Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ghi chép tản mạn
Đồ chơi
Thứ sáu: 07:48 ngày 01/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bữa dẫn cháu vào cửa hàng đồ chơi Bingo, gặp lúc cô bán hàng đang thử một món đồ chơi cho khách mua.

Một chiếc máy bay trực thăng chạy điện (sạc pin) và từ cảm ứng với bàn tay trẻ em để bay lên xuống. Ôi chà! Thật ngưỡng mộ quá với món đồ chơi xinh xẻo và thú vị này. Khỏi cần bộ điều khiển. Chỉ cần bật nút công tắc là những cánh quạt quay tít. Bay lên, hạ xuống. Bàn tay trẻ con đón đỡ bên dưới chạm vào thì nó lại bay lên. Cậu bé trai chừng 3 tuổi tỏ vẻ thích chí, đã đành, nhưng cháu gái tôi cũng sán tới đòi chơi ké… Hơn hai mươi năm trước, ba cậu bé chắc cũng đã từng chơi những chiếc máy bay chế bằng bọt xốp, bán khắp làng quê ngõ phố Tây Ninh.

Nhớ lại tuổi thơ của mình coi! Ký ức tuổi thơ chỉ là những chiếc máy bay giấy tự gấp. Rồi cả nhóm bạn đua nhau phóng lên trời. Ðứa nào gấp khéo thì máy bay sẽ bay xa nhất. Mà cũng chỉ độ dăm mét là cùng. Bữa nào mưa, máy bay không thể cất cánh được, cả bọn lại xoay sang gấp thuyền. Thuyền thì đám con gái thể hiện rõ tài năng hơn. Bởi thuyền của chúng thường được chở thêm “hàng” là những trái xoan, những món đồ hàng chúng đang “mua bán”. Những con thuyền giấy rồi cũng xuôi theo rãnh nước chảy lóc bóc trước hiên nhà.

Lớn lên chút nữa. Thì vẫn là ước mơ chinh phục bầu trời bằng những cánh diều bay. Không chỉ là bay trong ký ức tuổi thơ tôi, mà có lẽ cánh diều đã bay trong ký ức nhiều thế hệ ông bà, cha mẹ chúng tôi, tự thời nào chẳng biết. Cho đến nay, diều vẫn còn bay khắp phố thị, làng quê.

Theo một phóng sự của HTV7 hôm chủ nhật 27.5, hàng trăm cánh diều vẫn bay trên công viên bờ kè Thanh Ða ở quận 2, thành phố Sài Gòn. Diều đã tham gia sân chơi quốc tế tại thành phố Vũng Tàu mỗi năm, hoặc khoe sắc rộn ràng trong một cuộc thi khác trên đất cố đô, Huế.

Nhưng, tôi chẳng dám so sánh những con diều bây giờ được bán ở khắp các cửa hàng đồ chơi với những con diều giấy của tuổi thơ nghèo khổ một thời. Ða số tự làm, với chuốt nan tre, xin và dán giấy bản trên cái khung tre hình một vầng trăng khuyết. Ðêm về, trong giấc mơ còn được trộn vào tiếng sáo diều (thường của người lớn) vi vút suốt canh khuya.

Có phải chính là giấc mơ chinh phục không gian đã khiến các anh Nguyễn Công Danh và Trần Quốc Hải ở một huyện biên giới tỉnh nhà từng chế tạo hẳn một chiếc máy bay trực thăng từ hơn 10 năm trước. Dù mục đích đã thực tế hơn, là bay để phun thuốc cho những cánh đồng.

Nhìn về quá khứ xa hơn, chắc cũng là giấc mơ diều đã khiến cho chiếc máy bay đầu tiên của loài người, đóng bằng gỗ đã lên khỏi mặt đất và bay xa được vài trăm mét. Sau hơn 100 năm, từ cái máy bay gỗ ấy, đến nay đã trở thành một nền công nghiệp hàng không. Suy rộng ra, nhiều ngành công nghiệp khác, như ô tô, xe đạp chẳng hạn. Có lẽ ý tưởng về nó cũng xuất phát từ những trò chơi trẻ con có những bánh xe quay tít, lăn tròn.

Chưa thấy bộ, ngành nào, kể cả Quốc hội bàn về công nghiệp đồ chơi. Nhưng rõ ràng nó đã trở thành một ngành phát triển, mà chắc doanh thu không kém nhiều ngành công nghiệp khác. Bằng chứng là đâu đâu cũng có các cửa hàng bán đồ chơi. Kể từ siêu thị cho tới các góc phố, vỉa hè ở mọi làng quê hay phố.

Và dĩ nhiên, nhà nào có trẻ em cũng có đồ chơi. Dường như mọi hoạt động kinh tế xã hội của người lớn đều thấy trong những đồ chơi con nít. Từ cái máy bay có bộ điều khiển cho đến những món đồ chơi chỉ 10 ngàn bán ở lề đường. 10 ngàn đồng đã có thể bắn lên trời một chiếc phi tiêu gắn đèn led, rơi xuống kiểu như một trái sao xoay tít trước khi tiếp đất. Diệu kỳ không? Nhờ thế mà ngày nay bất kể bậc phụ huynh nào, thuộc nhà giàu hay nghèo khổ, đều dễ dàng mua cho con em mình một món đồ chơi.

Có phải vì thế, mà sự biến mất của vài sân chơi cho trẻ em ở thành phố Tây Ninh mấy năm trước đây ít bị người ta chú ý. Nhưng rõ ràng là nó đã biến đi, sau bước nhảy lớn lao từ thị xã lên thành phố. Ðấy là khu vui chơi Ước mơ tuổi thơ, mà tôi nhớ những ngày đầu mới khai trương, cha mẹ các em từ các huyện vùng sâu cũng nô nức đưa con em về chơi một lần cho biết.

Rồi Nhà văn hoá thiếu nhi của tỉnh, có cả một đoàn tàu chạy quanh co dưới tán rừng thiên nhiên Toà thánh. Nay khi giải thể, chuyển về trung tâm Thành phố thì chiếc bánh dành cho thiếu nhi chỉ còn phân nửa. Vì bây giờ đấy đã là Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi, nghĩa là có cả phần của các anh chị thanh niên. Thành phố mỗi ngày thêm phát triển, nhiều tiêu chí đã sắp đạt thành phố loại II, nhưng rõ ràng phúc lợi dành cho các em lại chưa tương xứng.

May mà còn có các cửa hàng đồ chơi. Nhưng, những món đồ riêng lẻ ấy, dù có hiện đại đến mấy cũng không thể thay thế những đại cảnh đồ chơi, nơi các em có thể vui chơi trong một cộng đồng. Ðấy vẫn là một món đồ chơi lớn mà người lớn còn mắc nợ các em thiếu nhi- thế hệ làm chủ xã hội ngày mai, như lời người lớn vẫn luôn nói thế.

NGUYỄN

Tin liên quan