giống mới cao cấp như trái mắc-ca, xoài Úc, chanh dây tím Đài Loan… Cây trái quê nhà cũng có mãng cầu núi Bà hay bắp, rau, quả của các hợp tác xã theo mô hình VietGAP. Chưa thấy ai nhắc đến những vườn rau có vẻ còn manh mún hoặc đang tự vươn lên thành trang trại trên đất xã Thái Bình.
Người thị xã, sau này là TP. Tây Ninh từ hơn nửa thế kỷ nay đã ăn rau Cao Xá. Sau mới có thêm những rau Bình Minh, Bàu Năng, Ninh Thạnh, Ninh Sơn… Cũng đã có vài thế hệ cha truyền con nối trồng rau ở xã Thái Bình và những mùa hoa cải, hoa xà lách vẫn bừng nở mỗi năm, vừa đem đến hương vị lạ, vừa giữ được giống rau tươi, thanh sạch, ngọt lành...
NGUYỄN