Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đọc “Kể chuyện cụm tình báo H.63 anh hùng”: “Chúng tôi đã hy sinh trọn đời cho Tổ quốc”
Thứ tư: 08:59 ngày 03/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cuốn sách dành nhiều câu chuyện kể về sự hy sinh vô bờ bến của những “giao thông viên” là phụ nữ. Ông Tư Cang vô cùng tự hào về những người phụ nữ này

Bìa sách “Kể chuyện cụm tình báo H.63 anh hùng”.

1.

Tháng 4.2023, cùng với tác phẩm “Người thầy” của cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân), Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh cho ra mắt quyển “Kể chuyện cụm tình báo H.63 anh hùng” của Nguyễn Quang Chánh. Cuốn sách dày 213 trang, kể lại hoạt động của nhiều thành viên trong Cụm tình báo H.63, thời đất nước có chiến tranh.

Mặc dù tập hợp nhiều nhân vật nhưng cuốn sách chủ yếu kể về nhà tình báo Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang). Phần còn lại của cuốn sách, thông qua nhà tình báo Tư Cang, tác giả đề cập đến một số chi tiết về nhà tình báo vĩ đại Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung). Ngoài hai nhân vật chính, sách cũng dành một phần nói về những người phụ nữ miền Nam thuộc “biên chế” của Cụm tình báo H.63.

Hầu hết những nhân vật trong cuốn sách này không còn xa lạ với những ai quan tâm, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động của các nhà tình báo nước ta thời chiến tranh. Thông tin trong cuốn sách cũng không hoàn toàn mới, vì nhiều sách báo, phim ảnh đã khai thác về đề tài này. Cái đáng quý ở chỗ, tác giả cuốn sách đã bỏ ra nhiều thời gian để trực tiếp nghe nhân vật chính - ông Tư Cang kể chuyện. Có lẽ nhờ yếu tố này, cuốn sách góp phần bổ sung thông tin và phổ biến rộng rãi hơn đối với công chúng yêu sách.

Nhà tình báo Tư Cang hẳn nhiều người đã biết hoặc nếu chưa biết, chỉ cần lên mạng tra cứu, trong nháy mắt, ta có hàng ngàn kết quả thông tin về nhà tình báo này. Ông Tư Cang sinh năm 1928, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thời niên thiếu ông học rất giỏi và ông nói với tác giả Nguyễn Quang Chánh rằng, nếu không có chiến tranh, ông chắc chắn thành một thầy giáo.

Năm 1946, ông lập gia đình ở tuổi 22 và sau đó ít lâu, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, ông trở thành một chiến sĩ quân báo của lực lượng Việt Minh tại quê nhà. Kể từ thời điểm này, cuộc đời ông gắn bó với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cho đến ngày “toàn thắng về ta”.

Năm 1954, theo tinh thần Hiệp định Genève, ông Tư Cang tập kết ra miền Bắc, để lại người vợ trẻ và đứa con gái nhỏ ông chưa hề biết mặt. Năm 1961, ông Tư Cang từ miền Bắc trở về miền Nam chiến đấu và sau đó, ông mới lần đầu được gặp cô con gái, khi ấy đã 15 tuổi.

Cô con gái không hề biết cha mình là ai, bởi ký ức tuổi thơ của cô về người cha hầu như không có. Mất một thời gian dài, tình cảm của người con gái dành cho cha mình mới thật sự là tình cha con. Nhà tình báo không nửa lời than vãn gì về câu chuyện đó nhưng nó giúp người đọc sách và những thế hệ trẻ hôm nay thêm một lần cảm nhận sự mất mát bởi chiến tranh.

Tương tự câu chuyện của ông Tư Cang, cuốn sách cũng đề cập đến trường hợp hai cha con đều tham gia cách mạng. Tại Hà Nội, nơi ông là cán bộ tập kết, còn anh con trai cũng từ miền Nam được đưa ra đào tạo tại miền Bắc. Người cha lần đầu gặp con trai mình khi anh đã 20 tuổi. “Ba là ba của con đây” - người cha nói với anh thanh niên.

Trong khi người con trai bối rối xen lẫn hoài nghi: “Bác là ai, làm sao bác chứng minh được bác là ba của cháu”. Tất nhiên, không mấy khó khăn để “cha con miền Nam trên đất Bắc” nhận ra nhau. Nhưng chính anh con trai, lúc này sắp trở thành một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam thú nhận, “tôi thấy tình cảm cha con sượng sượng thế nào ấy”. Cho đến khi non sông thu về một mối, tình cảm cha con của họ mới dần trở thành tình cảm gia đình, như một lẽ tự nhiên.

2.

Hoạt động tình báo ngay đô thành Sài Gòn, cách nơi ở của vợ con chỉ mấy bước chân nhưng suốt nhiều năm, ông Tư Cang không thể gặp gia đình riêng của mình. Cụm tình báo H.63 có một điểm đặc biệt, phần lớn những “giao thông viên” là các cô gái xinh đẹp, thông minh, gan dạ và trung thành ở vùng đất Củ Chi. Một lần, ông Tư Cang cùng một “giao thông viên” đóng vai tình nhân đi làm nhiệm vụ.

Trên đường đi, tình cờ vợ ông Tư Cang nhìn thấy. Dẫu tổ chức đã thông báo đầy đủ và vợ ông Tư Cang cũng biết rõ chồng mình cùng đồng đội đang thực hiện nhiệm vụ nhưng hình ảnh đó khiến “bà xây xẩm mặt mày” và đổ bệnh mất mấy ngày.

Tổng tấn công Xuân Mậu Thân năm 1968 nổ ra. Trong một trận đánh diễn ra ngay trước mắt ông Tư Cang, cách nơi ông đang trú ẩn chỉ vỏn vẹn chừng năm chục mét. Lúc này, ông Tư Cang đang ở trong một căn hộ ngay đô thành Sài Gòn. Tận mắt chứng kiến đồng đội từng người ngã xuống, ông Tư Cang không biết xử trí như thế nào.

Đúng lúc đó, nữ chủ nhà- cũng là một “giao thông viên” Cụm tình báo H.63 nói với ông: “Anh phải ra tay để chia lửa với đồng đội”. Lời nói của cô giao liên càng khiến ông rối trí hơn, không biết phải quyết định như thế nào, vì nếu nổ súng, nguy cơ bị lộ rất cao. Khi đó, không chỉ ông, cả đường dây điệp báo mất bao công sức gầy dựng hoàn toàn có thể bị xoá sổ, hậu quả không sao đo đếm được. Nhưng “cô gái Sài Gòn” tiếp tục hối thúc.

Ông Tư Cang có biệt tài bắn súng ngắn cả hai tay. Hai phát súng vang lên. Hai tay súng của quân địch đổ sập xuống ngay trong tầm mắt ông. Đúng như ông Tư Cang lường trước, căn cứ vào vết thương trên thi thể, quân địch không mấy khó khăn để tính toán đường đi, hướng bắn của viên đạn. Ngay lập tức, ngôi nhà ông Tư Cang đang trú ẩn bị bao vây, lục soát khắp nơi, kể cả bàn thờ Phật, tủ đựng quần áo. Nhà tình báo Tư Cang thoát chết trong đường tơ kẽ tóc khi chủ căn hộ- cũng là đồng đội “nhét” ông vào trong đống vải rất lớn của gia đình.

3.

Tác giả đã khá tỉnh táo khi hỏi ông Tư Cang về sự hy sinh trong chiến tranh. Nhà tình báo kể, sự hy sinh trong cuộc kháng chiến không thể và không nên chỉ thống kê về số liệu, vì “đã có những hy sinh, khó nói hết bằng lời”. Để Cụm tình báo H.63 hoạt động an toàn, chỉ tính riêng để bảo vệ ông Tư Cang và ông Phạm Xuân Ẩn, đã có 27 người hy sinh.

Trong đó có một người tên Tư Lâm bị bắt và chấp nhận chết trong tù, không khai ra danh tính của ông Phạm Xuân Ẩn- nhà tình báo chiến lược. Chính ông Ẩn đã nói trên VTV trong chương trình “Người đương thời” rằng, ông là “con cá lớn”, nếu bị lộ, tổn thất không sao kể xiết.

Sau này, trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, ông Phạm Xuân Ẩn nói với ông Tư Cang “anh em mình sống sót là nhờ ông bà phù hộ và sự hy sinh của anh em đồng chí, chứ tụi mình có giỏi gì hơn anh em đâu”.

4.

Có một chi tiết cần ghi nhận trong cuốn sách này (vì hình như chưa thấy tài liệu nào nhắc đến) đó là chuyện ông Tư Cang và ông Phạm Xuân Ẩn suýt bị lộ. Chuyện kể, một lần hai ông nhận được chỉ thị của cấp trên: bằng mọi cách phải chuyển một bức thư mật của “một quốc gia bạn bè với ta” đến tận tay nhà tình báo của họ đang hoạt động tại Sài Gòn.

Ông Ẩn nói với ông Tư Cang, vụ này quá nguy hiểm, nếu nhà tình báo của nước bạn phản bội hoặc chơi trò điệp viên hai mang, số phận hai ông như cá nằm trên thớt. Nhưng cấp trên cho biết, nhiệm vụ này tối quan trọng, phải thực hiện.

Sau đó, ông Tư Cang bàn với ông Ẩn: “Ta phải làm thôi, nếu cần tôi với anh chấp nhận hy sinh”. Điệp vụ này hoàn thành khi ông Ẩn hẹn nhà tình báo kia tại toà soạn, nơi ông đang làm phóng viên và cũng may mắn là, nhà tình báo nước bạn không phản bội hai ông.Tuy nhiên, theo lời ông Tư Cang, sau vụ đó, đầu ông Ẩn luôn trong trạng thái căng thẳng tột độ, cho đến ngày 30.4.1975, ông mới biết rằng đã an toàn.

5.

Cuốn sách dành nhiều câu chuyện kể về sự hy sinh vô bờ bến của những “giao thông viên” là phụ nữ. Ông Tư Cang vô cùng tự hào về những người phụ nữ này. Nếu không có những “hộp thư” xuất sắc và trung thành vô hạn này, tin tức của các nhà tình báo chiến lược cũng không có ý nghĩa gì.

“Thế hệ tụi cô đã đi qua chiến tranh, đã cống hiến, phụng sự Tổ quốc bằng tất cả sức lực và máu xương của mình. Không ai đòi hỏi bất cứ cái gì đâu. Tất cả rồi cũng về gặp ông bà hết. Ráng giáo dục con cháu yêu quý đất nước này”- nhân vật Tám Kiên, một nữ tình báo quê Củ Chi nói với tác giả cuốn sách.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục