Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Các cấp, ngành đã tìm tòi, đổi mới, áp dụng đa dạng hình thức, phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã và đang được các cấp, ngành, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật.
Bà Đào Thị Anh Tuyết- Phó trưởng Phòng Xây dựng và Phổ biến pháp luật Sở Tư pháp cho biết, hình thức PBGDPL được nhiều đơn vị, địa phương áp dụng thực hiện trên nền tảng số như: tuyên truyền qua các phần mềm google meet, zoom; thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền pháp luật trên zalo, facebook, fanpage, cổng/trang thông tin điện tử; xây dựng và khai thác tủ sách pháp luật điện tử…

Năm 2024, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh đã tổ chức 11 cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, trong đó, có 6 cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật thu hút hơn 16.200 lượt người tham gia.
Bà Nguyễn Thị Lài- chuyên viên Phòng Tư pháp huyện Tân Biên chia sẻ, những câu hỏi được đặt ra trong cuộc thi không chỉ giúp mọi người ôn lại kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng tư duy pháp lý, khả năng phân tích và giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp luật trong thực tế.
“Việc ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các cuộc thi bằng hình thức trực tuyến là hoàn toàn phù hợp. Do cuộc thi tổ chức dưới hình thức trả lời các câu hỏi trực tuyến nên không phải tốn nhiều thời gian, không gian. Nội dung thi gồm các quy định pháp luật liên quan đến các lĩnh vực trong đời sống hằng ngày của người dân”- bà Lài nói.
Ngoài ra, các cấp, ngành tiếp tục tăng cường phối hợp tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ và Nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Tây Ninh đăng tải 220 tin, bài, clip tuyên truyền, giới thiệu pháp luật, hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên báo điện tử; các Đài Truyền thanh cấp huyện, xã tăng cường thông tin các văn bản pháp luật mới được ban hành, quy định pháp luật gắn liền với cuộc sống cho cán bộ và Nhân dân ở địa phương được 5.968 giờ phát sóng.
Trong năm, các trang/cổng thông tin điện tử của các sở, ngành tỉnh, đã đăng tải được 10.400 văn bản, bài viết, thông tin pháp luật, thông tin phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông…
“Việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số trong công tác PBGDPL đã đưa pháp luật tiếp cận được nhiều đối tượng hơn, đặc biệt là đoàn viên, thanh thiếu niên và người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Ngoài ra, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian tổ chức các hoạt động PBGDPL truyền thống; nâng cao tính tương tác, giúp người dân dễ dàng đặt câu hỏi, thảo luận và cập nhật thông tin pháp luật kịp thời; tạo ra môi trường pháp lý minh bạch, công khai, thúc đẩy sự tuân thủ pháp luật trong xã hội”- bà Đào Thị Anh Tuyết- Phó trưởng Phòng Xây dựng và Phổ biến pháp luật Sở Tư pháp nói.

Để truyền tải các thông tin pháp luật đến Nhân dân một cách nhanh chóng, kịp thời, Phòng Tư pháp huyện Châu Thành phối hợp Trung tâm Văn hoá, Thể Thao và Truyền thanh huyện xây dựng chương trình truyền thanh “Tiếng chuông pháp luật”. Để thực hiện chương trình, Phòng Tư pháp huyện cử thành viên chủ động nghiên cứu tình hình thực tiễn, nhu cầu tiếp cận thông tin của công dân trên địa bàn, xác định những nội dung tuyên truyền; soạn thảo đề cương giới thiệu các quy định pháp luật liên quan.
Bà Diệp Thị Để- chuyên viên Phòng Tư pháp huyện Châu Thành cho biết, việc xác định nhu cầu tiếp cận thông tin của công dân trên địa bàn được thực hiện thông qua hình thức phỏng vấn, gửi phiếu thăm dò nhu cầu tiếp cận thông tin; giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết thủ tục hành chính tại UBND cấp xã hoặc qua việc đánh giá tình hình thực hiện và vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Sau đó, Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh huyện sẽ biên soạn lại các nội dung theo hướng ngắn gọn, súc tích; tổ chức thu âm và phát trên hệ thống truyền thanh vào ngày thứ 7 hằng tuần trên chuyên mục riêng; đồng thời, triển khai nhóm Zalo cộng tác viên của Trung tâm, cổng thông tin điện tử của huyện.
“Hoạt động này vừa tiết kiệm chi phí tổ chức hội nghị tuyên truyền; việc truyền tải nội dung pháp luật cũng dễ dàng, thuận tiện hơn do các nội dung được lựa chọn là những lĩnh vực có liên quan đến cuộc sống, công việc, học tập của người dân; từ đó, nâng cao ý thức, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật của mỗi người”- bà Để chia sẻ.
Từ ngày 15.3.2024 đến nay, chương trình đã thực hiện phát sóng được 31 kỳ vào ngày thứ 7 hằng tuần với tổng thời gian phát 52 giờ. Bên cạnh đó, cán bộ Đài Truyền thanh các xã, thị trấn tuyên truyền bằng loa di động tại các chợ trên địa bàn huyện với 48 giờ phát; tuyên truyền trên Zalo, Facebook 347 tin, bài.
Bà Nguyễn Thị Liễu (58 tuổi, ngụ xã Đồng Khởi) cho biết: “Hằng ngày, mọi người đi làm nên ít có thời gian đọc sách, báo, thông qua nội dung tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, chúng tôi cập nhật được thông tin thời sự, tiếp thu được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách nhanh nhất, dễ hiểu nhất”.
Tuy nhiên, hiện nay, một số địa phương chưa có điều kiện tiếp cận internet và các thiết bị số. Khả năng tiếp cận công nghệ của một bộ người dân còn hạn chế, đặc biệt là nhóm người cao tuổi chưa quen với công nghệ số. Ngoài ra, việc bảo đảm tính chính xác, an toàn của thông tin pháp luật trên môi trường số chưa cao, nguy cơ lan truyền tin giả, thông tin sai lệch về pháp luật…
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL tại địa phương, Sở Tư pháp đề xuất xây dựng kho dữ liệu số về pháp luật, cung cấp thông tin pháp lý một cách trực quan, dễ hiểu thông qua các nền tảng trực tuyến; phát triển các ứng dụng tích hợp trí tuệ nhân tạo hỗ trợ giải đáp nhanh những câu hỏi liên quan đến pháp luật cho người dân; đẩy mạnh truyền thông pháp luật qua mạng xã hội, website chính thống, nền tảng trực tuyến (Youtube, TikTok, Facebook…); triển khai các chương trình đào tạo trực tuyến về kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân…
Thiên Di