Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đưa lịch sử gần với hiện tại
Thứ hai: 22:26 ngày 23/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Công tác giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng, tuyên truyền về các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của đất nước- nhất là cho thế hệ trẻ được các cấp, ngành quan tâm thực hiện.

Em vẽ chân dung Bác Hồ. Ảnh: Huỳnh Thanh Liêm

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, công tác giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng, tuyên truyền về các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của đất nước- nhất là cho thế hệ trẻ được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Khi hiểu rõ về truyền thống cách mạng, lịch sử của dân tộc, chúng ta sẽ biết trân quý hơn giá trị của hoà bình, độc lập và tự do.

Hành lang lịch sử - Dạy lịch sử gắn với truyền thống quê hương

Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục cho đội viên, thiếu niên, nhi đồng về lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và truyền thống của địa phương có ý nghĩa quan trọng, giúp khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, năm 2020, Hội đồng đội huyện Châu Thành triển khai mô hình “Hành lang lịch sử” đến 44 Liên đội các trường tiểu học, trung học cơ sở.

Anh Lê Ngọc Minh Hùng- Phó Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Châu Thành cho biết, để thực hiện mô hình, đơn vị tham mưu Ban Thường vụ Huyện đoàn liên hệ Ban Tuyên giáo Huyện uỷ biên soạn nội dung về lịch sử địa phương, bao gồm Khu di tích lịch sử Chiến thắng Tua Hai - Đồng Khởi, cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh tại Giồng Nần - Long Vĩnh, Khu căn cứ Huyện uỷ Châu Thành, lịch sử về 9 anh hùng lực lượng vũ trang huyện Châu Thành và những hình ảnh, tiểu sử của Bác Hồ, các anh hùng dân tộc, phong trào của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Sau đó, Hội đồng Đội huyện thiết kế các hình ảnh chibi anh hùng dân tộc, mô hình 3D các di tích lịch sử, lồng ghép lời dạy của Bác dành cho thiếu nhi… in và dán vào các tấm bảng đặt ở hành lang. Chỉ đạo 100% liên đội các trường tiểu học, THCS tham mưu ban giám hiệu nhà trường chọn khu vực hành lang thực hiện mô hình bảo đảm dễ quan sát, dễ tiếp cận. Tiền thực hiện mô hình từ kinh phí của nhà trường, phong trào “Kế hoạch nhỏ”, “Thùng rác yêu thương” và vận động các nguồn lực xã hội.

Các em học sinh Trường tiểu học thị trấn Châu Thành A tham quan mô hình “Hành lang lịch sử”.

Cô Lương Thị Kiều Diễm- Tổng Phụ trách Đội Trường tiểu học thị trấn Châu Thành A chia sẻ, những hình ảnh, tiểu sử của Bác Hồ, các anh hùng dân tộc, phong trào của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, mô hình 3D các di tích lịch sử quê hương Châu Thành trung dũng kiên cường được trưng bày ở khuôn viên sân trường. Trên những hình ảnh ghi rõ tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp, mốc son quan trọng của nhân vật, sự kiện để học sinh được tiếp cận những kiến thức về truyền thống lịch sử một cách sinh động, dễ nhớ.

Tại bảng tin Liên đội còn trưng bày các cuộc vận động, phong trào đang được phát động thi đua, gương đội viên, thiếu nhi, nhi đồng tiêu biểu trong phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt”, “Kế hoạch nhỏ”, “Bông hoa chăm học”, “Vở sạch chữ đẹp”... nhằm cổ vũ, động viên các em tích cực học tập, hăng hái tham gia các hoạt động của Đội. 

“Mô hình được thiết kế dạng bảng treo, thuận tiện di chuyển. Với kiến thức lịch sử cơ bản, nội dung ngắn gọn, màu sắc bắt mắt, tạo sự hứng thú cho các em học sinh trong việc tiếp cận”- Tổng Phụ trách đội Trường tiểu học thị trấn Châu Thành A nói.

