Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đình Trường Đông mới là đình xã Trường Hoà
Thứ tư: 07:40 ngày 28/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Báo Tây Ninh ngày 7.3.2018, ngay trong chuyên mục này có đăng bài: Trường Hoà, hai ngôi đình Trung.

Xin lỗi quý độc giả, vì cái tựa đề trên còn thiếu một dấu hỏi. Bởi vì bài viết đã truy nguyên về gốc gác của 2 ngôi đình, nay mang tên là Trường Đông và Trường Tây. Nguyên do là 2 xã này mới được lập ra năm 1979, trên cơ sở đất đai tách ra từ xã Trường Hoà. Và dù có truy rồi nhưng vẫn chưa thể biết ngôi nào mới thật là “đình Trung” của thôn- sau đó là làng, xã mang tên Trường Hoà ngay từ năm 1836 lập phủ Tây Ninh (nay là tỉnh Tây Ninh).

Trong chuyên mục này của báo, người viết cũng đã từng truy nguyên gốc tích của các xã có tới hai ngôi đình. Kết quả cho thấy ở tất cả những nơi ấy, mỗi thôn làng xưa chỉ có một ngôi đình. Đình thường được đặt ở vị trí trung tâm thôn, làng, xã nên người ta gọi là đình Trung.

Nơi nào có tới hai ngôi thì có nguyên do từ thời Pháp thuộc (1862-1945), chính quyền đã sáp nhập hai, hoặc nhiều thôn làng vào làm một. Như ở huyện Trảng Bàng có sự sáp nhập làng Phước Hiệp vào làng Gia Bình từ ngày 6.3.1891.

Cùng ngày này, nhiều thôn làng khác- như làng Hưng Mỹ sáp nhập vào làng Cẩm Giang, làng Vĩnh Xuân sáp nhập vào làng Ninh Thạnh vv...vv... Vì vậy hiện nay các xã ấy mới có 2 ngôi đình. Cẩm Giang có đình Trung (ngôi chính của làng Cẩm Giang xưa) ở ấp Cẩm Long và ngôi đình ở ấp Cẩm An vẫn mang tên cũ làng xưa là Hưng Mỹ (theo Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ của Nguyễn Đình Tư, Nxb Chính Trị Quốc Gia 2008).

Sách này cũng ghi chép một vụ sáp nhập đình đám khác; ở trang 1.104 viết về xã Thái Hiệp Thạnh: “thuộc tổng Hoà Ninh quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh từ sau 1956…”, đến ngày 26.11.1957 tiếp nhận thêm một xã giải thể nữa là Đông Tác (nơi có nhiều người Chăm sinh sống).

Đến nay, sau nhiều biến động địa giới sau 1975, thì xã này vẫn là phần nội thị cơ bản của thành phố Tây Ninh; trên địa bàn có cả 3 ngôi đình: Hiệp Ninh, Thái Bình và Ninh Thạnh. Hai trong 3 ngôi ấy đã được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

Trở lại thôn (làng) xưa Trường Hoà, trong sách đã dẫn cũng có mục từ Trường Hoà (trang 1.242). Một chi tiết đáng chú ý là vào ngày 6.3.1891 kể trên, làng này cũng được: “sáp nhập thêm làng Hoà Bình giải thể…”. Truy tìm gốc gác làng này tại mục từ Triêm Hoá (trang 1.232)- là tổng có làng Trường Hoà thì thấy: “năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), Tuyên phủ sứ Tây Ninh là Cao Hữu Dực chiêu tập dân xiêu tán, lập thêm thôn Hoà Bình… ngày 6.3.1891 giải thể làng Hoà Bình nhập vào làng Trường Hoà…”.

Như vậy đã rõ, bản thân làng (xã) Trường Hoà cũng có sự sáp nhập 2 thôn làng vào làm một, như ở các thôn làng có hai ngôi đình đã kể. Liệu có phải một trong hai ngôi đình Trường Đông, Trường Tây là của làng Hoà Bình, tồn tại từ năm 1845 đến 1891 hay không? Chữ Bình duy nhất (của Hoà Bình) trong khu vực này chỉ còn lại ở ấp Long Bình, thuộc xã Long Thành Nam, kế cận với ấp Trường Huệ- nơi có đình Trường Tây.

Trong khi đó, một vài cụ cao tuổi lại nhớ làng Hoà Bình xưa nằm ở vị trí nay là ấp Trường Lưu, xã Trường Hoà, nơi hiện có ngôi Trí Huệ cung của đạo Cao Đài (theo anh Dương, cán bộ địa chính xã Long Thành Nam, người có quan tâm đến vấn đề đang tìm kiếm). Chưa xác định được vị trí của làng Hoà Bình, nên cũng chưa thể kết luận một trong hai ngôi đình ấy là của thôn, làng gốc Trường Hoà.

Căn cứ vào những “chuyện xưa, tích cũ”, ông Tư Liếp- nay đã 76 tuổi, từng làm thư ký cho ban hội đình Trường Tây cho rằng: đình này có trước (theo sách di tích và danh thắng thì có tới 150 năm trước). Mặt khác, khi xưa (trước năm 1975), mỗi lần cúng đình là có dân từ xa như ở xã Chà Là đánh xe bò, đem vật phẩm tới dâng cúng. Vậy đình Trường Tây có thể là đình Trường Hoà.

Cũng là chuyện “giấy trắng mực đen” thì đình Trường Đông lại có nói đến các vị tiền hiền, hậu hiền- là các ông Huỳnh Văn Nhu và Nguyễn Văn Tiếu. Sách không chép nhưng các ban hội đình trước nay của đình Trường Đông đều biết, các cụ đều làm Hương cả của làng Trường Hoà thời trước.

Kế thừa chức vụ này sau hai vị trên, có ông Nguyễn Văn Có, các ông đều là người có công trong việc xây dựng đình làng kể từ khi đình còn nằm ở vàm rạch Thanh Long, sau năm 1952 mới chuyển về vị trí hiện nay là ấp Trường Ân, xã Trường Đông. Lý lẽ tuy đơn giản nhưng chắc chắn: “Không lẽ các cụ là Hương cả của làng này, lại đi làm ngôi đình cho làng khác?”. Vậy thì đình Trường Đông mới đúng là đình Trung của thôn, hay làng, xã Trường Hoà!

Tuy vậy cũng cần tới các chứng cớ sau đây, mới có thể đi tới kết luận xác đáng. Đấy là nhờ vị sư trụ trì chùa Hiệp Long Thích Niệm Thắng lần tìm trên các câu đối cũ của các ngôi đình (chủ yếu viết bằng chữ Hán).

Một đặc điểm khá phổ biến ở các ngôi đình, là thể hiện tên thôn, làng trên các cặp liễn đối ở đình. Như các ngôi đình di tích cấp quốc gia tại TP. Tây Ninh. Ở đình Thái Bình thì có cặp liễn đối như sau: Thái cổ hoàng khai đế nghiệp cơ đồ an thổ vũ/ Bình thời tái tạo giang sơn xã tắc vĩnh phong niên.

Còn ở đình Hiệp Ninh, ngay mặt ngoài trụ cổng (cũ) đã có đôi liễn đối là: Hiệp cảnh nguy nga nãi thánh nãi thần nãi văn võ/ Ninh chiêm đức hoá hữu tài hữu thổ hữu nhân dân. Đôi câu này còn được nhắc lại trên một đôi liễn đối trong đình.

Vậy thì cần tìm hai chữ Trường Hoà trên các đôi liễn đối có trong các ngôi đình Trường Tây và Trường Đông. Điều này có thể hơi khó, bởi tên làng này đều có hai âm vần bằng, khác với những tên làng kể trên có bằng, có trắc.

Đình Trường Tây có một đôi liễn đối có tên địa danh nhưng lại là tên ấp Trường Huệ: Trường cửu tứ thời nhân dân thành tâm niệm/ Huệ khai tam nguơn lão ấu kính thành tâm. Đôi câu này chắc mới có về sau, khi đã có xã Trường Tây và ấp là Trường Huệ. Mặt khác, chữ nghĩa đã có những cặp từ mà người có đạo quen dùng- tam nguơn với tứ thời.

Trong khi đó, ở đình Trường Đông, sau khi xem kỹ khá nhiều cặp liễn, đại đức Thích Niệm Thắng cũng tìm ra hai chữ tên làng. Đấy là ở cặp liễn gắn trên hàng cột trước của 4 cột “tứ trụ”. Có điều, người ta không thể bố trí ở đầu câu, mà phải “ẩn” vào giữa câu. Phiên âm như sau: Đức quảng phu phong nhơn trường tồn hương thôn ấm/ Ân trạch cấp ôn lương hòa khí dân chúng hưởng.

Tạm dịch nghĩa là: đức (của thần) trải ra như làn gió êm dịu, khiến cho con người còn mãi mãi trong một làng quê ấm áp/ Ân (của thần) cũng thấm thía khiến con người được ôn hoà, lương thiện, mọi người dân đều được hưởng hoà khí mãi về sau.

Hai chữ Trường, Hoà ở vị trí chữ thứ sáu (từ trên xuống).

Ở cặp liễn đối trên hàng cột sau của “tứ trụ” cũng còn một tên làng Trường Hoà nữa nhưng ở phần “lạc khoản”- phần chữ nhỏ hơn khắc cạnh đôi câu chính. Đó là câu viết bằng tiếng Việt, nguyên văn: “Trường Hoà Lê Thanh Cát phụng cúng”.

Hỏi ra mới biết, ông Lê Thanh Cát từng làm trưởng ban hội đình Trường Đông từ trước năm 1975. Đôi liễn đối này là do ông tự bỏ tiền thuê làm để dâng cúng đình làng. Đến đây, chắc đã đủ cứ liệu để chứng minh: đình Trường Đông mới thật sự là ngôi đình Trung của làng Trường Hoà thời trước.

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục