Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giải mã trào lưu “xé túi mù”
Thứ tư: 08:05 ngày 25/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sản phẩm bên trong các “túi mù”, “hộp mù”  thường là những con vật đồ chơi, trái cây bằng nhựa, có hình dáng ngộ nghĩnh, đáng yêu với nhiều mức giá từ vài chục nghìn đến vài chục triệu đồng/ sản phẩm.

Hơn 2 tháng gần đây, trào lưu xé “túi mù” hay đập “hộp mù” không chỉ gây sốt trên mạng xã hội, hiện trào lưu này đang được giới trẻ săn đón ở các cửa hàng quà lưu niệm, căn tin trường học. Sản phẩm bên trong các “túi mù”, “hộp mù” thường là những con vật đồ chơi, trái cây bằng nhựa, có hình dáng ngộ nghĩnh, đáng yêu với nhiều mức giá từ vài chục nghìn đến vài chục triệu đồng/sản phẩm.

Nhiều mối nguy hại tiềm ẩn

Trào lưu “xé túi mù” bắt nguồn từ Nhật Bản và nhanh chóng lan rộng sang nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Ban đầu, các gói túi mù thường là các sản phẩm nhỏ như đồ chơi, búp bê, hoặc mô hình nhân vật hoạt hình được đóng kín trong các bao bì (nhựa, giấy, nylon...) không nhìn thấy được sản phẩm bên trong, người mua chỉ có thể biết mình sẽ nhận được gì sau khi xé bỏ lớp bao bì, tạo cảm giác hứng thú và bất ngờ, nhưng cũng đi kèm nhiều hệ lụy tiêu cực.

Học sinh mua “túi mù” tại căn tin một trường học trên địa bàn tỉnh.

Trên các nền tảng mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp các video xé “túi mù” thu hút hàng triệu lượt xem. Đặc biệt, giới trẻ dành nhiều thời gian để xem và theo dõi những đoạn video này, thể hiện sự tò mò, thích thú với hình thức giải trí mới lạ này. Theo thống kê từ Metric- Nền tảng số liệu E-commerce, hơn 180.000 sản phẩm túi mù đã được bán ra trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo… đặc biệt doanh thu tăng trưởng vượt bậc trong 2 tháng cuối năm.

Sản phẩm “hộp mù” có tên Baby three được giới trẻ săn đón.

Dạo một vòng quanh các cửa hàng quà lưu niệm ở khu vực thành phố Tây Ninh, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp các “túi mù” hay “hộp mù” được bày bán với số lượng lớn. Có những túi mù, hộp mù đến từ các hãng đồ chơi nổi tiếng có giá lên đến tiền triệu cũng được người đam mê sẵn sàng chi tiền để mua. Điển hình như sản phẩm "Skullpanda" của hãng Popmart, hay bộ sưu tập Labubu của hãng đồ chơi này có giá từ khoảng 250.000 đồng đến 21 triệu đồng/hộp; sản phẩm có tên gọi "Baby three" với hình dáng, biểu cảm gương mặt đáng yêu, kèm theo mùi thơm tuỳ loại, luôn là món đồ được tín đồ ghiền “đập hộp” săn đón.

Bạn Nguyễn Minh Anh (thị xã Hoà Thành) cho biết, đã dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để mua món đồ chơi bí ẩn trong những chiếc hộp nhỏ. Theo Minh Anh, mỗi lần mở một hộp túi mù, bạn cảm thấy như mình đang khám phá kho báu được giấu kín, có cảm giác hồi hộp khi từ từ lột lớp giấy gói bên ngoài cho đến khi nhìn thấy món đồ bên trong, nhưng xen lẫn cảm giác hồi hộp là sự hụt hẫng khi sản phẩm bên trong không đúng như mong đợi của người tiêu dùng.

Người trẻ sẵn sàng chi tiền triệu để được thoả đam mê “xé túi mù”.

Việc chơi “túi mù” còn tạo ra thói quen tiêu dùng bốc đồng. Người chơi thường khó kiểm soát bản thân trước những sản phẩm mới, hấp dẫn, dẫn đến việc chi tiêu một cách lãng phí. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tài chính cá nhân mà còn tạo ra gánh nặng kinh tế, khi những sản phẩm đồ chơi trong túi mù cũng chỉ để trưng bày, không phục vụ được những mục đích quan trọng hơn khác.

Chị Đào Thị Tuyết (huyện Châu Thành) có con đang học lớp 5 tại một trường Tiểu học trên địa bàn thành phố Tây Ninh, gần 1 tháng trở lại đây, ngày nào con chị cũng mang về nhà một túi mù.

“Trào lưu này không chỉ tác động xấu đến tâm lý trẻ nhỏ mà còn ảnh hưởng đến xã hội, khi giới trẻ dần quen với việc mua sắm vô tội vạ, thiếu ý thức bảo vệ môi trường và tiết kiệm, nên tôi đã nghiêm cấm con mình mua những loại đồ chơi này”- chị Tuyết bày tỏ.

Một vấn đề đáng lo ngại hơn là sự xuất hiện của hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường “túi mù”. Với mức giá rẻ, đa phần túi mù đều được sản xuất với các nguyên vật liệu không rõ nguồn gốc. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, nhiều nhà sản xuất đã lợi dụng cơ hội này để sản xuất hàng giả, hàng nhái, chất lượng kém, gây tổn hại cho người tiêu dùng. Điều này không chỉ làm giảm niềm vui khi chơi “túi mù” mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe và an toàn.

Cơn sốt chốc lát- ô nhiễm môi trường

Phần lớn các sản phẩm trong túi mù đều được làm bằng nhựa để bảo đảm tính thẩm mỹ. Mỗi sản phẩm trong túi mù đều được gói trong bọc nhỏ làm bằng nylon. Khi được mở ra, những chiếc bọc nylon thường bị vứt bỏ một cách tùy tiện, làm tăng lượng bao bì thải ra môi trường. Điều này dẫn đến sự lãng phí tài nguyên, khi người tiêu dùng không giữ lại hoặc không sử dụng sản phẩm trong thời gian dài.

Vừa qua, tại diễn đàn “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên”, do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF Việt Nam), Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã nêu: hàng năm, trên thế giới có hơn 300 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó phần lớn là các loại bao bì nhựa dùng một lần. “Xé túi mù” đã và đang đóng góp vào lượng rác thải này vì đa phần bao bì của các túi mù làm từ nhựa rất khó tái chế được.

Nhiều túi mù với các nguyên vật liệu không rõ nguồn gốc được bày bán.

Theo các chuyên gia, quá trình sản xuất và tiêu dùng túi mù đã góp phần không nhỏ vào tình trạng ô nhiễm vi nhựa toàn cầu. Trong quá trình sản xuất, nhựa nguyên liệu bị mài mòn và phân hủy thành những hạt vi nhựa nhỏ li ti. Khi túi mù được sử dụng và vứt bỏ, chúng phân hủy dần dưới tác động của ánh nắng mặt trời, nhiệt độ và các yếu tố môi trường, giải phóng ra một lượng lớn vi nhựa vào môi trường.

Ông C.T.N (phường 2, thành phố Tây Ninh) cho biết, cháu nội của ông đã tốn tiền triệu cho trào lưu “xé túi mù”, ông khuyến cáo các bậc phụ huynh nên kiểm soát con mình chặt hơn, để tránh là nạn nhân của trào lưu này, thay vì chạy theo những cảm giác nhất thời, các bạn trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh cần cân nhắc việc chọn lọc, tránh lãng phí và có trách nhiệm để góp phần bảo vệ môi trường; các cơ quan chức năng cần quản lý tình trạng hàng giả, kém chất lượng để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.

Hoàng Yến

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục