Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Gắn mác 'giải cứu' để bán hàng giá cao
Thứ ba: 09:16 ngày 25/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trứng cút, bưởi và nhiều loại hải sản khác được giới buôn lạm dụng, gắn mác "giải cứu" như tôm hùm, dưa hấu, thanh long.

Hơn một tháng qua, dịch Covid-19 lan rộng khiến nhiều nông thủy sản của Việt Nam gặp khó trong xuất khẩu, đẩy giá chạm đáy. Trước tình cảnh người dân chịu nhiều thua lỗ, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đua nhau giải cứu tôm hùm, dưa hấu, thanh long và đạt được nhiều tích cực. Tuy nhiên, số khác lại lạm dụng "giải cứu" để đẩy giá bán mặt hàng kém chất lượng với mức giá không thật sự rẻ.

Nhờ liên tục kêu gọi giải cứu ngao hai cồi với giá 80.000 đồng một kg, chị Hoa bán đắt khách hơn hẳn hai ngày gần đây. Sở dĩ chị rao như vậy vì gần đây ngao hai cùi Quảng Ninh khó xuất khẩu sang Trung Quốc cho nên hàng tồn nhiều, giá giảm một nửa. 

"Với sự ủng hộ nhiệt tình của người mua, có thể hết tuần chúng tôi bán được nửa tấn ngao 2 cùi. Loại này thông thường giá lên tới 150.000-160.000 đồng một kg", chị Hoa chia sẻ.

Ngao hai cùi được đăng bán giải cứu ồ ạt. Ảnh: Hồng Châu.

Cũng nhờ rao giải cứu hàu đại dương "siêu to, siêu khổng lồ" với giá 45.000 đồng một kg, chị Hằng ở Nam Định mỗi ngày bán cả tạ hàu. "Lượng hàng bán ra gấp 3 ngày thường. Nếu cứ mua tốt như này thì hàu sẽ được bán hết nhanh hơn so với dự tính", chị Hằng nói.

Không chỉ các loại hải sản đua nhau gắn mác giải cứu mà ngay cả trúng cút, bưởi... cũng được nhiều người bán kêu than cần sự giúp đỡ của cộng đồng.

Chị Trân, 2 tuần trước vừa nói trứng của trang trại gia đình nhà chị không xuất được đi Trung Quốc nên cần được giải cứu như dưa hấu. Giá bán là 30.000 đồng 100 trứng. Cũng nhờ cụm từ "giải cứu" mà hàng tạ trứng nhà chị Trân được đặt mua hết trong ngày. 

Chỉ sau thời gian ngắn đăng bán cần giải cứu, trứng cút được khách đặt mua ồ ạt. Ảnh: Hồng Châu.

Gắn mác giải cứu và quảng cáo là hàng xuất khẩu nhưng giá bán và chất lượng hàng bán ra không như quảng cáo. Thậm chí, giá còn cao hơn so với bình thường. 

Thực tế, hàu bán tại các vựa cũng chỉ 40.000 đồng một kg, ngao hai cùi cũng chỉ 50.000-80.000 đồng cho hàng loại 3 (size trên 30 con). Riêng với trứng cút ở chợ TP HCM, giá bán 1.000 đồng 4 trứng. Như vậy với giá 30.000 đồng, khách có thể mua được 120 trứng.

Không những bán giá đắt, chất lượng sản phẩm của mặt hàng gắn mác "giải cứu" này còn bị khách than phiền. Nhiều khách cho biết, quảng cáo là hàng "siêu to, khổng lồ" nhưng khi giao khách chỉ nhận được loại có kích cỡ nhỏ, thịt hải sản mỏng teo lại vì đã để nhiều ngày. Với trứng cút thì luộc lên đa phần bị vỡ.

Chị Loan ở quận 12 cho biết, hứng khởi mua ủng hộ 200 trứng cút thì sau khi đem về chế biến trứng bị ung nhiều, nhiều trái luộc lên vỡ. "Trứng không róc và ngon như bình thường tôi hay mua nên từ giờ rút kinh nghiệm chỉ nên mua chỗ uy tín", chị Loan bộc bạch.

Anh Thành, chủ cửa hàng hải sản ở đường Phan Văn Trị (Gò Vấp) cho rằng, hàu sữa, ngao hai cùi là mặt hàng số lượng có hạn không nhiều như các loại thủy hải sản hay nông sản khác nên không có viêc hàng ùn ứ cần giải cứu. Hiện, giá các sản phẩm mà nhiều đơn vị rao bán còn cao hơn cả tại nhiều cửa hàng. Do đó, khách mua cần cẩn thận và xem xét kỹ trước khi đặt mua.

GS.TS Võ Tòng Xuân - chuyên gia nông nghiệp nói, lạm dụng việc giải cứu sẽ gây tiền lệ xấu cho ngành nông nghiệp. Đặc biệt, nhiều đối tượng lợi dụng giải cứu để trục lợi lại càng khiến môi trường kinh doanh sa sút, chất lượng sản phẩm giảm. Nếu tiếp diễn tình trạng này, người nuôi trồng vẫn cứ làm hàng kém chất lượng trong khi đó người tiêu dùng phải sử dụng sản phẩm nhiều hóa chất, dư thuốc bảo vệ thực vật. 

Trước đó, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cũng nhìn nhận, việc giải cứu thái quá dẫn đến cách hiểu "nông nghiệp là nghèo nàn, thấp kém". Ngoài ra, nông dân phải tham gia vào chuỗi kinh doanh theo cơ chế thị trường. Khi họ ý thức được điều này thì mới sản xuất được theo chuỗi liên kết và doanh nghiệp sẵn sàng bảo vệ đối tác của mình.

"Làm kinh doanh mà phải chờ giải cứu thì không phải kinh doanh", ông Trần Bá Dương nói.

Ông Võ Tòng Xuân đề xuất, không nên giải cứu mà hãy để người nuôi trồng có bài học kinh nghiệm và làm mọi thứ có kế hoạch hơn. "Song song đó, hỗ trợ và khuyến khích nông dân nuôi trồng theo chuỗi, sạch. Như vậy, hàng không chỉ tiêu thụ được trong nước mà còn xuất khẩu được nhiều thị trường thay vì chỉ phụ thuộc Trung Quốc", GS.TS Xuân nói.

Thực trạng của nông nghiệp Việt Nam hiện là các hộ cá thể nuôi trồng tràn lan không có kế hoạch còn thương lái chộp giật khiến hoạt động buôn bán liên tục gặp tình trạng "được mùa mất giá". 

Theo ông Xuân, cần khuyến khích người dân làm ra sản phẩm chất lượng, liên kết được với doanh nghiệp để xuất khẩu chính ngạch. Còn các công ty xuất khẩu nên khảo sát kỹ thị trường, tới tận doanh nghiệp cần nhập ký hợp đồng và cung ứng để nguồn hàng sản xuất ra có đầu ra tốt.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục