Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ðấy là tên một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Lê Anh Xuân. Ðấy là tiếng gọi dừa, mà cũng là gọi quê hương Bến Tre của nhà thơ trong những đêm ngày ông còn là một sinh viên trên miền Bắc.
Dừa Bến Tre đấy! Giờ đây đã thành một thương hiệu của thời kinh tế thị trường. Ngay trên các phố Tây Ninh, sau một dạo vắng bặt, nay tiếng rao quen thuộc thân thương đã trở lại: “Dừa dứa Bến Tre, uống vô thơm mùi dứa/ dừa xiêm Bến Tre uống vô ngọt ngay”.
Ðang mùa bão lũ. Cơn bão số 12 vừa đi qua. Chắc ai theo dõi trên màn hình ti vi đều ấn tượng trước những hàng dừa ven biển Nam Trung bộ. Hơn mười năm trước, tôi đã từng nhớ những hàng dừa trên con đường ven biển Nha Trang hết sức ngoan cường trong bão dữ.
Thì nay lại thấy những ảnh hình tương tự ở các miền bão mới đi qua. Ở Phú Yên, từng hàng cột điện bê tông gục đổ, dù vết gãy cho thấy rất dày cốt thép. Cây xanh trên phố gãy đổ đã đành. Ngay cả những hàng phi lao ven biển cũng rách nát tả tơi, gãy gục. Gương mặt thất thần của người đàn ông từ trong hai cánh cửa sắt kéo đã bị xô méo mó thành một khoảng trống hình tam giác…
Vậy mà hàng dừa ven biển vẫn còn, dù thân cây và những tàu lá to vật vã cả đêm. Chúng vẫn hiên ngang, gan góc giữa gió mưa. Ti vi tối 5.11 chiếu cảnh ở Cửa Ðại, Hội An. Bão đánh sập cả một đoạn dài bờ kè ven biển. Nhưng lạ thay, bờ cát sụt lở đến chân gốc dừa thì dừng lại. Và cây dừa ấy dù bị mất đi một nửa chỗ đứng chân, vẫn đứng nghiêng mà không đổ xuống. Trông những cảnh tượng ấy, bỗng nhiên lại muốn kêu lên hai tiếng: dừa ơi!
Lại nhớ những dừa quê ta, ở TP.Tây Ninh lúc còn là thị xã. Hàng dừa ven rạch Tây Ninh phía hạ lưu cầu Quan đường Trần Hưng Ðạo mất đã lâu rồi. Nhưng chính nó đã tôn vinh cho cây cầu lịch sử lần đầu có ở Tây Ninh với ba nhịp cong bằng bê tông cốt thép.
Bởi đã xem hàng trăm tấm ảnh chụp cầu của nghệ sĩ tỉnh nhà mà vẫn chẳng có tấm nào qua được tấm ảnh cầu có những hàng dừa nghiêng nghiêng soi bóng nước nghệ sĩ Lê Bi đã chụp. Bây giờ ta chỉ có thể tìm những hình ảnh ấy ở trong vài cuốn sách cũ úa vàng. Còn những bóng hình xanh tươi duyên dáng ấy đã mất từ lâu trên thực địa.
Mới rồi, Báo Tây Ninh số ra ngày 20.10.2017 có bức ảnh chụp TP.Tây Ninh từ trên cao (flycam) của Dương Vĩnh Tuyên. Một góc nhìn thật bất ngờ và quá đẹp. Ðấy là lúc flycam bay trên đầu phía Tây của cây cầu mới trên đường Trần Quốc Toản.
Con rạch lúc này như một cánh cung ôm lấy khu đô thị phía bờ Ðông. Bên ấy là những toà nhà lớn kiêu hãnh và nổi bật. Chợ hoa ven rạch với lều lán và kiểng hoa sắp lớp. Vài con thuyền chở hoa kiểng nép mình vào mé bờ Ðông. Và không thể ngờ rằng cái hàng dừa tám cây phía hạ lưu lại nổi bật trên tiền cảnh bức ảnh ấy.
Những tàu lá loè xoè trên những thân cây mảnh khảnh. Bóng của chúng vạch những đường xiên trên mặt nước dưới chân cầu. Dường như trên cái vòng cung của khu vực gọi là lõi nén đô thị, chỉ có tám cây dừa ấy là những tạo vật duyên dáng duy nhất của thiên nhiên, làm “mềm hoá” chân dung đô thị.
Giờ nhớ lại thêm mà thấy tiếc. Ðấy là hàng dừa tới tám, chín cây ở ven rạch đường Quang Trung trước bệnh viện TP. Tây Ninh. Khoảng ba năm trước, chúng vẫn còn đứng ngả nghiêng, mỗi cây một dáng vẻ hồn nhiên và thơ thới. Chúng đã từng làm tôn lên, làm mát dịu đi cái kiến trúc mặt tiền hướng Tây của bệnh viện mỗi khi “nắng quái chiều hôm”.
Vậy mà chúng đã bị đốn đi khi người ta khai triển dự án công viên ven rạch. Ðến hôm nay thì công viên ấy được lát gạch rồi, lại ước ao hàng dừa tuyệt đẹp ấy vẫn còn. Xin kể lại chuyện này, để Ban Quản lý dự án có thể trả lại hàng dừa tại công viên ven rạch. Cũng bởi tại người Tây Ninh ta có vẻ như hơi coi nhẹ cây dừa.
Ðấy, bạn nhớ lại mà coi. Ðã có những bến Cây Ổi, Cây Sao, Cây Chò… nhưng không có bến Cây Dừa. Cả những dự án đô thị, nơi từng có rất nhiều dừa ven rạch như công viên Thắng Lợi nay dừa cũng không còn một bóng. Thay vào đó là một hàng cau vua còi cọc đứng chơ vơ.
Dừa ơi! Bạn cũng có một khuyết điểm có thể là duy nhất đây (trong mắt con người). Ðấy là trái dừa có thể rụng bất ngờ, làm bị thương người bên dưới. Nhưng dừa cũng đã biết và có ý rồi đấy chứ! Thân cây thường ngả mình về phía dòng sông. Ðể lỡ có trái rơi thì sẽ rơi xuống nước.
Ngắm bức ảnh Dương Vĩnh Tuyên, một góc của trung tâm Thành phố. Vẫn nổi bật một hàng dừa duy nhất. Lòng chợt muốn bắt chước nhà thơ mà gọi: dừa ơi! Cùng một câu hỏi muôn đời: “Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi/ Mà lá tươi xanh mãi đến giờ” (Dừa ơi).
NGUYỄN