Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW:
Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp
Thứ tư: 11:14 ngày 08/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 7.12, tại điểm cầu Tây Ninh, ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18.3.2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT); tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

Ông Trần Văn Chiến – Phó chủ tịch UBND tỉnh (bên trái) chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Ông Đỗ Văn Chiến- Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam đến dự và chỉ đạo hội nghị.

Theo báo cáo, sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW và Luật HTX năm 2012, tính đến nay cả nước có 97% HTX nông nghiệp thực hiện đăng ký lại, chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Từ năm 2002 đến nay, cả nước đã giải thể, sáp nhập trên 4.500 HTX yếu kém, ngừng hoạt động; thành lập mới trên 14.500 HTX nông nghiệp (riêng giai đoạn 2012-2021 là gần 11.000 HTX mới thành lập) đưa tổng số HTX nông nghiệp của nước ta lên gần 18.000 HTX.

Tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX trong lĩnh vực nông nghiệp trên cả nước 20 năm qua đạt khoảng 8.180 tỷ đồng. Từ năm 2018 đến nay các HTX đã thu hút 858 cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc. Hiện, cả nước có gần 2.300 HTX nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp trong HTX, 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất; trên 4.300 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản. Trong tổng số trên 5.000 sản phẩm OCOP cả nước, có 39% sản phẩm thuộc về các tổ hợp tác, HTX. Mỗi HTX nông nghiệp cung cấp từ 7-16 dịch vụ cho thành viên, hộ nông dân, góp phần tăng 20% thu nhập cho các hộ thành viên, khẳng định được vị trí của HTX trong chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. KTTT, HTX đã có những tiến bộ cả về số lượng, chất lượng, khắc phục được những tồn tại, yếu kém kéo dài, ngày càng khẳng định tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai.

Thời gian thực hiện Nghị quyết 13 và Luật HTX năm 2012, HTX, tổ hợp tác thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp thu hút số lượng khá lớn hộ cá thể tham gia thành viên; phần lớn HTX thành lập theo Luật HTX năm 2012, tổ chức sản xuất, kinh doanh tập trung, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên, gắn với chuỗi giá trị, phù hợp với tiềm năng, lợi thế, ngành nghề truyền thống địa phương; chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị.

Khác với HTX nông nghiệp, phần lớn HTX phi nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh tập trung, huy động nguồn lực từ thị trường, cơ chế quản trị linh hoạt và ứng dụng công nghệ tiên tiến, mục tiêu bảo đảm đồng thời lợi ích cho thành viên và HTX là có lãi, có năng lực cạnh tranh để thích nghi với thay đổi của thị trường; các thành viên hợp tác, liên kết chặt chẽ theo quy trình sản xuất.

Việc phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực cho thành viên; đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị cơ sở, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phát triển nguồn nhân lực có tay nghề và chất lượng cao; khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo đối với lao động trẻ; giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; nâng cao nhận thức của xã hội về HTX kiểu mới.

Số lượng các loại hình tổ chức KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp còn thấp so với nhu cầu và tiềm năng liên kết, hợp tác, phát triển trong ngành công nghiệp và dịch vụ. Phần lớn HTX có quy mô nhỏ, quy mô và hiệu quả hoạt động tăng trưởng không đều các lĩnh vực, đa số chưa thực sự tạo sức hút đầu tư; số HTX quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, xuất khẩu, sản xuất theo chuỗi giá trị, OCOP mới chiếm khoảng 35%.

Quá trình triển khai Nghị quyết 13 cho thấy Đảng, Nhà nước ta đã thực sự quan tâm, chú trọng đến đặc điểm, ưu thế của KTTT, HTX lĩnh vực PNN; có chủ trương, định hướng phát triển phù hợp và có cơ chế, chính sách riêng để thúc đẩy phát triển KTTT, HTX lĩnh vực PNN. Đặc biệt, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền; phát huy vai trò của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam trong tư vấn, hỗ trợ, cung ứng dịch vụ công, giám sát và thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên.

Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết và Luật HTX năm 2012, KTTT đã có chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng nhưng không mang tính đột phá. Mục tiêu phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp đến năm 2030 là số lượng các loại hình KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng trưởng từ 10% - 16%/năm; cả nước có khoảng 250.000 THT, 26.000 HTX, 70 Liên hiệp HTX; thu hút 8 triệu thành viên và tạo việc làm cho 5 triệu lao động thường xuyên; thu hút hầu hết hộ cá thể thể ở nông thôn và khoảng 30% hộ cá thể thành thị tham gia tham gia HTX, THT lĩnh vực phi nông nghiệp; hầu hết cán bộ quản trị, điều hành HTX và Ban kiểm soát HTX có trình độ đại học, cao đẳng; các thành viên và người lao động được phổ biến kiến thức và đào tạo nghề.

Tại hội nghị, ông Đỗ Văn Chiến- Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp phát triển KTTT trong thời gian tới: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và xã hội về phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển; tiếp tục sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp đi đôi với bảo đảm nguồn lực thực hiện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

Tại Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh có 56/161 HTX lĩnh vực phi nông nghiệp, chiếm 34,7% tổng HTX trên địa bàn tỉnh; tăng 25 HTX so với năm 2001 và tăng 12 HTX so với năm 2013. Trong 56 HTX lĩnh vực phi nông nghiệp của tỉnh, có 21 HTX công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, 14 HTX Giao thông vận tải, 3 HTX môi trường và 18 Quỹ tín dụng nhân dân.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục