Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đoàn luật sư tỉnh Tây Ninh: Vì sao một luật sư bị xoá tên?
Thứ năm: 23:58 ngày 09/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ban Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh thi hành xử lý kỷ luật với hình thức: “Xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh” đối với bà Dương Thị Kiều Nga.

Mới đây, Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh có văn bản thu hồi quyết định kết nạp luật sư và thi hành kỷ luật xoá tên khỏi danh sách Đoàn Luật sư  đối với bà Dương Thị Kiều Nga do vi phạm Điều 4, Điều 10, Điều 26 của Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung năm 2012; điểm  c, d Khoản 2 Điều 31 quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kỷ luật (Ban hành kèm theo Quyết định số 203/QĐ - HĐLSTQ ngày 19.12.2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc).

Nhận tiền của đương sự để “lo” thủ tục Giám đốc thẩm bản án phúc thẩm đã có hiệu lực

Theo Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh, ngày 11 và 15.3.2021, luật sư Dương Thị Kiều Nga – sinh năm 1983, thường trú tổ 2, ấp Ninh Phú, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu ký hợp đồng đại diện theo uỷ quyền cho ông Trần Văn Chung – sinh năm 1980, ngụ tổ 2, khu phố 5, phường Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với nội dung: Bà Nga đại diện cho ông Chung liên hệ với Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương và các cơ quan có thẩm quyền nộp đơn đề nghị và các văn bản liên quan đến việc yêu cầu giám đốc thẩm Bản án hình sự số 06/2015/HSST ngày 23.3.2015 của TAND tỉnh Bình Dương về phần trách nhiệm dân sự của ông Trần Văn Chung phải thi hành; thù lao uỷ quyền là 750.000.000 đồng và bà Nga đã nhận ba lần đủ số tiền này; thời hạn thoả thuận miệng là trong một năm, kể từ ngày ký uỷ quyền sẽ xong việc cho ông Chung. Ba Nga khẳng định sẽ hoàn thành vụ việc uỷ quyền trong năm 2021, nếu không thực hiện xong, bà sẽ hoàn trả lại số tiền.

Quá thời hạn cam kết mà bà Nga vẫn không thực hiện được hợp đồng nên ngày 24.8.2022, ông Chung đã làm đơn tố cáo, đề nghị Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh xem xét xử lý về đạo đức nghề luật sư vì tại thời điểm ký kết hợp đồng uỷ quyền vào ngày 11.3 và 15.3.2021, bà Nga chưa là luật sư nhưng mạo danh là luật sư, nên ông mới uỷ quyền thực hiện vụ việc; bà Nga cố ý lừa dối, biết sự việc không làm được mà vẫn nhận làm, đưa ra nhiều nội dung không đúng sự thật để nhận tiền. Ông Chung nhấn mạnh yêu cầu bà Nga phải trả lại số tiền 750.000.000 đồng. Theo lời ông Chung, sau khi ông làm đơn tố cáo, bà Nga còn có lời hăm doạ.

Khi làm việc với Đoàn Luật sư, bà Nga không đồng ý trả lại số tiền trên, vì cho rằng trên thực tế, bà có thực hiện những điều khoản trong hợp đồng đã ký kết, gồm: gửi đơn đề nghị, kiến nghị xem xét… cho các cơ quan có thẩm quyền. Nếu hoàn lại, bà Nga chỉ đồng ý trả 50% số tiền đã nhận. 

Quyết định của Đoàn luật sư tỉnh Tây Ninh.

Vi phạm đạo đức nghề nghiệp luật sư nghiêm trọng

Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh nhận thấy, tại thời điểm ký kết hợp đồng uỷ quyền, bà Dương Thị Kiều Nga chưa là luật sư nhưng lại nhận cung cấp dịch vụ pháp lý và có nhận chi phí, thù lao dịch vụ pháp lý là vi phạm Điều 4 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bổ sung  năm 2012.

Mặt khác, Điều 379 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm phần dân sự trong vụ án hình sự được thực hiện theo pháp luật về tố tụng dân sự. Theo Điều 327, 334 Bộ luật Tố tụng dân sự thì thời hạn đề nghị xem xét giám đốc thẩm của đương sự là 1 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực thi hành; thời hạn người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm tối đa 5 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực thi hành.

Bản án số 06/2015/HSST ngày 23.3.2015 của TAND tỉnh Bình Dương đã hết thời hiệu kháng nghị giám đốc thẩm ngày 23.3.2020 nhưng ngày 11.3.2021 bà Nga vẫn nhận đại diện theo uỷ quyền để làm. Điều này cho thấy, bà Nga là người có hiểu biết pháp luật, lợi dụng nhận thức hạn chế của khách hàng để nhận, thực hiện vụ việc - dù biết rằng không thể thực hiện được nhưng lại nhận số tiền rất lớn.

Nghiêm trọng hơn, hồ sơ thể hiện khi nhận vụ việc, bà Dương Thị Kiều Nga đã bịa đặt ra nhiều việc, nhiều tình huống không có thật, có tính chất lừa dối với mục đích không trả lại tiền, gây thiệt hại rất lớn về tài sản cho ông Trần Văn Chung mà không khắc phục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín nghề luật sư. Mặc dù không thực hiện được công việc nhưng bà Nga còn sách nhiễu yêu cầu đưa thêm 250.000.000 đồng.

Sau khi vụ việc tố cáo được Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh thụ lý giải quyết, bà Nga có cung cấp “Giấy cam kết giải quyết vụ việc cho Trần Văn Chung” đề ngày 4.11.2022, nội dung thể hiện: Bà Nga giao số tiền cho người thứ ba để lo giải quyết vụ việc của ông Trần Văn Chung - thoả thuận thuê dịch vụ bên ngoài có nội dung tiêu cực, trái quy định của pháp luật gây ảnh hưởng xấu đến uy tín nghề luật sư.

Luật sư Dương Thị Kiều Nga có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm rất nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp luật sư Việt Nam, không trung thực, đối phó, gây khó khăn trong quá trình xác minh giải quyết vụ việc; không đủ tiêu chuẩn luật sư theo quy định tại Điều 10 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bổ sung năm 2012; nhưng tại thời điểm xét đơn đề nghị gia nhập Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh của bà Dương Thị Kiều Nga ngày 17.8.2022, Ban Chủ nhiệm không phát hiện những vi phạm nghiêm trọng nêu trên.

Mặt khác, khi đã trở thành luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý không chuyển sang thoả thuận cho phù hợp với hình thức hành nghề (hành nghề phải thông qua tổ chức hành nghề luật sư), vi phạm Khoản 1 Điều 26 Luật Luật sư được sửa đổi bổ sung năm 2022.

Trước những vi phạm của bà Dương Thị Kiều Nga, Ban Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định thu hồi Quyết định số 160/QĐ-BCN ngày 17.8.2022 của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh về việc kết nạp bà Dương Thị Kiều Nga làm luật sư thành viên; Thi hành xử lý kỷ luật với hình thức: “Xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh” đối với bà Dương Thị Kiều Nga.

Đối với đơn tố cáo của ông Trần Văn Chung, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư, căn cứ Điều 59 Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi bổ sung năm 2012; Khoản 2 Điều 37 Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kỷ luật (Ban hành kèm theo Quyết định số 203/QĐ-HĐLSTQ ngày 19.12.2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc), nội dung này không thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư.

Nếu ông Trần Văn Chung cho rằng bị bà Nga lừa dối để lấy tiền thì gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự hoặc hình sự.

Hôm 1.2, Đoàn luật sư tỉnh Tây Ninh cũng có thông báo cho biết, thời gian qua, đoàn liên tục nhận được nhiều đơn, thư gửi qua đường bưu điện và gọi điện thoại trực tiếp hỏi các ông, bà sau có phải là luật sư hay không, gồm: bà Lê Thị Dung - sinh năm 1977, địa chỉ: số 90, đường Trương Tùng Quân, khu phố 5, phường 3, thành phố Tây Ninh; bà Đỗ Thị Mai - sinh năm 1962, địa chỉ: tổ 4, ấp 4, xã Suối Dây, huyện Tân Châu và ông Nguyễn Văn Thịnh, sinh năm 1953; địa chỉ: số 96, đường Nguyễn Văn Rốp, khu phố 1, phường IV, thành phố Tây Ninh.

Sau khi kiểm tra, đối chiếu danh sách luật sư là thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh khẳng định các ông, bà trên không phải luật sư của bất cứ đoàn luật sư nào trên phạm vi toàn quốc.

Mặc khác, khi hành nghề luật sư đều có Thẻ luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp theo quy định. Nếu nghi ngờ mạo danh luật sư, cá nhân, tổ chức yêu cầu xuất trình Thẻ luật sư hoặc liên hệ theo số điện thoại: 02763.822067 để được giải đáp, hướng dẫn cụ thể.

Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh thông báo đến các cá nhân, tổ chức được biết và đề cao tinh thần cảnh giác nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Đ.H.T

Tầm Hoan

Tin cùng chuyên mục