Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đường về Việt Nam của công nhân từng mắc Covid-19
Chủ nhật: 09:11 ngày 23/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong cơn mê man, anh công nhân Bùi Văn Tùng nghe tiếng người đồng hương đánh thức "dậy, đi cách ly, dương tính hết rồi".

Lúc đó, Tùng nằm trong danh sách 24 công nhân Việt Nam nhiễm nCoV, đang làm việc tại dự án thuỷ điện Sendje, tỉnh Littorial, Guinea Xích Đạo. Toàn thân mỏi nhừ, nước mắt cứ thế rớm ra trên khuôn mặt người đàn ông 33 tuổi. Tùng nhớ hôm đó 21/6, lúc 16h, chiếc xe "có dấu cộng màu đỏ" đã đỗ sẵn trong sân. Anh chỉ kịp vơ hai bộ quần áo và chiếc điện thoại không sim, đi cách ly cùng sáu công nhân người Việt.

Tùng cảm nhận những cơn đau nhức toàn thân ập đến từ giữa tháng sáu. Nhiều công nhân khác làm cùng với anh cũng bị khó thở, mất vị giác. "Chúng tôi đều nghĩ thời tiết chuyển mùa nên bị cảm cúm", anh nói. Bây giờ nghĩ lại, họ mới thấy đqax chủ quan vì lúc xuất hiện triệu chứng trùng với mùa mưa chuyển sang mùa khô ở Guinea Xích Đạo. Quốc gia châu Phi khi đó ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm nCoV, 12 ca tử vong. "Một con số nghiêm trọng với đất nước chỉ có 1,2 triệu dân", WHO đánh giá. Điều đáng lo ngại, là giới chức nước này không muốn chia sẻ dữ liệu với cộng đồng y khoa thế giới.

Đầu tháng bảy, 116 trong tổng số 219 công nhân Việt Nam đang làm việc tại công trường thuỷ điện Sendje được xác định dương tính với nCoV.

Tùng nói chuyện với bạn trước khi rời Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, sáng 14/8. Ảnh: Ngọc Thành

Bùi Văn Tùng đặt chân đến Guinea Xích Đạo mùa xuân 2019, hợp đồng lao động 18 tháng với công ty xây dựng tư nhân ở Hà Nội. Hơn hai trăm công nhân của ba nhà thầu phụ Việt Nam xây dựng thuỷ điện Sendje, nằm bên bờ sông Wele.

Trước ngày bay, người chị gái mang sổ đỏ gần 500 m2 đi cắm, lấy 20 triệu đồng, lãi suất 4% cho em trai đặt cọc đi xuất khẩu lao động. Đó là đất hương hỏa, có ngôi nhà bảy anh chị em họ đã lớn lên. Ba anh trai, ba chị gái đã dựng vợ gả chồng. Cậu em út sống một mình, thờ cúng cha mẹ đã mất. Họ lần lượt qua đời năm 2012 và 2014 vì xơ gan và tai biến mạch máu não.

Quê Tùng, một vùng thuộc Bắc Trung Bộ có hai phần ba núi đồi, với một nửa dân cư là người Mường cư trú. Phụ nữ thường đi làm thuê ở các công ty, đàn ông ở nhà lên đồi trồng mía hoặc cây ăn quả. Một ngày xách hồ bên châu Phi bằng tiền công năm buổi chặt mía ở quê, Tùng chọn con đường xuất khẩu lao động. Chàng trai người Mường muốn có tiền cưới vợ, khi các cô gái trong làng đều chê anh nghèo.

Mỗi ngày chín tiếng, anh ghép ván khuôn và đổ bê tông. 16 triệu tiền lương hàng tháng chuyển thẳng về tài khoản người chị gái ở Việt Nam. Tiền đặt cọc hoàn trả dần vào bốn tháng lương đầu tiên, anh lấy lại được sổ đỏ. Hết giờ làm việc, họ đi bộ về ký túc xá gần công trường, bao quanh bằng hàng rào thép gai. Tùng ở với năm công nhân khác đều đến từ các tỉnh miền Trung. Chiếc điện thoại không sim, có chức năng gọi video là phương tiện liên lạc duy nhất của họ với gia đình.

"Chuyến đi chẳng mất gì nhiều, chỉ mất sức lao động và suýt chút thì mất mạng", Tùng đúc kết. Nếu không có biến cố xảy ra, hợp đồng kết thúc vào ngày 8/9, anh sẽ trở về Việt Nam.

Nhưng giữa tháng ba, đại dịch ập đến Guinea Xích Đạo. Nước này thông báo ca nhiễm đầu tiên, ngày 14/3, khi một phụ nữ 42 tuổi quay về từ thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, nơi là điểm nóng Covid-19.

Sợ dịch bệnh tràn vào công trường, công nhân Việt Nam yêu cầu giới chủ ngưng tiếp nhận người bản địa vào làm công nhật. Họ thường lái xe chở đá, hoặc rửa bát trong ký túc xá, sáng đi tối về và có thể mang mầm bệnh đến bất cứ lúc nào. Nhưng rồi, điều mà hơn hai trăm công nhân Việt Nam lo sợ cũng đến, một nửa trong số họ lần lượt nhiễm nCoV.

Sân bay Bata chiều tối 28/7, các công nhân lên máy bay trở về Việt Nam. Ảnh: VNA

Sau khi xác định mắc Covid-19, Tùng cách ly tại khách sạn De Federaciones, thành phố Bata. Anh được lấy mẫu xét nghiệm ba lần. Sinh hoạt gói gọn trong căn phòng ba mươi mét vuông cùng sáu ca dương tính khác. Không ai nói chuyện với ai. Công nhân lần lượt báo tin về nhà. Tùng giấu, không muốn chị gái lo, sợ người làng kì thị. Việc bặt tin khiến làng quê dấy lên tin đồn anh "chết vì dịch, người ta mang xác đi thiêu". Chuyện đó mãi sau này chị gái kể, Tùng mới biết.

Ngày 10/7, anh khó thở, được chuyển vào Bệnh viện La Paz ở thành phố Bata. Tùng gặp lại hơn mười công nhân đang điều trị Covid-19 ở đây."Vẫn sống à, may quá", họ chào hỏi sau hai tuần đứt liên lạc, trong lòng dấy lên mong ước được trở lại quê nhà.

Cùng lúc này ở Việt Nam, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chiều 10/7. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo bộ ngành lên kế hoạch đưa các lao động về nước, với tinh thần "làm hết sức mình".

Chờ đợi chuyến bay giải cứu, với anh công nhân là quãng thời gian "không phân biệt được đêm hay ngày, chỉ ăn, nằm chờ, tiêm và uống thuốc". Những bữa ăn không có rau và cơm, chỉ có món ăn bản địa là bột mì hoặc súp sắn. Ăn được hai miếng lưỡi muốn nhè ra, nhưng cố nuốt ngược trở về để còn uống một vốc thuốc. Thèm cơm trắng quá, có đêm Tùng nằm mơ thấy mình trở về thời thơ bé, ngồi bên mâm cơm còn đủ mặt chín người, được ăn rau muống, cà muối mặn. Mới và được hai miếng đã tỉnh giấc, mở mắt ra chỉ thấy ga giường trắng nhờ nhờ.

Công nhân được đưa thẳng về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị, chiều 29/7. Ảnh: Ngọc Thành

Chuyến bay VN05 "đưa công nhân về nhà", khởi hành từ Nội Bài lúc 7h sáng 28/7, hạ cánh xuống sân bay Bata sau 12 tiếng bay thẳng. Chuyến bay qua không phận 9 nước, đến vùng Việt Nam chưa mở đường băng. Lần thứ hai, tổ bay 21 người gồm phi hành đoàn và bác sĩ mặc đồ bảo hộ cấp bốn, kể từ chuyến giải cứu công dân khỏi tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc) hồi tháng hai. Nhưng áp lực tăng lên nhiều lần khi đón 129 bệnh nhân dương tính.

Xe công trường đưa công nhân từ bệnh viện, nơi cách ly đến sân bay. Tùng gặp lại hai người anh rể, lúc này mới biết tất cả đều còn sống. Hành lý ngày về Việt Nam vẫn là hai bộ quần áo và một chiếc điện thoại không sim, thêm bộ đồ bảo hộ màu xanh.

