Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Gần 1 triệu tỷ đồng đã được các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc đơn giản thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ số hóa cũng được các ngân hàng tích cực triển khai để giảm áp lực cho người vay vốn.
Giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Vietcombank. Ảnh: LÂM THANH
Nỗ lực kéo giảm lãi suất
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 215 nghìn khách hàng với dư nợ 138 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1,13 triệu tỷ đồng (mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5-2%, thậm chí một số TCTD đã hạ lãi suất tới 2,5% và hơn 4% cho khách hàng); cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23-1 đến nay đạt hơn 659 nghìn tỷ đồng với hơn 188 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 đến 2,5%/năm so với trước dịch.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng đã tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng huy động kỳ hạn một năm. Đại diện Tập đoàn Kim Nam, ông Nguyễn Kim Hùng cho biết, có những công ty thuộc Kim Nam chưa rơi vào tình cảnh nợ xấu, nhưng công ty đã được các ngân hàng thương mại (NHTM) như Vietinbank, Vietcombank chủ động làm việc để giảm lãi suất cho những kỳ hạn dưới 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng, trên 6 tháng với mức giảm tùy thuộc từng kỳ hạn, tối đa được 1,5%/năm so với trước khi có Thông tư 01. Ngoài ra, có những công ty của tập đoàn cũng bị ảnh hưởng trực tiếp do nhập nguyên liệu từ Trung Quốc đã được ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn nợ thêm ba tháng.
“Trong thời kỳ này, các NHTM cũng chủ động tiếp cận, đưa ra các khoản vay mới phù hợp doanh nghiệp thời Covid, cắt giảm phí chuyển tiền (đến 70-80%), giảm chi phí giao dịch. Trong khó khăn, điều này rất quý”, ông Hùng nói.
Cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Trường Biện (Vĩnh Phúc) Nguyễn Văn Biện chia sẻ, nguyên vật liệu sản xuất thiếu, nhập khẩu khan hiếm, thiếu chuyên gia,… “Trong bối cảnh đó, ngân hàng đã có những hỗ trợ rất cần thiết, kịp thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có dòng tiền để khôi phục sản xuất”, ông Nguyễn Văn Biện cho biết.
Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vico (Hải Phòng) Nguyễn Mộng Lân, công ty luôn được Vietinbank chi nhánh Ngô Quyền hỗ trợ rất kịp thời về giải ngân vốn vay, hỗ trợ lãi suất cho vay ưu đãi. Cụ thể, Vietinbank đã giảm lãi suất vay đối với các khoản vay VND kỳ hạn đến năm tháng từ 6,5%/năm xuống còn 6,3%/năm, sau đó tiếp tục giảm còn 6,0%/năm; lãi suất vay đối với các khoản vay USD kỳ hạn đến năm tháng từ 3,8%/năm xuống còn 3,3%/năm.
Quy mô dư nợ ngắn hạn của công ty tại Vietinbank chi nhánh Ngô Quyền là lớn nhất trong các TCTD. Vì thế, việc giảm lãi suất cho vay của ngân hàng là rất thiết thực, giúp công ty tiết giảm được đáng kể chi phí lãi vay, cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hóa
Bên cạnh các chính sách giảm lãi suất, ứng dụng công nghệ số để giải quyết nhanh các thủ tục, đề xuất của doanh nghiệp cũng được các ngân hàng triệt để thực hiện. Theo ông Lê Xuân Vũ, thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội, quá trình khách hàng tiếp cận các thủ tục ngân hàng từ nộp đơn, hoàn thiện hồ sơ, thẩm định phê duyệt đều được ngân hàng thực hiện tự động. Từ đó giúp khách hàng có thể nhanh chóng nhận được tiền.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) Nguyễn Đình Tùng cũng chia sẻ, với các ngân hàng bán lẻ, lượng khách hàng rất lớn, đồng nghĩa với hồ sơ xin cơ cấu lại nợ rất nhiều.
Để hoàn tất thủ tục cơ cấu 1.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng, có khi ngân hàng phải xử lý 2.000 - 3.000 hồ sơ của khách hàng, vì có khách hàng vay 1 - 2 tỷ đồng, nhưng cũng có khách hàng chỉ vay 200 - 300 triệu đồng. Số lượng hồ sơ lớn, trong khi theo quy định, chỉ có Ủy ban Cơ cấu nợ của ngân hàng mới được phép phê duyệt hồ sơ được cơ cấu nợ, dẫn tới tình trạng quá tải, hồ sơ ùn ứ.
“Chúng tôi rất thiện chí, hầu hết hồ sơ vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đều được cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giảm lãi tối đa cho khách hàng. Trung bình mỗi ngày, Ủy ban Cơ cấu nợ giải quyết đến 400 - 500 hồ sơ mà vẫn không xuể. Chúng tôi đang tính tới việc chuyển sang phê duyệt hồ sơ cơ cấu nợ tự động để người ra quyết định cơ cấu nợ có thể phê duyệt cùng lúc cho hàng trăm trường hợp”, ông Tùng cho biết thêm.
Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chậm tiếp cận chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới. Theo ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang, việc giảm lãi suất cho vay và gia hạn nợ của ngân hàng trên địa bàn thời gian qua còn chậm do các chi nhánh NHTM phải xin ý kiến hội sở.
Do vậy, để chính sách giảm lãi và gia hạn nợ được triển khai kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, ông Việt cũng đề xuất NHNN cần hỗ trợ các NHTM phân loại doanh nghiệp, khoản vay, ngành nghề đặc thù để các ngân hàng thuận lợi hơn trong từng đối tượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nhìn nhận rõ vấn đề này, đại diện lãnh đạo NHNN cũng cho biết, cơ quan này đã xây dựng chương trình công tác của Ban lãnh đạo NHNN làm việc tại các địa phương. Cụ thể, ngay trong đợt này, sẽ làm việc tại 14 tỉnh, thành phố để nắm bắt tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh để các chính sách hỗ trợ khắc phục khó khăn và phục hồi kinh tế sau dịch của ngành ngân hàng phát huy hiệu quả hơn nữa.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh, hoạt động của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn hiện nay phải chủ động, tích cực hỗ trợ nền kinh tế với tinh thần “đồng hành - chia sẻ - trách nhiệm”, nhất là phải xử lý dứt điểm các vướng mắc, khó khăn trong triển khai Thông tư 01. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng lưu ý, ngân hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nhưng trên tinh thần không hạ chuẩn cho vay, bảo đảm an toàn hệ thống.
Đồng thời đề nghị, các hiệp hội doanh nghiệp phối hợp hướng dẫn, tuyên truyền, giải thích các chính sách hỗ trợ, sự đồng hành, chia sẻ của ngành ngân hàng để doanh nghiệp thành viên nắm bắt, tiếp cận thuận lợi. Về phía các doanh nghiệp, cũng cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phù hợp thực tế làm cơ sở để các TCTD thẩm định cho vay.
Trong cuộc chiến chống dịch bệnh và tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế, NHNN là một trong những cơ quan cấp bộ vào cuộc sớm nhất thông qua việc ban hành Thông tư 01 kịp thời với nhiều giải pháp từ cơ cấu lại nợ, giãn nợ, tiết giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp, địa phương tháo gỡ khó khăn. Cùng với đó, hệ thống ngân hàng nhất là ngân hàng trung ương rất sát sao trong việc kiểm tra giám sát, đối thoại với doanh nghiệp để từ đó tìm hiểu khó khăn, vướng mắc.
NGUYỄN THANH BÌNH
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Nguồn nhandan