Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trong Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 (ký ngày 25/2), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đề cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch.
Để nhanh chóng chiến thắng “giặc dịch” với ít tổn thất nhất về người và của, Chính phủ, chính quyền các địa phương và các ngành chức năng cần có sự đồng hành của người dân cả nước theo tinh thần “mỗi người một việc, tùy theo sức của mình”.
Lực lượng y tế tại khu vực phong tỏa trên phố Trúc Bạch, nơi ở của bệnh nhân COVID-19 đầu tiên của Hà Nội (Ảnh chụp lúc 23h45, ngày 6/3/2020). Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Bài học về trách nhiệm xã hội
Người dân cả nước vừa thở phào nhẹ nhõm sau 21 ngày không có ca mới mắc COVID-19, khi xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) vừa thoát khỏi tình trạng phải cách ly y tế, thì một ca nhiễm mới được ghi nhận tại Hà Nội vào ngày 6/3. Điều đáng nói ở trường hợp mắc nhiễm của cô gái N.H.N, sinh năm 1993, cư trú tại phố Trúc Bạch (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) là việc bệnh nhân trốn khai báo dịch tễ dù ở vùng dịch châu Âu trở về, không thực hiện các biện pháp cần thiết theo khuyến cáo của Bộ Y tế dù có những biểu hiện ban đầu của dịch COVID-19.
Thái độ chủ quan, có phần ích kỷ, tâm lý sợ cách ly của bệnh nhân N.H.N đã dẫn tới hậu quả khó lường. Trước mắt, 22 hộ dân với 76 nhân khẩu ở cùng phố Trúc Bạch, 18 nhân viên y tế ở bệnh viện Hồng Ngọc bị cách ly y tế nghiêm ngặt. Hàng chục trường hợp, trong đó có người thân của N.H.N, rơi vào tình thế phấp phỏng lo âu khi có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Rồi những người tiếp xúc gần với những người gần gũi với N.H.N; hơn 200 hành khách và phi hành đoàn trong chuyến bay VN0054 cũng phải kiểm tra sức khỏe, theo dõi dịch tễ…
Thông tin mới nhất cho biết, Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 2 người từng tiếp xúc gần với bệnh nhân trú tại phường Trúc Bạch. Đó là bà L.T.H, sinh năm 1956, là bác ruột của bệnh nhân N.H.N, và anh D.Đ.P, sinh năm 1993, là lái xe riêng của gia đình. Hai trường hợp này đã được Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân thứ ba là nam thanh niên sinh năm 1993, quê Thái Bình, mới trở về từ Hàn Quốc và đang được cách ly tại Ninh Bình. Như vậy, Việt Nam hiện đã ghi nhận 20 ca mắc COVID-19, trong đó 16 ca đã được chữa khỏi.
Khó có thể thống kê những thiệt hại về kinh tế và công sức của hàng ngàn, hàng vạn người vì một cá nhân thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Đó là chưa nói đến sự an nguy của cộng đồng và sự xáo trộn xã hội nếu có thêm nhiều người mắc COVID-19 từ hành vi vô tình “gieo rắc virus” của bệnh nhân này. Điều quan trọng là chúng ta cần rút ra bài học chung về trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân trong cộng đồng, nhất là thời điểm hiện nay khi công tác phòng, chống dịch COVID-19 đang phải đối mặt với những diễn biến mới nhiều khó khăn, phức tạp.
Điều 8, Chương I của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 21/11/2007 đã quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, gồm: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm; Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này; Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Đồng hành cùng Chính phủ bằng việc làm cụ thể
Phòng, chống dịch là nhiệm vụ của cơ quan chức năng, các cấp chính quyền nhưng cũng là nhiệm vụ của toàn dân, của mỗi cá nhân.
Trước hết, mỗi người có thể “đánh giặc dịch” bằng cách cơ bản mà thiết thực nhất là tự bảo vệ mình, người thân và những người sống xung quanh – giữ gìn vệ sinh để không lây bệnh từ người khác và khi mình nghi bị mắc bệnh thì tránh hết sức để không lây cho người khác bằng cách thực hiện nghiêm túc việc tự cách ly và cách ly, theo dõi y tế, chấp hành đúng các yêu cầu của các cơ quan chức năng về phòng, chống dịch.
Virus SARS-CoV-2 với đặc tính không tồn tại lâu ở ngoài môi trường tự nhiên và không thể sinh sản ở ngoài cơ thể vật chủ, do vậy khi không đủ nguồn lây, dịch sẽ tự tắt.
Lauren Ancel Meyers, nhà dịch tễ học ở Đại học Texas tại (Mỹ), nói rằng, chúng ta sẽ biết khi nào dịch sắp kết thúc nếu nắm được một hệ số quan trọng, đó là số lượng trung bình những người có thể nhiễm virus từ một bệnh nhân. Các nhà dịch tễ học gọi đó là hệ số lây nhiễm cơ bản (R0), con số phản ánh mức độ lây lan của virus. Khi dịch bệnh suy yếu dần, hệ số R0 sẽ nhỏ hơn 1, tức là khi một bệnh nhân chỉ có thể làm nhiễm virus cho chưa tới một người khác thì dịch bệnh sẽ bị dập tắt.
Đồng hành cùng Chính phủ chống “giặc dịch” cũng có thể bằng cách hết sức đơn giản – không đưa lên mạng những thông tin chưa được kiểm chứng, kiên quyết từ chối bấm nút “thích” hay chia sẻ những thông tin gây hoang mang dư luận.
Chỉ viết một dòng trạng thái tưởng như vô thưởng vô phạt cũng có thể khiến nhiều người lo lắng - “Sáng nay ở phố… đố ai mua được 5 lạng thịt” (?). Trong khi đó một dòng trạng thái - “Ở phố tớ mọi việc vẫn bình an, chả ai đi mua gom mì tôm cả” - cũng có tác dụng “bình ổn” tâm lý của nhiều người dùng mạng.
Trong trường hợp của bệnh nhân N.H.N, việc một số người dùng mạng tung tin rằng cô gái khi đang nhiễm bệnh từng đến quán bar này, dự khai trương trung tâm nọ… làm nhiễu thông tin, tốn công sức của các cơ quan chức năng và khiến dư luận hoang mang.
Không chủ quan nhưng không được hoảng loạn
Lực lượng bộ đội hóa học triển khai phun hóa chất tiêu tẩy khu vực phố Châu Long, quận Ba Đình. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.
Hiện nay, khi ca nhiễm thứ 20 được ghi nhận thì đây chính là thời điểm để mỗi người dân cần đồng hành cùng Chính phủ, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng đối phó với dịch COVID-19 thay vì hoảng loạn.
Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA), một số người có xu hướng phản ứng thái quá trước các nguy cơ dịch bệnh ngay cả khi bản thân họ không có nguy cơ bị ảnh hưởng, trong khi lại lơ là trước các mối đe dọa có thể thực sự gây nguy hiểm cho họ hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra những mối đe dọa mới như COVID-19 hay Ebola làm tăng cảm giác bất an nhiều hơn so với các nguy cơ "quen thuộc" như cúm mùa. Phản ứng này có thể liên quan đến hạch hạnh nhân (amygdala) bên trong thùy thái dương của não, vốn đóng vai trò thiết yếu trong việc nhận biết cái cũ - mới và phản ứng cảm xúc (sợ hãi, lo lắng hay giận dữ).
Sự hoảng loạn của số đông có thể làm cho mối nguy cơ của dịch bệnh tăng theo cấp số nhân. Chẳng hạn, việc mua vét, tích trữ khẩu trang, dịch sát trùng ở ngoài vùng dịch, những nơi ít bị dịch bệnh đe dọa, khiến cho những người có nhu cầu thực sự lại không thể tiếp cận với phương pháp phòng dịch tối thiểu và cơ bản. Chính quyền phải lo xử lý những hệ lụy của sự xáo trộn xã hội, nạn khan hiếm lương thực – thực phẩm giả tạo, mà không thể tập trung mọi nguồn lực cho việc phòng, chống dịch.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã nêu rõ: “Lãnh đạo thành phố chia sẻ lo lắng với người dân, nhưng lo lắng phải bằng hành động thực tế, tự bảo vệ mình và gia đình bằng cách chủ động thông báo sức khỏe với cơ quan chức trách chứ không nên hoảng sợ, lo lắng quá mức”. Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, lãnh đạo thành phố đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm và họ cam kết đảm bảo cung cấp đủ nguồn hàng. Thành phố đủ nguồn hàng cung cấp cho dân, vì thế người dân không phải tích trữ thực phẩm, bởi việc xếp hàng mua thực phẩm quá đông khiến nguy cơ lây nhiễm cao.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như cộng đồng quốc tế đã ghi nhận những nỗ lực phòng, chống COVID-19 của Việt Nam khi dịch mới khởi phát, khi Việt Nam phát hiện và chữa khỏi 16 trường hợp mắc bệnh. Từ vạch xuất phát thuận lợi đó, cộng thêm sự đồng hành của người dân cùng Chính phủ, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng, thì khả năng chiến thắng “giặc dịch” của chúng ta sẽ là điều không phải nghi ngờ!.
Nguồn TTXVN