Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 7.6, tại hội trường Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức sơ kết 2 năm (2016-2017) về thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Sau hai năm triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức được 264/262 lớp hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đạt tỷ lệ 101%.
Các huyện, thành phố đã mở lớp đào tạo 31 nghề (cả nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp).
Trong tổng số 8.110 người tham gia học nghề có 4.261 nữ, đạt 54,54%, và 2.691 thanh niên, đạt 33,18%. Tổng kinh phí thực hiện trong hai năm là 12.446 triệu đồng, trong đó kinh phí trung ương hỗ trợ từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 6.193 triệu đồng, kinh phí địa phương 6.253 triệu đồng.
Đánh giá về hiệu quả đào tạo nghề, UBND tỉnh cho biết, số liệu báo cáo của các huyện, thành phố cho thấy, số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 6.777/8.110 người, đạt tỷ lệ 83,56%.
Nhìn nhận về các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, UBND tỉnh cho biết, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thực hiện theo mô hình dạy nghề tập trung theo địa bàn dân cư.
Trong hai năm qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số mô hình đào tạo nghề được đánh giá là điển hình, thành công. Cụ thể, huyện Gò Dầu có ba mô hình (trồng lúa, rau an toàn và trồng bắp), thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng.
Cũng tại Gò Dầu có 2 mô hình nhân giống lúa, sản xuất bắp giống của HTX dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn, tổ hợp tác nhân giống lúa Thanh Phước, tổ hợp tác nhân giống lúa Phước Thạnh đem lại thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/người/tháng.
Tại Châu Thành có mô hình liên kết và bao tiêu sản phẩm đan lát ghế nhựa giúp địa phương giải quyết tốt công tác đào tạo nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhóm phụ nữ.
Khen thưởng cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong đào tạo nghề.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn những mặt hạn chế nhất định. Trong quá trình đào tạo cho lao động nông thôn, các địa phương chưa thực hiện đúng theo tinh thần Quyết định 971 là chỉ tổ chức đào tạo nghề khi xác định được nơi làm việc; không tổ chức đào tạo nghề cho lao động khi không dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập cho người lao động sau học nghề.
Tại hội nghị, đại biểu tham dự đã nghe nhiều báo cáo tham luận của UBND các huyện, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Trong đó, lãnh đạo một doanh nghiệp lớn ở TP.Hồ Chí Minh (có chi nhánh tại Tây Ninh) đề nghị xem xét lại chính sách, quy định hiện hành, vì nhiều học viên trường nghề sau khi học xong mới 17 tuổi, doanh nghiệp không dám nhận vào làm, vì như vậy là không đúng quy định theo Luật Lao động.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, đào tạo nghề cho lao động nông thôn có ý nghĩa góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị các cấp các ngành nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế, bất cập, từ đó đưa ra những giải pháp tháo gỡ trong thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đ.V.T