Theo dõi Báo Tây Ninh trên
2 nhân viên bảo vệ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế được chọn là những người kéo cờ trên Kỳ đài Huế hơn 20 năm qua.
Hai người mà tôi đang nói đến là anh Trần Thạch Cương (45 tuổi) và anh Lê Tiến Sỹ (49 tuổi). Hai anh chính là người được chọn đảm trách việc treo cờ trên Kỳ đài Huế gần 20 năm qua kể từ khi được nhận vào làm việc tại Tổ Bảo vệ Kỳ đài (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế).
Kỳ đài Huế.
Việc nhỏ vinh dự lớn
Theo ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Kỳ đài Huế chính thức được xây dựng vào năm Gia Long thứ 6 (Đinh Mão 1807) và đến thời vua Minh Mạng liên tục được tu sửa vào các năm 1829, 1831 và 1840, cột cờ nguyên xưa làm bằng gỗ và đến năm 1948 cột cờ bắt đầu được làm bằng bê tông cốt sắt với tổng chiều cao 37m.
Để giữ được màu tươi và không bị rách do thời tiết mưa nắng, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phân công nhiệm vụ cho 4 nhân viên bảo vệ thuộc Tổ Bảo vệ Kỳ đài (tổ này có 6 người) có khả năng trèo cao và cẩn trọng chuyên làm nhiệm vụ chăm sóc, bảo quản, treo và hạ cờ Tổ quốc dài 12m, rộng 9m ở cột cờ Kỳ đài. Hai anh Cương và Sỹ là những người được chọn và làm nhiệm vụ này gần 20 năm qua.
Anh Trần Thạch Cương luôn tự hào về công việc mình đang làm. (Ảnh: H.O)
Ngày nay, lá cờ Tổ quốc treo trên đỉnh Kỳ đài được thay thế vào các ngày lễ, tết, Quốc khánh 2/9, giải phóng Thừa Thiên – Huế… và đón các nguyên thủ Quốc gia. Công việc của 2 anh Sỹ và Cương tuy nhỏ nhưng lại mang những vinh dự rất lớn lao.
Anh Lê Tiến Sỹ, gần 20 năm làm nghề treo cờ trên Kỳ đài Huế, công việc tuy vất vả và nguy hiểm nhưng anh luôn tự hào vì công việc thiêng liêng mà mình đang làm. Ngần ấy năm làm nghề, anh Sỹ có 2 lần treo cờ khiến anh nhớ mãi không quên.
Lần thứ nhất và cũng chính là lần đầu tiên anh Sỹ được giao nhiệm vụ treo cờ trên Kỳ đài Huế. Anh kể, anh vốn là bộ đội thuộc Quân chủng Phòng không không quân đóng quân tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Năm 1993, sau khi xuất ngũ, anh trở về quê Quảng Bình làm nghề Đông y cùng gia đình. Đến năm 1997, anh được nhận vào làm việc tại Tổ bảo vệ Kỳ đài Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.
Tại đây, lần đầu tiên anh đã được vị tổ trưởng phân công treo cờ lên đỉnh Kỳ đài Huế. Lần đầu tiên leo lên đỉnh Kỳ đài để treo lá cờ Tổ quốc, anh đã vô cùng tự hào, xúc động.
Khi về nhà anh lấy cuốn sổ tay và ghi vào nhật ký: “Hôm nay mình đã treo lên đỉnh Kỳ đài Huế là Kỳ đài lớn nhất Đông Nam Á, nơi đây đã diễn ra các sự kiện lịch sử trọng đại: ngày 23/8/1945 vua Bảo Đại thoái vị, lá cờ của cách mạng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được treo lên Kỳ đài..."
Lần thứ 2 là trong lần anh Sỹ được giao nhiệm vụ treo cờ rủ trong lễ Quốc tang cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi ấy, anh Sỹ với thân hình mảnh khảnh, thắt dây an toàn rồi thoăn thoắt trèo lên cột cờ cao 60 mét. Anh cẩn trọng hạ lá cờ Tổ quốc có kích cỡ dài 12m, rộng 8m xuống 1/3 cột cờ rồi buộc vào đó dải lụa đen.
Dù rất đau buồn trước sự ra đi của một thiên tài quân sự của đất nước nhưng anh Sỹ cố nén đau buồn để làm nhiệm vụ cho đến khi chân chạm đất mới dám để 2 hàng lệ tuôn trên má khóc thương Đại tướng.
Anh Lê Tiến Sỹ trong một lần làm nhiệm vụ treo cờ trên Kỳ đài Huế. (Ảnh: Ngọc Vinh)
Không phải ai cũng làm được
Công việc mà anh Cương và anh Sỹ đang làm, nếu người ngoài nhìn vào những tưởng rất dễ dàng. Tuy vậy, công việc này lại ẩn chứa sự rủi ro và không phải ai cũng làm được. Để làm việc này ngoài biết leo trèo, không sợ độ cao thì phải rèn luyện cho thật khéo léo, nhuần nhuyễn.
Theo lời anh Trần Thạch Cương, trước đây, cờ Tổ quốc được làm bằng vải sa tanh nhuộm đỏ nên rất nặng và phải 2 người gánh mới nổi nhưng cờ Tổ quốc hiện nay chỉ cần 1 người xách đưa lên treo. Nếu người chưa quen thì rất dễ bị ngợp và chỉ những người chịu được áp suất độ cao, chịu khó thì mới làm được. Đây cũng là lý do mà công việc này rất ít người làm.
Anh Cương chia sẻ, cờ Tổ quốc được các nhân viên hạ xuống, treo lên khá đơn giản bằng máy tời nhưng hàng ngày những người làm nhiệm vụ treo cờ phải đối mặt với nguy hiểm khi các sự cố xảy ra như cờ cuốn vào cột, rách cờ... Khi ấy, cần người trèo lên gỡ hoặc các ngày lễ lớn trúng vào lúc gió to, mưa bão thì phải gỡ ngay.
Tấm hình này do anh Lê Tiến Sỹ chụp từ Kỳ đài Huế xuống Phu Văn Lâu trong lúc làm nhiệm vụ treo cờ. (Ảnh: NVCC)
"Hiện nay, do làm nhiệm vụ lâu năm nên có chút ít kinh nghiệm và biết được hướng gió từng ngày, từng mùa nên đỡ vất vả. Đoán được hướng gió thì cứ để như vậy một lúc sau gió đổi hướng và cờ lại tung bay không cần phải lên gỡ". Ngoài ra, việc trực vào ban đêm mà khu vực ít người qua lại, trong khi hay có kẻ xấu lui tới nên lắm lúc cũng nguy hiểm", anh Cương chia sẻ.
Anh Lê Tiến Sỹ cho biết, dù năm nay 49 tuổi, nhưng trong hàng ngàn lần leo lên Kỳ đài, anh chưa khi nào có một cảm giác run sợ hay choáng ngợp. Bình quân mỗi tháng sẽ thay một lá cờ mới. Nhưng nếu gặp thời tiết xấu cờ bị rách thì phải thay ngay. Ngoài ra, những khi bão lũ cờ cũng sẽ được hạ xuống để bảo quản tránh hư hại do mưa bão.
“Nhiều người bảo khi trèo cao thì không nên nhìn xuống, vì sẽ ngợp và mất tinh thần. Nhưng mình thì phải vừa trèo vừa nhìn xuống, quan sát để cho lá cờ khỏi vướng vào các dây neo. Lá cờ rộng đến 8m, dài 12m, trọng lượng lên tới hơn 10kg, và khi nó đón gió sức nặng lại tăng lên gấp nhiều lần. Nếu không nhìn xuống thì làm sao điều chỉnh cho cờ được treo đúng vị trí để tung bay”, anh Sỹ chia sẻ.
Ngoài nhiệm vụ gìn giữ, bảo quản, treo và hạ cờ trên Kỳ đài Huế, anh Sỹ và anh Cương còn phải đi trực bảo vệ di tích luân phiên theo sự phân công của đơn vị cũng như vừa coi cờ vừa chào đón khách đến tham quan Đại nội Huế như những nhân viên bảo vệ nào khác. Công việc vất vả nhưng các anh luôn tự nhủ rằng: “Nhiệm vụ treo lá cờ Tổ quốc ở vị trí trang trọng nhất của Kinh thành Huế cũng là một vinh dự lớn”.
Nguồn VTC