Cựu chiến binh, đoàn viên, thanh niên huyện Tân Biên chụp ảnh lưu niệm tại nhà của đồng chí Võ Văn Kiệt ở Căn cứ Trung ương Cục miền Nam trong một đợt về nguồn.

Em Võ Nguyễn Trúc Như- học sinh Trường tiểu học thị trấn Châu Thành A bày tỏ: “Sau khi tham quan “Hành lang lịch sử”, em càng thêm tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc ta, đặc biệt là Bác Hồ kính yêu. Người là nhà cách mạng tài ba, người anh hùng giải phóng dân tộc, người cha già kính yêu của dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới”.

“Mô hình giúp em hiểu rõ hơn những đóng góp lớn lao của những bậc tiền nhân với quê hương, đất nước. Đó cũng là lời nhắc nhở những người trẻ như chúng em phải sống và học tập tốt để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ trước”- em Trần Vũ Linh Đan, học sinh lớp 5D nói.

Phó Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Châu Thành cho biết thêm, để các em nắm kỹ kiến thức trên bảng treo, hằng tháng, Liên đội các trường còn tổ chức thi rung chuông vàng, hái hoa dân chủ và có những phần quà nhỏ, giúp các em hứng thú hơn trong việc học lịch sử. 

Liên đội các trường tiểu học, trung học cơ sở duy trì thực hiện mô hình, tổ chức sinh hoạt về ý nghĩa, nội dung lịch sử địa phương và lịch sử của Đoàn, Đội bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo đội viên, thiếu niên, nhi đồng tham gia.

Địa chỉ đỏ - Nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Với truyền thống “Trung dũng kiên cường”, Tây Ninh có nhiều khu di tích lịch sử, văn hoá qua các thời kỳ. Trong đó, phải kể đến Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; Di tích văn hoá - lịch sử núi Bà Đen; Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát; di tích Chiến thắng Tua Hai; địa điểm thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Tây Ninh tại Giồng Nần…

Những “địa chỉ đỏ” chính là kho tàng, tư liệu quý giá để giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng và khơi dậy niềm tự hào về quê hương, đất nước cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Văn Quý- Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tân Biên cho biết, việc tổ chức về nguồn tại các địa chỉ đỏ là một trong những hoạt động ý nghĩa nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, bất khuất của dân tộc, chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Trong năm 2022, đơn vị tổ chức cho hội viên về nguồn, tham quan du lịch được 10 cuộc với gần 320 hội viên tham gia. Những “địa chỉ đỏ” mà Hội ghé thăm là nơi tố cáo tội ác chiến tranh, nơi sưởi ấm các linh hồn liệt sĩ, mái nhà chung của những người chiến thắng trở về, những di tích lịch sử như Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (Đồi 82), Dinh Độc Lập, Địa đạo Củ Chi…

Hội Cựu chiến binh huyện Tân Biên còn phối hợp với Đoàn Thanh niên huyện, xã, thị trấn, trường học trên địa bàn tuyên truyền 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, các ngày lễ lớn, giáo dục mục tiêu lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên; phối hợp giao lưu văn hoá, kể chuyện truyền thống, thắp nến tri ân tại nhà bia tưởng niệm, viếng nghĩa trang liệt sĩ, đồng hành cùng thanh niên trong các hoạt động của Đoàn… Năm 2022, Hội đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục 88 cuộc với hơn 1.800 lượt đoàn viên, thanh niên tham dự.

Đoàn viên, thanh niên xã Đồng Khởi (huyện Châu Thành) tổ chức về nguồn tại địa chỉ đỏ di tích Chiến thắng Tua Hai.

Theo anh Trần Minh Thành- Bí thư Xã đoàn Đồng Khởi (huyện Châu Thành), năm 2022, Xã đoàn tổ chức 7 cuộc hành trình về các “địa chỉ đỏ”, đặc biệt phải kể đến di tích Chiến thắng Tua Hai nằm trên địa bàn xã. Đây là tháp canh được xây dựng từ thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Tua Hai từng là kho lưu trữ vũ khí của quân nguỵ và diễn ra nhiều đợt biệt kích. Trận đánh Tua Hai có ý nghĩa mở màn trong phong trào kháng chiến giải phóng miền Nam và mở đầu cho cuộc chống quân giặc giành độc lập. Kết quả của trận chiến này đã đi vào lịch sử và trở thành một trong những cột mốc đánh dấu giai đoạn chuyển mình của cách mạng miền Nam.

“Tại mỗi địa điểm đến tham quan, chúng tôi sẽ tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử, sự chiến đấu gian khổ, hy sinh anh dũng của ông cha ta để giữ từng tấc đất biên cương, dựng từng cột mốc khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia; đồng thời tổ chức cho đoàn viên, thanh niên thắp hương, tham quan, tập huấn kỹ năng, thi rung chuông vàng, trả lời các câu hỏi về “địa chỉ đỏ”.

Xã đoàn cũng thường xuyên tổ chức ra quân Ngày chủ nhật xanh, Ngày thứ bảy tình nguyện thực hiện các hoạt động như dâng hương, vệ sinh, quét dọn xung quanh khuôn viên khu di tích… Qua đó, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong thời kỳ mới” - Bí thư Xã đoàn Đồng Khởi nói.

Anh Châu Trần Nhật Minh- Uỷ viên Ban Thường vụ, phụ trách Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn cho biết, hành trình tìm về “địa chỉ đỏ” là một trong những hoạt động nằm trong bảng điểm thi đua công tác Đoàn - Đội được 18 đơn vị đoàn trực thuộc và hơn 290 đoàn cơ sở thực hiện với nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Bên cạnh việc tổ chức về nguồn, tham quan di tích để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, các cơ sở Đoàn còn lồng ghép tổ chức Bữa cơm yêu thương, chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với cách mạng neo đơn.

Các đơn vị còn lồng ghép trong thực hiện Ngày đoàn viên, cho đoàn viên, thanh niên gặp gỡ các “nhân chứng sống” của lịch sử là những cựu chiến binh, cán bộ cách mạng lão thành từng tham gia chiến đấu, nghe kể về những câu chuyện trong chiến tranh của người lính.

Tỉnh đoàn phối hợp với Báo Người Lao động (Thành phố Hồ Chí Minh), Bộ đội Biên phòng Tây Ninh triển khai thực hiện công trình thanh niên “Đường cờ Tổ quốc”, trao 5.000 lá cờ Tổ quốc cho các xã biên giới trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao lòng tự hào dân tộc, lan toả mạnh mẽ tinh thần yêu nước, chung tay khẳng định chủ quyền đất nước trên tuyến biên giới Tây Ninh.

Năm 2023, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục trao thêm 5.000 lá cờ cho các xã thuộc khu vực biên giới. Không chỉ vậy, năm 2021, Tỉnh đoàn ra mắt app Tani-Location, đây là sản phẩm ứng dụng số hoá 27 “địa chỉ đỏ”, giúp mọi người- đặc biệt là các bạn đoàn viên, thanh niên nắm rõ hơn các thông tin về địa chỉ đỏ, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh của địa phương.

Đường cờ Tổ quốc - Niềm tự hào dân tộc

Cờ Tổ quốc là biểu tượng của hồn nước, lòng dân, sự hy sinh anh dũng của rất nhiều thế hệ người Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc. Chính vì ý nghĩa lớn lao đó mà việc treo cờ Tổ quốc đã trở thành nét văn hoá của nhân dân Việt Nam.

Tại hẻm 55 và hẻm 57, đường Cách Mạng Tháng Tám, thuộc khu phố 2, phường 3, thành phố Tây Ninh, những lá cờ Tổ quốc được cắm thành hàng thẳng tắp, bay phất phới. 

Anh Lê Tấn Phát- Bí thư Thành đoàn Tây Ninh cho biết, đây là công trình thanh niên “Đường cờ Tổ quốc” do Ban Thường vụ Thành đoàn phối hợp phường 3 thực hiện nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

“Công trình Đường cờ Tổ quốc mang ý nghĩa sâu sắc, khơi dậy cho các bạn trẻ về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng... Không chỉ tạo sự trang trọng, đem lại vẻ mỹ quan, “Đường cờ Tổ quốc” giữa khu dân cư còn khơi dậy lòng yêu nước, khích lệ tinh thần đoàn kết xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp. Hy vọng rằng, công trình này sẽ lan toả đến các hộ dân, cùng chung tay thực hiện treo cờ Tổ quốc vào các ngày lễ, tết”, Bí thư Thành đoàn Tây Ninh nói.

Công trình “Đường cờ Tổ quốc” được bố trí hơn 200 lá Quốc kỳ do Thành đoàn hỗ trợ, chính quyền địa phương chuẩn bị cán cờ. Để triển khai trên các tuyến đường, Thành đoàn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều cuộc họp dân, tuyên truyền, vận động bà con sống hai bên đường tham gia treo cờ Tổ quốc.

Người dân đồng tình hưởng ứng và phấn khởi thực hiện. Thành đoàn phân công cho Đoàn Thanh niên phường 3 quản lý và thường xuyên thay thế những lá cờ cũ, bạc màu. Dự kiến, thời gian tới, Thành đoàn sẽ rà soát một số tuyến đường trên địa bàn thành phố để tiếp tục nhân rộng công trình ý nghĩa này.

“Nhà tôi ở gần khu vực này, ngày nào cũng đi ngang qua đây. Nhìn con đường treo cờ đỏ sao vàng khiến trong tôi trào dâng cảm xúc rất thiêng liêng, tự hào, thêm yêu Tổ quốc, thôi thúc bản thân phải cố gắng chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp”, chị Nguyễn Thị Thanh Hương (ngụ phường 3) chia sẻ.

UBND xã Trường Hoà (thị xã Hoà Thành) tổ chức thực hiện “Tuyến đường cờ Tổ quốc kiểu mẫu” năm 2022 tại hẻm số 62 đường Nguyễn Văn Linh, ấp Trường Thiện hơn 200m và tuyến đường 850m (đoạn từ Trí Huệ Cung đến cầu Ông Hổ) thuộc 2 ấp Trường Xuân, Trường Cửu với tổng cộng 122 cột cờ. Công trình trị giá hơn 28 triệu đồng, do mạnh thường quân và các hộ dân ngụ hai bên tuyến đường đóng góp.

Đoàn viên thanh niên cùng các chiến sĩ Biên phòng chào cờ tại Cột mốc 178. Ảnh: Dương Đức Kiên

Ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Chủ tịch UBND xã Trường Hoà cho biết, đây là những tuyến đường được xã chọn làm điểm để nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện treo cờ, tạo mỹ quan khu dân cư, xây dựng xã nông thôn mới. Sau khi thực hiện công trình, địa phương thường xuyên kiểm tra, kịp thời thay mới những lá cờ đã phai màu, rách, thủng để bảo đảm tính trang nghiêm và mỹ quan.

Anh Sum (ngụ ấp Trường Xuân, xã Trường Hoà) cho biết: “Cờ đỏ sao vàng là biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc, niềm tự hào của người dân Việt Nam. Biết bao thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu bảo vệ độc lập, gìn giữ chủ quyền. Dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, trong lòng mỗi người dân Việt đều trào dâng một cảm xúc khó tả”.

“Hành lang lịch sử”, “Đường cờ Tổ quốc” hay về “Địa chỉ đỏ”… là những cách mà các ban, ngành, đoàn thể địa phương chung tay thực hiện để đưa lịch sử gần với hiện tại, nói cách khác là đưa lịch sử dân tộc đến gần hơn với thế hệ trẻ. Hy vọng rằng với những nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng sẽ ngày càng lan toả sâu rộng, thu hút nhiều người cùng chia sẻ những câu chuyện lịch sử, nâng cao ý thức chung tay xây dựng địa phương giàu đẹp.

ĐN - PT

Tin cùng chuyên mục