Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đồng bào Chăm chung tay phòng chống dịch Covid- 19
Thứ hai: 08:38 ngày 07/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Khu phố 2, phường 1, Thành phố có khá đông đồng bào dân tộc Chăm làm ăn, sinh sống. Trước tình hình dịch Covid- 19 ngày càng diễn biến phức tạp, bà con dân tộc Chăm ở đây đã thay đổi tập quán sinh hoạt hàng ngày, để góp phần phòng chống dịch bệnh.

Ông Abol Dacop học kinh Coran tại Thánh đường.

Đồng bào dân tộc Chăm ở phường 1 đều theo đạo Hồi giáo Islam. Theo nghi lễ của tôn giáo, mỗi ngày có đến 5 lần, đồng bào dân tộc Chăm ở đây tập trung đến Thánh đường cầu nguyện. Tuy nhiên, kể từ khi Tây Ninh có ca lây nhiễm Covid đầu tiên trong cộng đồng, bà con người Chăm điều chỉnh lịch tổ chức các nghi lễ theo đúng quy định của UBND tỉnh, thực hiện đúng khuyến cáo 5K của ngành Y tế. Ưu tiên công tác phòng chống dịch.

Trưa ngày 4.5, đến Thánh đường Hồi giáo phường 1, chúng tôi thấy chỉ có một mình ông Abol Dacop ngồi đọc kinh Coran. Ông Abol- Dacob cho hay, ông là người trông coi, chăm sóc nhà thờ nhiều năm qua, trước khi dịch bệnh xảy ra, hàng ngày các tín đồ đều đến Thánh đường cầu nguyện.

Tuy nhiên, hơn một tuần nay, khi dịch Covid- 19 xuất hiện ở Tây Ninh, chính quyền địa phương nhắc nhỡ đồng bào Chăm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, các tín đồ hạn chế đến Thánh đường, đa số bà con cầu nguyện tại nhà.

Trước đây, mỗi ngày có từ 50- 60 tín đồ đến cầu nguyện. Theo nghi lễ, ngày thứ sáu là ngày tập trung đông nhất trong tuần, có khoảng 80-90 người đến Thánh đường. Tuy nhiên, trong buổi sáng và trưa thứ sáu hôm nay, chỉ có hơn 10 tín đồ đến đây cầu nguyện. “Khi tín đồ đến cầu nguyện, tôi đều nhắc nhở bà tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, như đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn", ông Abol Dacop nói.

Chị Mary Giá nhắc nhở khách hàng đeo khẩu trang, chị mới bán bánh mì

Chiều thứ sáu, ngày 4.5, anh Dắc Pha, khu phố 2, phường 1 mặc trang phục nghi lễ Hồi giáo Islam nghiêm túc, nhưng anh không đến Thánh đường như mọi hôm mà ngồi ở nhà chờ đến giờ cầu nguyện. “Hỗm rày, báo, đài, chính quyền địa phương nhắc nhở nhiều đến tình hình dịch bệnh. Phòng ngừa nên hôm nay mình cúng ở nhà. Khi nào hết dịch bệnh mình sẽ đến Thánh đường”, anh Dắc Pha cho biết.

Chị Rohyna- dân tộc Chăm, ngụ khu phố 2, phường 1, làm nghề may gia công quần áo tại nhà. Chị Rohyna cũng bộc bạch, từ khi xảy ra dịch Covid- 19 đến nay, khi đi nhận hàng về may hoặc đi giao hàng cho khách, chị đều cẩn thận đeo khẩu trang, hạn chế ra chợ mua thức ăn. Nếu có ra chợ cũng đeo khẩu trang, đi nhanh, về nhanh, tránh tiếp xúc nhiều người. Hằng ngày, chị cũng thực hiện nghi lễ đầy đủ, nhưng cầu nguyện ở nhà, chứ không đến Thánh đường.

Chiều thứ Sáu vừa qua, chỉ có hơn 10 tín đồ đến Thánh đường cầu nguyện.

Chị Mary Giá làm nghề bán bánh mì ngay trước cửa nhà. Mỗi khi có người đến mua bánh mì, chị đều nhắc nhở khách hàng đeo khẩu trang, chị mới dám ra bán. Đồng thời chị không cho người mua ngồi tại bàn ghế trước sân nhà của chị ăn bánh mì như trước đây, mà buộc phải đem đi nơi khác để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng trách dịch bệnh.

Chị Mary Giá cho biết thêm, từ xưa, các hộ gia đình người Chăm ở đây đều thường xuyên qua lại, sống quây quần bên nhau. Nhưng hiện tại, bà con hạn chế tiếp xúc, hạn chế tổ chức các sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt chỉ giới hạn trong gia đình. Bà con cũng tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đây là lần thứ hai trong vòng 2 năm qua, đồng bào Chăm ở phường 1 tự giác thay đổi tập quán lối sống của mình và hạn chế các sinh hoạt cộng đồng để ưu tiên phòng chống dịch bệnh.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục