Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer được tổ chức từ ngày 14 đến 16.4 dương lịch hằng năm. Năm nay, tết vào thời điểm cả nước đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, không tập trung đông người tại các nơi công cộng. Tuân thủ theo quy định của Nhà nước, đồng bào Khmer đã tổ chức tết tại nhà, các nghi lễ chỉ do chư tăng thực hiện.
Ăn tết "giãn cách xã hội"
Ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân là địa phương có đông đồng bào Khmer nhất của thành phố Tây Ninh. Hiện có trên 200 hộ dân với khoảng 860 nhân khẩu. Để chuẩn bị đón tết, từ chiều ngày 13.4, tức ngày cuối cùng của năm cũ, người dân đã trang hoàng nhà cửa với những chậu vạn thọ, chưng bông, trái cây lên bàn thiên trước nhà.
Ngoài ra, nhiều nhà còn làm những đồ trang trí đặt trên bàn để đón năm mới với hoa sen, vạn thọ, lá trầu, thân chuối… cầu mong một năm mới nhiều điều tốt lành, may mắn. Mọi người đều vui vẻ với việc “ăn tết tại nhà”.
Bà Cao Thị Pư cho biết, năm nay không đi chùa nên bà không phải nấu nướng, làm bánh, bà và cháu ngoại dành nhiều thời gian làm những vật trang trí đón mừng năm mới tại nhà. Mọi năm trước, nhà bà chỉ làm đơn giản, trang trí ở bàn thiên phía ngoài với hoa, trái cây.
Nhưng năm nay, bà chuẩn bị một bàn cúng đón năm mới đủ đầy, long trọng hơn. Về việc không được đến chùa, bà Pư dứt khoát nói: “Nhà nước cách ly cho mình không có bệnh, phải làm theo Nhà nước. Năm nay mình không đi chùa, chờ năm sau thôi. Nhà nước sắp xếp cho mình không có bệnh là mừng rồi, không có buồn đâu”.
Ông Phạm Hoàng Thành Nam- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Thạnh Đông cho biết: Hầu như mọi người đều vui vẻ, đồng lòng hưởng ứng để thực hiện nghiêm túc theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ.
Mọi người đều ý thức giãn cách xã hội trong mọi hoạt động sinh hoạt tại cộng đồng, nhà nào tổ chức ăn tết nhà đó, không có trường hợp tập trung 2-3 nhà cùng ăn tết. Tất cả bà con đều mong được bình an, tết sau sẽ tổ chức gấp đôi.
Bàn đón năm mới của bà Cao Thị Pư.
Tại ấp Kà Ốt- một trong 3 ấp có đồng bào dân tộc thiểu số của xã Tân Đông, huyện Tân Châu, sáng mồng Một tết (ngày 14.4), mọi người cũng chấp hành tốt việc thực hiện giãn cách xã hội, nhà nào ở nhà đó. Không khí tết ở đây tuy không rộn ràng như mọi năm nhưng không khí tết hiện rõ qua việc trang hoàng nhà cửa, cách bày trí các bàn chưng đón năm mới, bàn thiên với nhiều hoa, quả. Tại một số gia đình, bà con ở nhà làm bánh, nấu cơm, đón năm mới tại nhà.
Chị Chan Nên và chị gái đang ngồi soạn lá chuối, chuẩn bị gói bánh ít và bánh tét ăn tết. Chị cho biết, năm nay gia đình chuẩn bị khoảng 8 kg bột, đậu để gói bánh. Những năm trước, nếu có đi chùa, số lượng đậu, nếp gói nhiều hơn. Năm nay không đi chùa, nhưng gia đình vẫn giữ phong tục, gói bánh để chia cho các anh chị em trong nhà mỗi người một ít.
Vợ chồng ông Cao Văn Ươn làm đồ chưng cúng.
Còn bà Xiêu Pong (ấp Đông Tiến, xã Tân Đông) vừa chuẩn bị bữa cơm trưa vừa nói: Giờ ở nhà cầu nguyện cho các nước hết bệnh, cho Việt Nam hết bệnh cũng được rồi. Mong ông trời cho mọi người được khoẻ mạnh.
Tất cả bà con Khmer đều hiểu, việc không được đến chùa những ngày tết Chôl Chnam Thmay là vì cái chung, vì sức khoẻ của cộng đồng.
Nghi lễ đơn giản mà trang trọng
Chùa là ngôi nhà chung của cộng đồng người Khmer trong những ngày đón năm mới. Nhưng những ngày này, tất cả đều vắng vẻ, yên ắng theo đúng khuyến cáo của chính quyền địa phương: không tập trung đông người.
Ngôi chùa Kirisatrâymeanchy (ấp Kà Ốt) mọi năm tết đến đều đón chào đông đảo bà con Phật tử từ nhiều nơi đến cầu nguyện, vui chơi. Nhưng năm nay, theo ông Nách Chan – Người uy tín của đồng bào Khmer ấp Kà Ốt, mọi nghi lễ, hoạt động vui chơi đều được Ban đại diện ở ấp và nhà chùa thống nhất dừng hoạt động.
“Chỉ có việc mang cơm vào dâng cho sư tại chùa là chúng tôi còn làm. Nhưng việc này do Ban đại diện mang đến. Khi đến chùa, mọi người sẽ đặt cơm vào bát của chùa rồi về nhà. Tất cả tuân thủ quy định của Chính phủ, không tập trung đông người”, ông Nách Chan nói.
Chị Chan Nên và người nhà gói bánh đón năm mới.
Đến chúc tết tại chùa Kirisatrâymeanchy vào sáng mồng Một, ông Nguyễn Hoà Bình- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu đã nhắn gửi đến Sư trụ trì cùng toàn thể bà con Khmer trong ấp, đây là cái tết đặc biệt của mọi người.
Mong bà con chia sẻ cùng chính quyền địa phương, cùng thực hiện tốt việc giãn cách xã hội mà không được đến chùa. Tất cả chúng ta hãy cùng thực hiện tốt chủ trương, nhà nào ở nhà nấy, xã nào ở xã nấy, để cùng chung tay ngăn chặn và xoá bỏ dịch bệnh Covid-19.
Còn tại chùa BoTumKiRiRangSay (Khedol) ấp Thạnh Đông, tết cổ truyền năm nay chùa cũng không tổ chức như mọi năm. Sư Lắc Phát – Sư phó của chùa cho biết, trước tết, chùa có nhờ Phật tử ở trong ấp vận động mọi người mua trái cây và hoa mang đến chùa dâng, cúng vào những ngày tết.
Sau đó, các sư ở chùa sẽ phụ trách việc chưng bông, trái lên chánh điện. Mọi hoạt động trang hoàng khác đều không thực hiện, kể cả những nghi lễ tín ngưỡng cũng sẽ do chư tăng đảm nhiệm. “Mọi hoạt động chỉ tổ chức gói gọn trong chùa, như cúng đón chư thiên đêm giao thừa, tắm Phật vào ngày cuối của Tết sẽ do chư tăng thực hiện”, Sư Lắc Phát – chùa BoTumKiRiRangSay (Khedol) cho biết.
Đại diện đồng bào Khmer mang cơm vào chùa Kirisatrâymeanchy (Kà Ôt) dâng cúng cho sư.
Ông Ngô Thành Lợi- Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân cho biết, những ngày qua, ngoài tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, địa phương thành lập các đoàn tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là lên chùa gặp sư cả, nói với bà con năm nay không tổ chức tại chùa mà thực hiện tại gia đình.
Phía UB.MTTQVN xã cũng tuyên truyền cho các tổ tự quản có đông đảo bà con dân tộc thiểu số Khmer để mọi người hiểu. Đến nay, bà con đều chấp hành, ở nhà ăn tết, đó là mong muốn của địa phương.
Tết mừng năm mới của đồng bào Khmer ở Tây Ninh diễn ra đúng với lời nhắn nhủ của Thủ tướng Chính phủ “Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay sẽ vẫn đầy ý nghĩa và niềm tin vào may mắn, tốt lành nhưng sẽ lắng đọng hơn với việc đồng bào, đồng chí, các vị chư tăng cùng thực hiện yêu cầu về giãn cách xã hội”.
Tất cả đều đồng lòng, để mọi người được an toàn và đón chào tết Chol Chnam Thmay năm sau sẽ lại tưng bừng, rộn rã.
Ngọc Diêu