Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đồng vợ, đồng chồng
Thứ sáu: 12:51 ngày 03/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bằng sự chung sức chung lòng, vợ chồng bà Thân, ông Luyến đã gầy dựng được cơ nghiệp. Các con của ông bà đều được học hành đến nơi đến chốn, có công việc làm ổn định.

Tay quăng những nắm bắp vàng ươm cho bầy gà vườn mập mạp, bà bảo: “Giờ được vầy là mừng lắm rồi cháu. Hồi nớ khổ lắm, chẳng biết làm sao để sống nữa là mong dư dả…”.

Bà tên Phan Thị Thân (SN 1955), còn chồng là ông Lê Minh Luyến (SN 1952), hiện ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu.

Bà Thân kể: “Năm 1975, cô là nữ quân nhân tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị, quen chú Luyến ở Bộ đội Biên phòng thành phố Đông Hà.

Cuối năm 1976, chú Luyến được điều đi học Trường sĩ quan Biên phòng 2 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hai phương trời xa cách, cũng không có điện thoại như bây giờ, nhưng tình cảm của cô chú vẫn bền chặt qua những cánh thư để đến năm 1977 quyết định cưới nhau”.

Hai ha ruộng khoán của nhà chồng, bà Thân phải nhờ người trong làng, trong họ làm giúp. Mà làm lúa lúc ấy rất cực, lúa cắt bằng tay, vận chuyển về bằng sức người, phơi khô rồi, mượn năm con trâu tới đạp… Mỗi năm được mười lăm ngày phép, là ngần ấy thời gian ông Luyến dành hết cho gia đình.

Ông ra đồng với vợ, giọi lại mái nhà, đóng sửa cái chuồng gà, đắp lại khoảng sân, gánh đầy ang nước… Năm 1980, từ Trường sĩ quan Biên phòng 2, ông Luyến được chuyển về làm việc tại Trường Hạ sĩ quan Bàu Cỏ - tỉnh Tây Ninh (nay là D19, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh).

Tình cảm vợ chồng bà Thân vẫn phải nhờ những cánh thư chuyên chở. Sau cơn bão số 8 (năm 1985) càn quét dữ dội qua vùng Bình - Trị - Thiên, ông Luyến quyết định đưa cả gia đình về Tây Ninh sinh sống.

“Hồi nớ vào tới Sài Gòn, cả gia đình năm sáu người chỉ còn hai trăm đồng thôi. Tờ tiền có hình máy cày ấy. Số tiền đó ăn được bốn tô hủ tiếu. May nhờ bạn bè giúp đỡ nên có được một ngàn rưỡi đồng và về được tới Tây Ninh”, ông Luyến bồi hồi nhớ lại.

Ông kể tiếp: “Vào đây rồi vẫn còn khổ lắm. Đơn vị chú cho ở tạm phía sau. Gia đình quá nhiều người, mẹ già, em gái, vợ và 3 con. Chú mượn được trăm ký gạo, cô đi phơi xác mía, nhổ cỏ, róc lá mía… cho nông trường”.

Rồi ông bà cũng tiết kiệm mua đất cất nhà ra riêng. Chiều chiều, hết giờ trong đơn vị, ông Luyến vội về nhà khoác áo tơi đi đắp bờ, ban gò mối, lấp hố bom… thuê cho bà con quanh vùng. Dù làm lụng quần quật nhưng ông Luyến không ốm đau gì.

Khi cái ăn cái mặc đã dần ổn định, cũng là lúc các con học hành cao hơn. Nỗi ám ảnh của bà Thân lúc đó là lương của chồng mỗi tháng chỉ 750 ngàn đồng, nhưng phải gửi 1,2 triệu đồng cho đứa con trai học đại học. Bà bảo: “Bí quyết gì đâu, mình cứ nghĩ cố chịu cực đời mình cho đời con khá hơn.

Mình chịu sống kham khổ mới hy vọng đời con sung sướng hơn. Cô nấu rượu, nuôi heo. Lương của chú và tiền bán rượu để dành cho con đi học. Khi ấy, hai đứa con gái của cô cũng bắt đầu ra trường đi dạy. Phụ nữ mình khéo tính, chuyện gì cũng xong thôi cháu à!”.

Bằng sự chung sức chung lòng, vợ chồng bà Thân, ông Luyến đã gầy dựng được cơ nghiệp. Các con của ông bà đều được học hành đến nơi đến chốn, có công việc làm ổn định. Ông bà cũng đã tích cóp mua được 3.000m2 đất trồng mía. Tuy nhiên, việc trồng mía không đem lại kết quả như mong đợi.

Sau cái đận phải bán 3.000m2 đất để thanh toán nợ ngân hàng vì trồng mía thua lỗ, bà Thân buồn, không thiết tha làm lụng gì nữa. Nhưng ông đã an ủi rằng cuộc đời lúc thăng lúc trầm, ngày nay mình đã tốt hơn hồi xưa lắm rồi.

Bây giờ, ông Luyến đã về hưu. Hằng ngày, ông tham gia công việc xóm làng, ở Hội Cựu chiến binh xã và câu lạc bộ thơ văn của huyện. Còn bà Thân vui với bầy gà và lò rượu tại gia. Ba người con cũng đã có tư riêng, nhưng cuối tuần đều đưa con cháu về thăm ông bà.

TRANG ĐÀO

Tin cùng chuyên mục