Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đổi mới thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ: Nóng vội sẽ khó đạt mục tiêu
Thứ hai: 15:54 ngày 30/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bộ GD-ĐT vừa trình Chính phủ phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) từ sau năm 2020 (gọi tắt là Phương án). Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến băn khoăn về ngân hàng đề thi, trung tâm khảo thí quốc gia, chuyên gia khảo thí... mà Phương án chưa làm rõ.

Nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng và rút tỉa những bài học trong mười mấy năm đổi mới thi cử (13 năm “3 chung”, 5 năm “2 chung”), Bộ GD-ĐT rất khó đạt được mục tiêu đổi mới thi cử.

Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2019 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức.

Nhiều tham vọng 

Theo Phương án mà Bộ GD-ĐT phác thảo, từ 2021-2025 phải đổi mới phương thức thi, đề thi, tổ chức thi, đánh giá..., hướng đến mục tiêu công bằng, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.

Về phương thức thi, Bộ GD-ĐT khẳng định cơ bản giữ ổn định như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, đặc biệt có thêm phương thức tổ chức thi trên máy tính.

Với phương thức mới này, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo quy định của Bộ GD-ĐT, kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).

Về đề thi, các bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được giữ ổn định như năm 2019; cấu trúc lại các câu hỏi trong các bài thi tổ hợp tự chọn (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) theo chuẩn đầu ra của chương trình, chủ yếu là đánh giá kiến thức, kỹ năng và hướng tiếp cận đánh giá năng lực; giảm số lượng câu hỏi trong từng bài thi để trở thành bài thi tổng hợp, đồng thời từng bước hoàn thiện thành bài thi phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa; mỗi bài thi khi chấm chỉ cho ra một đầu điểm duy nhất, không còn 4 đầu điểm như hiện nay.

Học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nếu đáp ứng các quy định của Bộ GD-ĐT thì được hiệu trưởng trường THPT (hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên) cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Nếu học sinh có nhu cầu dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ được tham gia kỳ thi THPT quốc gia... 

Lý giải về cơ sở thực hiện Phương án trên, Bộ GD-ĐT cho rằng, tính khả thi của hoạt động tổ chức thi trên máy tính đã được nghiên cứu và phát triển qua nhiều thập niên trên thế giới, với các tổ chức khảo thí độc lập có uy tính như ETS, ACT...

Đối với Việt Nam, thành công của mô hình thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và việc triển khai hoạt động đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam là những tiền đề khả thi cho phương thức tổ chức thi trên máy tính.

Không đơn giản

Sau khi Bộ GD-ĐT trình Phương án, các chuyên gia, nhà quản lý đã bày tỏ băn khoăn vì có rất nhiều điểm cần phải được nghiên cứu kỹ hơn để có kế hoạch và hướng áp dụng sao cho hiệu quả, tránh “dục tốc bất đạt”.

Điểm các chuyên gia yêu cầu cần làm rõ là việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT theo quy định của Luật Giáo dục mới (tháng 7-2020 có hiệu lực). Giấy chứng nhận này có giá trị như thế nào đối với người nhận? TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, cho rằng giấy chứng nhận để cho những học sinh không muốn thi tốt nghiệp và giá trị pháp lý sẽ được quy định sao để người học có thể học liên thông và sử dụng khi đăng ký học nghề, tham gia thị trường lao động trong nước và quốc tế. 

Một thành viên Tổ tư vấn cho Ủy ban Đổi mới giáo dục quốc gia băn khoăn, việc tổ chức thi trên máy tính không hề đơn giản và phải có lộ trình chuẩn bị kỹ càng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo chuẩn bị điều kiện đầy đủ về ngân hàng đề thi, hạ tầng công nghệ, nguồn lực và các quy định cần thiết trước khi tổ chức thi trên máy tính.

Nếu Bộ GD-ĐT vẫn giữ cách làm đề trắc nghiệm như hiện nay thì rất khó để có ngân hàng đề thi chuẩn. Th.S Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), cho rằng muốn thi trên máy tính do các trung tâm khảo thí cấp quốc gia tổ chức cần có chuyên gia khảo thí, phải có hạ tầng đồng bộ và đủ mạnh (hệ thống máy tính - mạng - phần mềm - hệ thống bảo mật). Đặc biệt là xây dựng ngân hàng đề thi như thế nào? Do đó, nếu không làm đồng bộ thì sẽ khó mà thực hiện được. 

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT xây dựng  Phương án và mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT, là chuyện của các địa phương, tại sao lại vẫn phải huy động sự tham gia của các trường ĐH-CĐ? “Phải có lộ trình rút giảm và dừng hẳn việc tham gia của các trường cho rõ ràng. Từ nay đến năm 2025 là khoảng thời gian rất ngắn để thực hiện các mục tiêu tầm cỡ như ngân hàng đề thi, các trung tâm khảo thí quốc gia, các chuyên gia khảo thí, hạ tầng kỹ thuật...

Do vậy phải rất thận trọng, làm chắc chắn, nhất là công nghệ thay đổi liên tục. Nếu Bộ GD-ĐT vẫn giữ cách làm như những năm qua thì e rằng rất khó để đạt được mục tiêu đã đề ra”, một chuyên gia giáo dục băn khoăn.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, đổi mới phương thức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ là việc lớn, mang tầm quốc gia, nhưng Phương án vẫn chưa tìm được giải pháp khả thi sao cho phù hợp với tổng thể cải cách giáo dục, chương trình sách giáo khoa. 

Nguồn Sài Gòn Giải Phóng

Tin cùng chuyên mục