Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đoá hồng vùng biên
Chủ nhật: 09:36 ngày 17/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có trách nhiệm, lại tận tâm với công việc được giao là những nhận xét của không ít người dân dành cho Nhã. Với Nhã, cương vị công tác không nói lên hiệu quả công việc. Chỉ khi thấy số hộ nghèo ở xã giảm, trẻ em đều được đến trường, người khuyết tật được chăm lo đầy đủ… thì cô mới an lòng.

Thanh Nhã trao quà cho hai chị em là nạn nhân chất độc da cam ở ấp Tân Hoà, xã Tân Lập.

Vẫn vui vẻ, hoạt bát như lúc còn là cán bộ Đoàn, Thanh Nhã bây giờ còn toát lên vẻ điềm đạm của một cán bộ lãnh đạo khi tôi gặp lại cô ở trụ sở UBND xã Tân Lập, huyện Tân Biên. Trải qua nhiều trắc trở trong cuộc sống, nhưng vẫn nỗ lực phấn đấu làm tròn trách nhiệm được giao, Thanh Nhã đã không phụ lòng tin yêu của bao người dành cho cô…

Trưởng thành từ màu áo xanh

Tân Lập là xã biên giới phía Bắc của huyện Tân Biên, với đường biên giới dài 35km, toàn xã có gần 3.000 hộ dân với hơn 9.000 nhân khẩu, được chia thành 5 ấp/74 tổ tự quản. Tôi đã từng nhiều lần đến Tân Lập, mỗi lần đến đều thấy sự đổi thay của vùng đất biên giới đầy nắng gió này. Một trong những người giúp tôi nhận ra những đổi thay ở vùng biên này chính là nữ Phó Chủ tịch xã trẻ Phan Thị Thanh Nhã (sinh năm 1981).

Thanh Nhã từng là Phó Bí thư Xã đoàn Tân Lập. Cô tham gia công tác Ðoàn từ khi còn rất trẻ, vì thích màu áo xanh tình nguyện, đam mê các hoạt động từ thiện xã hội. Nhã nghỉ học từ năm lớp 9, do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhã  vừa làm thêm đủ việc để phụ giúp gia đình, vừa cố gắng đi học bổ túc ban đêm, vừa tham gia công tác Ðoàn. Cô gái trẻ nhỏ nhắn, năng động, ham mê công tác xã hội đã được lãnh đạo địa phương và cán bộ Xã đoàn quan tâm, tạo điều kiện để phấn đấu vươn lên.

Tôi vẫn còn nhớ những kỷ niệm đẹp với Thanh Nhã khi cùng cô lặn lội vào tận xóm Lò Than- một trong những địa bàn dân cư nghèo khó của xã Tân Lập, hay đi thăm những gia đình có trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, những em học sinh nghèo hiếu học nhà tận trong hẻm nhỏ, ngõ cụt; hoặc có khi đến thăm những lớp học phổ cập vào ban đêm… Cách đây hơn mười năm, đa số đường giao thông trên địa bàn xã Tân Lập vẫn là đất đỏ, bụi mù trời; có chỗ gập ghềnh, quanh co, nhiều ổ voi, ổ gà, Nhã vẫn nhiệt tình giúp chúng tôi đến những nơi cần thiết để khai thác thông tin, viết bài.

Chịu khó mỗi tối đạp xe từ xã xuống thị trấn học bổ túc, Nhã hoàn thành chương trình THPT. Rồi khi hết tuổi Ðoàn, Nhã được chuyển sang làm công chức phụ trách mảng lao động, thương binh và xã hội trên địa bàn xã. Ðể có kiến thức đáp ứng yêu cầu công việc, Nhã tiếp tục đăng ký học lớp đại học Luật tại chức, rồi lớp đại học ngành Công tác xã hội. Sau gần 10 năm phấn đấu hết mình, năm 2009, Nhã vinh dự đứng vào hàng ngũ Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Vững vàng đứng lên

“Năm 2014, chồng em mất đột ngột tại cơ quan do đột quỵ. Em cứ nghĩ mình sẽ buông xuôi mọi thứ vì nỗi đau này. Sau khi chồng mất vài ngày, em lại biết mình có thai. Bao nhiêu chuyện buồn đau cứ dồn dập đến, nhưng nhờ có đứa con, nhờ gia đình, bạn bè hết lòng động viên, em đã vượt qua được nỗi buồn mà tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình…”.

Theo lời Nhã, chồng cô cũng là một cán bộ lãnh đạo trẻ tại một xã trên địa bàn huyện Tân Biên. Vợ chồng cô sống rất hạnh phúc, yêu thương nhau. Cả hai mòn mỏi đợi chờ có được đứa con. Vậy mà, ngay sau khi chồng mất, trong lúc cô gần như suy sụp hoàn toàn, thì niềm mong chờ ấy mới thành hiện thực.

Ðắn đo, cân nhắc, Nhã quyết bán đi tổ ấm riêng tư mà vợ chồng cô đã ra sức gầy dựng ở xã Thạnh Bình để chuyển về sống cạnh nhà ba mẹ ruột trên địa bàn xã Tân Lập. Thời gian này, Nhã vừa chăm lo cho bào thai, vừa đảm đương công việc ở xã, vừa cố gắng hoàn thành xong chương trình đại học theo như mong mỏi của người chồng đã mất.

Sau khi sinh con, Nhã có thêm động lực, niềm tin yêu trong cuộc sống. Tuy bận rộn con nhỏ nhưng cô luôn sắp xếp thời gian hợp lý để hoàn thành công việc chuyên môn được giao. Cô chịu khó đi đến tận nhà từng đối tượng bảo trợ xã hội ở địa phương để thăm hỏi, chi trả chế độ, tặng quà…

Ðược tiếp xúc với rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, khốn khổ trong xã, Nhã thấy mình vẫn còn may mắn khi tình yêu của chồng vẫn còn hiện diện nơi đứa con. Người thân, đồng nghiệp vẫn luôn cạnh bên ủng hộ, động viên tinh thần giúp cô vượt qua trở ngại trong cuộc sống.

Năm 2016, Nhã được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã, phụ trách lĩnh vực văn hoá xã hội. Công việc mới nhiều áp lực, luôn bận rộn, nhưng đã giúp Nhã thực hiện được niềm đam mê của bản thân và không phụ kỳ vọng của gia đình, đồng nghiệp…

Từ đam mê đến hành động

Mỗi ngày, Nhã thức dậy thật sớm, chuẩn bị bữa sáng tại nhà cho hai mẹ con. Hôm nào con đi học thì cô đưa con đến trường rồi đến Văn phòng UBND xã. Hôm nào con nghỉ học, cô đem sang gửi nhà ngoại. Nhã nói: “Công việc của em bây giờ không tính bằng thời gian, chỉ khi nào làm hết việc thì mới an tâm về nhà.

Ngoài xử lý công việc cơ quan, em còn tham gia công tác đối ngoại với chính quyền các xã giáp ranh thuộc nước bạn Campuchia, hay đón tiếp các đoàn khách đến làm công tác từ thiện xã hội tại địa phương. Có hôm công việc nhiều, em phải đưa con đến văn phòng làm việc luôn”.

Hỏi về cuộc sống của người dân Tân Lập hiện nay, Nhã hào hứng chia sẻ: “Ðời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân Tân Lập bây giờ được nâng lên. Nhà ở, phương tiện đi lại, thông tin liên lạc và nghe nhìn cho người dân ngày càng nhiều.

Các công trình phúc lợi công cộng cũng được đầu tư xây dựng như điện, đường, trường, trạm, kênh, mương đã làm thay đổi bộ mặt của xã so với những năm trước đây”. Ðể có thể giữ vững danh hiệu xã văn hoá nông thôn mới từ năm 2015 đến nay, theo Nhã, lãnh đạo xã đã thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Từng làm công tác lao động, thương binh và xã hội, Nhã gần như hiểu rõ từng hoàn cảnh của các hộ dân trên địa bàn. Vì vậy, trong cách tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện các hoạt động, phong trào, nhất là phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, Nhã luôn hướng đến các mô hình có hiệu quả, thiết thực, phù hợp từng đối tượng.

Ðối với Nhã: “Muốn phong trào nào có hiệu quả, trước hết mình phải làm gương”. Nói được và làm được. Chẳng hạn, để phong trào hiến máu nhân đạo của xã luôn đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, Nhã xung phong hiến máu. Ðến nay, Nhã đã có hơn 50 lần tham gia hiến máu. 

Hay trong công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách xã hội, bảo trợ xã hội, Nhã vẫn giữ thói quen là sắp xếp thời gian đến từng nhà thăm hỏi, tặng quà, sẵn dịp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Hiện thu nhập bình quân của người dân xã Tân Lập đạt gần 45 triệu đồng/người/năm. Toàn xã chỉ còn 8 hộ nghèo và 64 hộ cận nghèo. Xã không còn nhà tạm bợ, nhà dột nát. 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia…

Thanh Nhã và con gái.

Ðịa bàn rộng, dân số đông, sống không tập trung nhưng Nhã không ngại khó, ngại cực. Nhã nói: “Xã có thuận lợi là vùng căn cứ cách mạng nên việc vận động các nguồn lực xã hội chăm lo cho các đối tượng chính sách xã hội rất dễ thực hiện.

Rất nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm, cùng chung tay với chính quyền xã xây dựng các thiết chế văn hoá, chăm lo cho các đối tượng bảo trợ xã hội… Ðời sống của người dân ngày một khá lên, số gia đình đạt chuẩn gia đình văn hoá ngày một nhiều là niềm vui đối với em”.

Có trách nhiệm, lại tận tâm với công việc được giao là những nhận xét của không ít người dân dành cho Nhã. Với Nhã, cương vị công tác không nói lên hiệu quả công việc. Chỉ khi thấy số hộ nghèo ở xã giảm, trẻ em đều được đến trường, người khuyết tật được chăm lo đầy đủ… thì cô mới an lòng. Ðó là điều mà những người đam mê hoạt động xã hội như Nhã hướng tới.  

Sau một ngày bận rộn với việc làng xã, Nhã trở về căn nhà nhỏ đơn sơ, gọn gàng cùng đứa con gái xinh xắn của mình. Hạnh phúc của cô là nghe tiếng con trẻ cười đùa, được hàng xóm xung quanh quý mến. Cuộc sống vẫn còn nhiều điều bất ngờ phía trước, sau bao thử thách, trở ngại, Nhã sẽ tiếp tục vững vàng, đạt nhiều thành công mới trong cuộc sống, công việc, bởi tôi luôn “Tin ở hoa hồng”.

Kim Ngân

Tin cùng chuyên mục