Cả đoàn có ba tiếng hoàn tất thủ tục và lên máy bay quay lại Nội Bài. Nhưng máy bay trễ giờ khởi hành do phải đợi tiếp nhiên liệu. Hai khoang đầu để trang thiết bị, chỗ ngồi của phi hành đoàn và nhân viên y tế. Những người âm tính lên trước, ngồi ở khoang thứ ba. Tùng trong nhóm dương tính, lên cuối cùng, ở khoang đuôi máy bay. Nhìn bầu trời Guinea Xích Đạo trong đêm, lúc máy bay cất cánh, anh công nhân quyết định "cả đời này sẽ không quay trở lại đây".

Trên chặng đường khứ hồi dài mười hai tiếng, mọi hướng dẫn đều được bác sĩ thông báo qua loa phát thanh. Tùng không thể yên giấc trên chiếc ghế bọc nylon trơn tuột. Nhưng mọi sự bất tiện không đáng gì so với hạnh phúc trở về Việt Nam.

"Tôi là bác sĩ, các anh có nghe rõ không? Chúng ta còn ba tiếng nữa là về tới đất mẹ. Các anh cố gắng nhé", tiếng bác sĩ vang trên loa, các công nhân tỉnh giấc. "Về nhà rồi. Sống rồi anh em ơi", tiếng hoan hô vang động khi máy bay đáp xuống Nội Bài lúc 15h20, chiều 29/7, sau hơn ba mươi tiếng cả đi và về. Hai mươi xe quân đội cùng xe cấp cứu chờ sẵn ở sân bay. 250 y bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương "dọn chỗ" đón hơn hai trăm người trở về cách ly, điều trị.

Các ca dương tính được cách ly ở tầng 4, chờ hôm sau lấy mẫu xét nghiệm. Tùng gọi vui là "tầng dương tính". Bữa cơm đầu tiên sau một năm rưỡi xa nhà có rau muống, thịt luộc chấm mắm hết veo. Cuộc gọi đầu tiên về nhà sau hai tháng đứt liên lạc, người chị gái thứ tư vừa trông thấy mặt em, đã khóc váng lên qua điện thoại. Chị bảo ngày nào cũng thắp hương bố mẹ phù hộ, và lời cầu khấn đã ứng nghiệm. Đêm ấy, Tùng ngủ không mộng mị.

Sau nhiều lần xét nghiệm sàng lọc, số dương tính còn lại 21 người so với thống kê ban đầu 129. Bác sĩ giải thích trong thời gian chờ đợi chuyến bay, một số người được điều trị, một số sức đề kháng tốt có thể đã khỏi Covid-19. Toàn bộ "tầng dương tính" 45 người có kết quả xét nghiệm âm tính ít nhất ba lần. 183 công dân được ra viện, sáng 14/8.

Những ngày cách ly ở quê, Tùng chăm đàn gà, rào lại mảnh vườn không ai chăm bón. Ảnh: NVCC

Xe công ty đưa Tùng và bảy đồng hương về tới thị trấn, cách nhà 7 km. Họ nói dối đi làm ở Hà Nội về, từ chối đội xe ôm đang nhao tới, rồi gọi người bạn lái taxi đưa về trạm xá xã. Cả nhóm được hướng dẫn tự cách ly thêm 14 ngày ở nhà.

Ngôi nhà một năm rưỡi thiếu hơi người ở, giờ trở thành nơi cách ly của Tùng và hai anh rể. Buổi sáng trước khi đi làm, chị gái mua đồ ăn, treo ở hàng rào trước cổng để ba anh em tự nấu ăn. Hàng xóm đi qua ngõ, chỉ hẹn "hôm nào sang chơi". "Xã đọc trên trên loa, cả làng biết. Giờ mình thành người cá biệt rồi", Covid-19 khiến Tùng thấy lạc lõng trên quê hương mình.

Bao giờ hết cách ly, anh sẽ quay ra Hà Nội lấy hộ chiếu và hai tháng lương công ty chưa thanh toán. Số tiền tích cóp từ mười bốn tháng làm việc bên châu Phi, Tùng giữ một phần làm vốn. Anh cũng muốn sửa lại mái nhà cấp bốn bố mẹ xây, mười sáu năm chưa sửa sang một lần.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục