Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đừng để lãng phí thành bệnh mãn tính
Thứ năm: 14:15 ngày 20/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cuối tháng 3-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng ngay sau đó nhiều địa phương rầm rộ tổ chức lễ kỷ niệm thành lập, tái lập tỉnh.

Bộ ấm chén tỉnh Vĩnh Phúc mua làm quà tặng.

Thông tin báo chí cho biết phần lớn các khoản chi tiêu này lấy từ nguồn ngân sách nhà nước.

Lùm xùm nhất là vụ Vĩnh Phúc, hiện các cơ quan chức năng đang làm rõ vụ tỉnh này dùng hàng chục tỉ đồng, trong đó có tiền ngân sách để mua ấm chén làm quà cáp.

Chưa thể thống kê hết số tiền từ ngân sách mà các ngành, địa phương đã chi cho những lễ hội, kỷ niệm... nhưng nó đã đọng lại nơi người dân một câu hỏi.

Đó là: Vì sao chủ trương, lời kêu gọi tiết kiệm được đưa ra từ cấp cao nhất chưa được hưởng ứng triệt để, kỷ cương phép nước và kỷ luật chi xài ngân sách chưa nghiêm? Có thể nhiều nơi bỏ qua lời kêu gọi tiết kiệm là vì ngại đụng chạm vào các vấn đề nhạy cảm.

Như cho rằng ngày kỷ niệm, lễ hội... là cần thiết để tăng thêm lòng tự hào, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, tạo thêm động lực, dấu ấn để đạt được những mục tiêu cao hơn...

Khi mà thái độ né tránh vấn đề nhạy cảm còn đó, nhu cầu tạo “dấu ấn” của các địa phương và ban ngành vẫn rất cao, việc giám sát hoạt động chi tiêu ngân sách còn xuê xoa, cả nể thì chủ trương tiết kiệm khó đi vào cuộc sống.

Sự lãng phí, thất thoát tiền ngân sách rất đa dạng. Các địa phương còn có cách để chi tiêu thoải mái, lại vừa được cấp trên đánh giá cao.

Như họ tìm cách lên dự toán kinh phí chi thường xuyên thật cao, sau đó đăng ký phấn đấu tiết kiệm một khoản chi thường xuyên theo chủ trương.

Vậy là được cả đôi đàng nhưng chỉ là trên báo cáo, chứ không đi vào thực chất của tinh thần tiết kiệm.

Hoặc địa phương được doanh nghiệp tặng xe sang, tài trợ cho các dịp lễ hội, đổi lại doanh nghiệp được đặc quyền đặc lợi ở dự án hay khu đất vàng nào đó và làm ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước.

Nói chung khi mà tiết kiệm tiền ngân sách chưa thấm vào máu thịt của người có trách nhiệm thì đà chi tiêu ngân sách lãng phí sẽ trở thành mãn tính.

Kêu gọi tiết kiệm, kể cả pháp lý hóa khoản tiết kiệm bằng tỉ lệ tiết kiệm cụ thể cũng không hẳn là liều thuốc hữu hiệu để trị bệnh lãng phí.

Căn bệnh trầm kha của chi tiêu ngân sách nhà nước không hẳn là thu không đủ chi, mà là các khoản chi thường xuyên càng tăng khó kiểm soát, trong khi chi cho đầu tư phát triển ngày càng sụt giảm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính từng nói trước Quốc hội rằng do tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch, nguồn thu ngân sách giảm theo nên Chính phủ phải vay thêm nợ để bù đắp cho chi tiêu công.

Nhưng không thể bỏ qua thực trạng chi tiêu còn thoải mái mà các lễ hội, kỷ niệm là một ví dụ.

Cần phải nhìn nhận lại vấn đề, rằng thâm hụt tài khóa và nợ công tăng nhanh đâu chỉ do GDP tăng chậm mà còn do thiếu quyết tâm cùng Chính phủ thực hành chống chi tiêu lãng phí.

Hãy buộc các địa phương công khai chi tiết khoản kinh phí chi tiêu cho lễ hội, kỷ niệm... trước khi triển khai và bài học này cần mở rộng ra các khoản chi khác dùng tiền ngân sách.

Với sự giám sát như thế, chắc chắn người ký quyết định chi tiêu sẽ chùn tay, sẽ có đấu tranh, phản biện trước khi duyệt chi.

Có thế chủ trương tiết kiệm triệt để mới đi vào cuộc sống, người dân mới thoải mái và yên tâm đóng thuế.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục