Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tại phiên chất vấn ở kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh:
Điện mặt trời mái nhà “làm nóng” nghị trường
Thứ sáu: 11:17 ngày 11/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chiều 9.12.2020, tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khoá IX, nhiệm kỳ 2016-2021, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm chủ trì phiên chất vấn giữa đại biểu HĐND tỉnh với Giám đốc Sở Tài chính và Sở Công Thương; trong đó, trong phần chất vấn Sở Công thương, vấn đề nhiều dự án điện mặt trời mái nhà đã và đang triển khai trên đất nông nghiệp được các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, đặc biệt là khi có không ít dự án đã đầu tư hoàn chỉnh, đưa vào vận hành trước khi triển khai dự án nông nghiệp.

Lắp pin dự án điện năng lượng- Dương Minh Châu. Ảnh: Đức Kiên

Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đề nghị cơ quan chức năng liên quan cho biết chủ trương của UBND tỉnh về việc phát triển dự án điện mặt trời kết hợp trang trại nông nghiệp? Việc triển khai dự án điện mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp nhưng không kết hợp với trang trại nông nghiệp có vi phạm quy định của pháp luật hay không? Xử lý những trường hợp này thế nào?

Trả lời những câu hỏi trên, ông Lê Anh Tuấn- Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trước khi có văn bản của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành và các đơn vị liên quan về việc thống nhất cách thức đầu tư điện mặt trời mái nhà đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Theo Khoản 5, Điều 3 của Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 6.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống điện mặt trời mái nhà được quy định như sau: “Hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống có các tấm quang điện được lắp trên mái nhà của các công trình xây dựng và có công suất không quá 1 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới có cấp điện áp từ 35kV trở xuống của bên mua điện”.

Ngoài ra, hệ thống điện mặt trời mái nhà tận dụng các mái nhà của các công trình xây dựng để lắp đặt. Đây là mục đích khác của công trình xây dựng, không phải là mục đích chính.

Người dân tận dụng mái nhà để lắp đặt điện năng lượng áp mái. Ảnh: Nhi Trần

Do đó, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà công trình dân dụng và công trình công nghiệp phải bảo đảm các điều kiện: hệ thống trạm biến áp, đường dây điện khu vực xây dựng công trình phải còn khả năng tiếp nhận công suất của hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Đất xây dựng công trình phải phù hợp với quy hoạch, quy định của từng địa phương.

Các công trình xây dựng mới phải bảo đảm đúng mục đích xây dựng công trình theo giấy phép đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp và các quy định khác liên quan đến Luật Xây dựng. Đối với các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng thì chủ đầu tư có trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng đến cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương để theo dõi, lưu hồ sơ.

Đối với các công trình hiện hữu, khi lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà phải bảo đảm kết cấu, khả năng chịu lực của công trình, không phá vỡ kết cấu của công trình.

Lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà các công trình chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, thuỷ sản... thuộc công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn  phải bảo đảm các điều kiện: Hệ thống trạm biến áp, đường dây điện khu vực xây dựng công trình phải còn khả năng tiếp nhận công suất của hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. 

Về đất đai xây dựng công trình phải phù hợp với quy hoạch, quy định của từng địa phương. Các dự án phải bảo đảm mục tiêu ban đầu đề ra, xuyên suốt trong quá trình thực hiện dự án theo các ý kiến thẩm định của các cơ quan chuyên môn.

Việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà của dự án phải bảo đảm không ảnh hưởng tới môi trường sống của các thực vật, sinh vật đang nuôi, trồng trong dự án. Trường hợp, dự án thực hiện không đúng mục tiêu ban đầu đề ra mà chỉ tập trung vào việc lắp đặt hệ thống điện mái nhà thì phải thực hiện các thủ tục chuyển sang công trình năng lượng.

Ông Lê Anh Tuấn giải trình thêm, có một số dự án, nhà đầu tư chú tâm thực hiện dự án nông nghiệp kết hợp với điện mặt trời mái nhà, ngành Công Thương khuyến khích để phát triển. Riêng đối với những doanh nghiệp “lách luật” để làm năng lượng mặt trời để bán điện, chưa tập trung thực hiện dự án nông nghiệp là chưa phù hợp với quy định.

Theo Giám đốc Sở Công Thương, để chấn chỉnh, Sở đề xuất 3 nội dung như sau: Đối với các dự án đã được kết luận và đưa vào vận hành bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, nhưng chưa bảo đảm đầy đủ các thủ tục liên quan, Sở tham mưu UBND tỉnh cùng các ngành chức năng hướng dẫn cụ thể để hoàn thành theo đúng quy định.

Ông Lê Anh Tuấn- Giám đốc Sở Công Thương giải trình tại kỳ họp. Ảnh: Nhi Trần

Theo ông Lê Anh Tuấn- Giám đốc Sở Công Thương, đến ngày 25.11.2020 đã có 3.938 vị trí triển khai điện năng lượng mặt trời mái nhà với công suất 872MW, trong đó đối với vị trí trung áp có 926 vị trí, hạ áp là 3.002 vị trí với công suất 52,79MW.

Điện lực đã đồng ý đấu nối 3.469 vị trí với công suất 433MW và từ chối 241 dự án, do công suất của các trạm và đường dây quá tải. Hiện Điện lực phối hợp với các chủ đầu tư khảo sát các vị trí để tiếp tục thực hiện các bước đấu nối. Quy trình đấu nối và hình thức bán điện thực hiện theo đúng Thông tư 18 của Bộ Công Thương.

Trên địa bàn tỉnh, các khu vực còn khả năng tiếp nhận đấu nối là các trạm Bến Cầu, Hoà Thành, TP. Tây Ninh; các xã Thạnh Đức, Phước Đông - Gò Dầu, Trảng Bàng.

Đối với chủ trương phát triển dự án điện mặt trời kết hợp trang trại nông nghiệp, về cơ chế, khuyến khích phát triển nhưng phải thực hiện đúng theo quy định của Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 6.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Văn bản số 7088/BCT-ĐL ngày 22.9.2020 của Bộ Công Thương; về đất đai phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng địa phương; về công suất phải phù hợp với khả năng tiếp nhận của hệ thống trạm biến áp, đường dây điện khu vực đầu tư.

Đối với những dự án đã được chấp thuận, nhưng đưa vào vận hành không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật thì đề nghị chủ đầu tư chuyển sang một dự án với hình thức đầu tư khác để thực hiện giá bán điện theo các công trình năng lượng.

Đối với các dự án được thoả thuận nhưng chưa được triển khai thực hiện, chỉ mới trong quá trình khảo sát, sẽ có văn bản tạm ngưng để xin ý kiến hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương.

Về vấn đề áp giá, Sở Công Thương sẽ cùng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương khảo sát cụ thể, tập hợp trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu dự án thuộc lĩnh vực cụ thể để xin ý kiến cấp trên hướng dẫn thực hiện.

Ông Phạm Văn Đặng- Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đánh giá, việc khai thác nguồn năng lượng mặt trời để thay thế nguồn năng lượng truyền thống là điều cần thiết. Tuy nhiên, các dự án điện mặt trời hiện nay triển khai trên đất nông nghiệp không phải là điện mặt trời áp mái, như vậy có bảo đảm với quy định pháp luật hiện hành? Các dự án điện mặt trời trên đất nông nghiệp đã và đang lấy đi chính sách ưu đãi dành cho điện mặt trời mái nhà. Ngoài ra, điện mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp và mô hình nông nghiệp kết hợp với năng lượng, nông nghiệp là mục tiêu chính.

Tuy nhiên, trên thực tế, các chủ đầu tư đang tập trung khai thác năng lượng, nông nghiệp chỉ là mục tiêu phụ. Thậm chí có nhà đầu tư triển khai dự án nông nghiệp theo kiểu “đối phó”, trồng cây đinh lăng, trong khi hiệu quả loại cây này không rõ ràng, chủ đầu tư cũng không quan tâm.

Bà Kim Thị Hạnh- Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đặt câu hỏi: tác động của các thiết bị năng lượng mặt trời này đối với sức khoẻ của người dân và môi trường xung quanh như thế nào? Chất lượng của các thiết bị? Nếu xảy ra tranh chấp giữa công ty cung cấp thiết bị và người tiêu dùng, vai trò của ngành chủ quản như thế nào trong việc đánh giá các thiết bị này đạt chuẩn hay không đạt chuẩn, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng?

Đối với những câu hỏi các đại biểu đặt ra, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, về vấn đề kiểm soát giá, hiện nay, giá điện cao nhất là giá điện áp mái nhằm khuyến khích các nhà dân, công trình xây dựng, nhà máy, trụ sở cơ quan nhà nước tận dụng lợi thế có sẵn của các mái nhà để lắp đặt sử dụng. Đối với một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách để lắp đặt ồ ạt, căn cứ vào Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 6.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ để áp giá. Đồng thời, các ngành và địa phương sẽ thẩm định dự án nào áp dụng giá mặt đất và dự án nào áp giá áp mái.

Một dự án điện mặt trời mái nhà kết hợp trang trại nông nghiệp. Ảnh: Đại Dương

Ông Lê Anh Tuấn giải trình thêm, Sở Công Thương chỉ quản lý về mặt nhà nước, không có chức năng thẩm định chất lượng của các thiết bị điện năng lượng áp mái. Chất lượng đó là do nhà sản xuất công bố hoặc đăng ký trên hệ thống, và được các nhà đầu tư kiểm soát trước khi đưa vào sử dụng.

Việc thực hiện các dự án nông nghiệp liên quan đến đất đai và mục tiêu ban đầu của dự án, đây là thẩm quyền xử lý của Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ông Lê Anh Tuấn cung cấp thêm thông tin, đối với một số người lách luật, tận dụng đất nông nghiệp sản xuất, kinh doanh điện mặt trời mái nhà, sắp tới, Sở Công Thương sẽ kết hợp các ngành chức năng kiểm tra, buộc những người này thực hiện đúng theo dự án làm trang trại nông nghiệp kết hợp sản xuất điện mặt trời mái nhà.

Ông Nguyễn Thành Tâm- Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị Giám đốc Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện các giải pháp như: tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc phát triển điện mặt trời, trong đó có mô hình dự án nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái; cần làm rõ trách nhiệm thẩm quyền quản lý nhà nước của các ngành, các cấp; những vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư, quản lý đất đai xây dựng, bảo vệ môi trường.

Đối với các công trình đầu tư đã thực hiện, phải rà soát phân loại, có phương án xử lý những trường hợp đầu tư không đúng với quy định, mục đích, quy mô đầu tư, bảo đảm việc thực hiện đúng quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm được quyền lợi của nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhà nước.

Tiếp tục quản lý việc cho chủ trương đầu tư đối với các dự án nông nghiệp có kết hợp làm điện áp mái trong thời gian tới đúng quy định của pháp luật; theo dõi, kiểm tra các dự án trong quá trình triển khai phải đúng mục đích đầu tư đề ra; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và có giải pháp phù hợp giúp các chủ đầu tư triển khai có hiệu quả các dự án, bảo đảm phát triển điện mặt trời mái nhà kết hợp với dự án nông nghiệp theo đúng tinh thần hướng dẫn Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ, và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung; quy hoạch kế hoạch sử dụng các loại đất phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ kết hợp với phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Nhi Trần - Đại Dương

Tin cùng chuyên mục